Như Thanh Niên thông tin, theo trình báo của anh T.A (26 tuổi, ngụ Hà Nội), khoảng 21 giờ ngày 31.12, khi anh đang điều khiển ô tô chở theo bạn, di chuyển trên đường Khuất Duy Tiến hướng về Nguyễn Xiển thì phát hiện ô tô 29C-583.95 do một người đàn ông cầm lái, điều khiển nhích từng tí mặc dù đã qua nhiều nhịp đèn tín hiệu, khiến các xe phía sau bị ùn ứ từ lối đường vành đai trên cao xuống. Bất bình, tài xế T.A xuống xe, tiến lại nhắc nhở và khuyên người đàn ông di chuyển, tuy nhiên người này có biểu hiện đã sử dụng rượu bia, không nghe mà chửi bới anh T.A và xuống xe hành hung, khiến anh bị gãy răng, gãy xương mũi và chảy nhiều máu, phải nhập viện điều trị. Thực hiện hành vi xong, người đàn ông cùng những người trên xe rời đi.
Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng công an Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết sau khi xảy ra sự việc, người này di chuyển lên Lào Cai. Công an Q.Thanh Xuân đã liên hệ và yêu cầu tài xế này về trình diện. Qua điều tra xác định nam tài xế tên Vũ Ngọc Long (48 tuổi, ngụ P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân) làm nghề tự do chứ không phải là cán bộ công an như mạng xã hội đồn thổi. Thượng tá Thành cho biết thêm Công an Q.Thanh Xuân sẽ đưa nạn nhân đi giám định thương tích, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố tài xế Long tội cố ý gây thương tích. Ngược lại, không đủ căn cứ khởi tố sẽ xử lý tài xế Long về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Hành vi quá côn đồ
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự bức xúc trước hành vi của tài xế Long và đề nghị phải xử lý nghiêm để răn đe và thượng tôn pháp luật. “Có tính chất côn đồ đã đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự không cần chờ kết quả giám định thương tích”, BĐ Ma Trung bức xúc.
“Hành vi côn đồ gây rối loạn xã hội giám định thương tật chỉ là tăng nặng hình phạt mà thôi, để răn đe những kẻ hổ báo côn đồ khác”, BĐ Xuan Dien ý kiến.
Tương tự, BĐ Robin cho rằng: “Hành vi lưu manh côn đồ mà chỉ bị xử lý hành chính thì sẽ không đủ để răn đe”.
“Nếu chỉ phạt hành chính các hành vi côn đồ này sẽ không khác gì khuyến khích cứ làm như vậy”, BĐ Hieu Duong ngắn gọn.
Cần ứng xử văn minh khi tham gia giao thông
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, những hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật và thiếu tình người sau va chạm giao thông diễn ra khá phổ biến. Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông thì mọi người cần bình tĩnh, ứng xử đúng đắn, có văn hóa khi xảy ra va chạm để tránh những chuyện đáng tiếc. “Cần kiềm chế và ứng xử có văn hóa nếu không may xảy ra va chạm khi tham gia giao thông để không phải dẫn đến những vụ việc đáng tiếc. Theo tôi việc xây dựng, tuyên truyền phổ biến về văn hóa giao thông cũng hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay. Trước mắt, nên đưa vào thành những bài học bắt buộc khi đào tạo cấp bằng lái xe từ 2 bánh trở lên. Về lâu dài cần đưa thẳng vào các giáo trình giảng dạy cho các học sinh từ nhỏ”, BĐ Minh Hiếu ý kiến.
Đồng quan điểm, BĐ Lê Phương cho rằng: “Ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông không chỉ là chấp hành đúng luật mà còn có thái độ chuẩn mực, hợp tác khi tai nạn xảy ra. Vấn đề này cũng cần được chú ý, đề cao vì trong thời gian ngắn vừa qua, chuyện tranh cãi, mâu thuẫn, hành xử côn đồ sau khi xảy ra tai nạn đang dần phổ biến. Những quy định về ứng xử sau khi tai nạn với người tham gia giao thông, với cơ quan chức năng... cần được đưa vào quá trình đào tạo cấp bằng lái xe”.
Mong đủ yếu tố cấu thành để xử lý hình sự cho chừa cái thói côn đồ hổ báo.
Nhạc
Hành vi ứng xử thiếu văn hóa, không thể chấp nhận được... Đề nghị ngoài việc xử phạt, nên thu bằng lái, cho học, thi lại phần lý thuyết ứng xử trong giao thông.
Phan Choi
|
Bình luận (0)