Qua hành vi táo tợn của 2 nghi phạm giả công an ập vào nhà dân lúc nửa đêm đòi khám xét, bắt người nhằm tống tiền vừa bị phát hiện, nhiều bạn đọc lần nữa đặt ra vấn đề về xử lý dứt dạt những 'chợ hàng cấm' chuyên bán hàng giả ngoài đời và trên mạng.
Liên quan vụ việc trên, như Thanh Niên đã thông tin, hai nghi phạm Trần Văn Sơn (41 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên) đã bị lực lượng chức năng tạm giữ khi giả cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) táo tợn xộc vào nhà bà L.H.T (54 tuổi, ngụ Q.11) lúc 22 giờ 45 ngày 28.8 đòi bắt người, khám nhà. Bước đầu, Sơn, Thái thừa nhận giả danh công an nhằm “cưỡng đoạt tài sản” của bà T.
Mua cảnh phục, giấy tờ, công cụ hỗ trợ... trên mạng
Đáng chú ý, Sơn khai với cơ quan công an nguồn gốc của cảnh phục, giấy chứng minh CAND (mang tên Trần Quyết Thắng), biển số xe, khẩu súng kim loại ngắn màu đen (không đạn) cùng một số giấy tờ liên quan, đều được mua... trên mạng.
“Thật khó phân biệt được đâu là thật đâu là giả vì trang phục giả được bán tự do”, bạn đọc (BĐ) Nguyen Vang bày tỏ lo ngại. Trong khi đó, BĐ Lê Minh Hùng cho rằng đây là hành vi nghiêm trọng hơn “vẻ bề ngoài”, vì dễ gây xáo trộn về quản lý hành chính trật tự, xã hội; dễ bị những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng, giả danh, “biến tấu”, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến niềm tin vào lực lượng công an nhân dân.
|
Một số BĐ chia sẻ kinh nghiệm nhận biết cách thức, thủ tục khi lực lượng công an làm nhiệm vụ, rằng khi công an khám xét nhà thì phải có cảnh sát khu vực, đại diện chính quyền địa phương; trường hợp khẩn cấp phải có lệnh của các cấp liên quan... Tuy nhiên, theo BĐ Phu Quang Hai: “Kẻ gian có “muôn hình vạn trạng” cách để chiếm đoạt tài sản của người dân. Phải tăng nặng hình phạt lên gấp đôi nhằm ngăn chặn tội ác sắp và đang xảy ra”.
Còn chợ “hàng cấm”, còn mầm mống tội phạm
Bên cạnh phản ánh thông tin về vụ việc 2 nghi phạm giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự nhằm “cưỡng đoạt tài sản” của người dân, Thanh Niên cũng ghi nhận về “chợ” hàng cấm rao bán các loại trang phục, công cụ giả liên quan ngành công an. Đáng nói, trước đây Thanh Niên từng có nhiều loạt bài phản ánh về hoạt động phi pháp này. BĐ Nguyễn Vinh Thái đặt vấn đề: “Tại sao các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc xử lý và dẹp các shop này? Họ bán công khai trên mạng, có địa chỉ rõ ràng và đây là khởi nguồn tiếp tay tội phạm...”.
Bên cạnh việc đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc và xử lý quyết liệt hơn, BĐ Nguyễn Tuân cho rằng cần “nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng trong dân cùng với nhận thức xã hội thì các vụ giả danh này mới không còn “đất sống”, chứ cấm đoán “chợ mạng” khó khả thi và không hiệu quả. “Khi mà nhân dân đã đủ hiểu biết pháp luật và đoàn kết thì tội phạm khó hoành hành”, BĐ Nguyễn Tuân viết.
Ở góc độ khác, BĐ Bùi Tá Vinh nhìn nhận trong vụ việc bắt 2 nghi phạm giả danh nêu trên, lực lượng chức năng đã rất nhanh chóng, kịp thời khi nghe điện thoại tin báo của người dân. “Nếu như tất cả công an xã, phường, TP... ở các địa phương trong nước nhanh chóng thế này, thì chắc chắn tội phạm sẽ không có đất dụng võ”, BĐ này viết.
Rất khó cho người dân phân biệt thật giả. Đề nghị bất cứ lực lượng nào muốn vào nhà dân phải có cảnh sát khu vực đi kèm...
Nguyễn Phong
Bên cạnh hành vi táo tợn của hai nghi phạm như Báo Thanh Niên nêu, cũng phải nghiêm túc đặt vấn đề trách nhiệm đối với các lực lượng chức năng trong việc quản lý những tài khoản, fanpage, “hội kín”... chuyên bán hàng online, đặc biệt trên mạng xã hội Facebook. Với các quy định, điều luật hiện hành, tôi tin rằng đủ cơ sở pháp lý để xử lý.
Nguyễn Phương
|
Bình luận (0)