Phản ứng nhanh giúp ngành y tế ngăn chặn 24 cơ sở khám, chữa bệnh không phép

21/03/2021 11:59 GMT+7

Một năm ứng dụng “Y tế trực tuyến” tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về khám, chữa bệnh, thanh tra y tế đã tiếp nhận trên 530 tin phản ánh, trong đó nhiều tin có giá trị và đã phản ứng nhanh chấn chỉnh.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa sơ kết công tác hành nghề y tế tư nhân và quy trình phản ứng nhanh, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong năm 2020, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 208 cơ sở mỹ phẩm, ban hành 46 quyết định và xử phạt tổng số tiền 2,1 tỉ đồng. Kiểm tra 187 cơ sở khám, chữa bệnh và ban hành 173 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền do Sở Y tế xử phạt là trên 5,7 tỉ đồng và UBND TP.HCM xử phạt là 2,2 tỉ đồng. Kiểm tra 90 cơ sở hành nghề dược, ban hành 118 quyết định xử phạt 896 triệu đồng.
Khối quận, huyện cũng đã kiểm tra 357 cơ sở y, dược với tổng số tiền xử phạt là trên 3,2 tỉ đồng.
Theo bác sĩ Cường, năm 2020 tập TP.HCM và các quận, huyện tập trung phòng chống dịch Covid-19. Phòng y tế quận, huyện đã kiểm tra hơn 11.400 cơ sở về chấp hành phòng chống dịch Covid-19, xử phạt hơn 4 tỉ đồng.

Phát hiện 24 cơ sở khám, chữa bệnh không phép

Cũng theo bác sĩ Cường, qua nhiều kênh thông tin cung cấp, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo Thanh tra Sở phải có những giải pháp nắm được tình hình hoạt động của cơ sở hành nghề y, dược và chủ động phát hiện, kiểm tra. Qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” hoạt động từ tháng 3.2020, thanh tra Sở đã thành lập tổ phản ứng nhanh, phân loại cấp độ (thuộc thẩm quyền quận huyện, thành phố, liên ngành) để đáp ứng với những phản ánh qua ứng dụng.
Quy trình phản ứng của “Y tế trực tuyến” là: tiếp nhận thông tin; xử lý thông tin và chuyển thông tin các đơn vị để xử lý; các phòng chức năng phối hợp với các đơn vị để cung cấp các thông tin cơ bản về vụ việc; Thanh tra Sở phối hợp phòng y tế quận, huyện kiểm tra, xử lý; công khai kết quả kiểm tra.
Bác sĩ Cường cho biết thêm, sau gần 12 tháng triển khai ứng dụng, Thanh tra Sở đã tiếp nhận trên 530 tin phản ánh. Trong đó lĩnh vực y có 465 tin, nội dung phản ánh chủ yếu là cơ sở hoạt động trong mùa Covid-19; không thực hiện khám sàng lọc hoặc quảng cáo về thẩm mỹ, khám chữa bệnh; quảng cáo khám chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa; phản ánh về giá dịch vụ khám chữa bệnh… Phản ánh về dược 18 tin, nội dung chủ yếu là nhà thuốc hoạt động không phép, cửa hàng bán, quảng cáo mỹ phẩm thực phẩm chức năng không giấy phép, không có dược sĩ tư vấn. Phản ánh về mỹ phẩm 4 tin, bệnh viện 7 tin, y tế dự phòng 2 tin và tin rác là 34 tin (những tin không có địa chỉ phản ánh, đi giám sát không đúng với phản ánh).
“Có 262 tin được chuyển cho Phòng y tế quận, huyện xử lý; Thanh tra Sở Y tế kiểm tra xử lý 98 tin; xử lý trực tiếp trên ứng dụng là 166 tin… Riêng với Thanh tra Sở Y tế kiểm tra 98 cơ sở thì có đến 25 cơ sở hoạt động không phép, trong đó 24 là cơ sở khám chữa bệnh (năm 2019 chỉ phát hiện 4 cơ sở) và 1 cơ sở dược. Xử phạt 43/ 98 trường hợp kiểm tra với tổng số tiền 2,7 tỉ đồng”, bác sĩ Cường nói.
“Từ 20 giờ ngày 18.3 đến 1 giờ ngày 19.3, tôi nhận 43 tin phản ánh. Tôi đã chuyển cho quận huyện thì nhận và phản ứng ngay. Đã là phản ứng nhanh thì phải làm nhanh nhất. Đề nghị Phòng y tế quận, huyện và Thành phố Thủ Đức lập tổ phản ứng nhanh, để khi có thông tin mà Thanh tra Sở Y tế chuyển đến, trao đổi thì có sự phối hợp nhịp nhàng. Về sự phối hợp giữa Sở Y tế và các quận, huyện thì sẽ có group Zalo, quận, huyện cần phân công nhân sự tiếp nhận tin và xử lý”, bác sĩ Cường nói. Ngoài ra, Sở Y tế đang phối hợp với các lực lượng của Công an TP.HCM để kiểm tra quyết liệt các cơ sở khám, chữa bệnh không phép.
Bác sĩ Cường cũng thông tin thêm, Sở Y tế sẽ bổ sung thông tin người phản ánh trên phần mềm ứng dụng “Y tế trực tuyến” để phản ứng nhanh và xem đó là người khiếu nại tố cáo cho các cơ quan chức năng; thêm chức năng trao đổi với người phản ánh để xác minh với những vụ việc phức tạp.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.