Nói xấu đối tác coi chừng... sạt nghiệp

02/05/2010 01:58 GMT+7

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhiều nhất là ở các khía cạnh như công kích, nói xấu đối thủ, gian dối hoặc gây nhầm lẫn về sản phẩm... đang diễn ra khá phổ biến ở VN.

Lập cả website để... gièm pha

Cách đây chừng 5 năm, đại lý bán phụ tùng xe máy T. ở TP.HCM đã thực hiện một chiến dịch nói xấu đối tác “hoành tráng” cả về thời gian lẫn tiền bạc, địa bàn… đến nỗi ai kinh doanh trong lĩnh vực xe máy ở TP.HCM cũng đều biết tới. Số là đại lý T. trục trặc với nhà phân phối khu vực Đông Nam Á khi công ty này không đồng ý để đại lý trên độc quyền ở VN. Hai bên thanh lý hợp đồng. Đại lý cho là mình bị đối xử không đầu không đuôi, mất công làm thị trường, tới khi được thì bị “phủi”, nên kiếm cách “xử” lại. Thế là đại lý gửi thư đến các nhà lắp ráp, dán thông báo ở các sạp hàng nói xấu sản phẩm. Trên thực tế, các bí mật về sản phẩm đôi khi chỉ có nhà sản xuất và nhà phân phối biết tới, trong trường hợp tiết lộ sẽ không có lợi. Vụ việc um sùm thời gian dài.

Nhưng kể ra thì cũng chưa bằng “độc chiêu” lập website để gièm pha sản phẩm của đối tác mà trước đây mình từng phân phối, khi “cơm không lành, canh không ngọt”. Trang web được làm công phu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt www.blum.vn, www.blum.com.vn có tựa là Sự thật về Blum gần đây… bỗng dưng nổi tiếng, rất nhiều người thường xuyên truy cập xem diễn tiến vụ việc. Theo nội dung bên trong, website do Công ty Đức Trung (DTJ) lập ra. Còn Blum là tập đoàn sản xuất khóa, tay kéo thanh trượt có trụ sở ở Áo, sở hữu trang web www.blum.com. Trong khi đó, DTJ lấy thương hiệu của tập đoàn này để làm tên miền website gièm pha chính Blum.

Nội dung trang web kèm thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Blum cho rằng Blum là kẻ “qua cầu rút ván”, lối kinh doanh thiếu đạo đức, thiếu văn hóa… Chuyện đi xa hơn khi nhà phân phối đề cập tới việc sản phẩm Blum tồn kho chất đống trong kho của DTJ cùng hình ảnh nhiều mặt hàng bị gỉ sét. DTJ còn chụp hình một nhóm nhân viên của mình để đưa lên website và chú thích đó là nhân viên “bức xúc phản đối quyết định” của Blum và kêu gọi khách hàng tẩy chay sản phẩm Blum. DTJ còn đăng quảng cáo trên báo để bán hàng Blum gỉ sét nhưng chưa qua sử dụng và gửi e-mail đến một số đối tác khác của Blum ở nước ngoài.

Đưa nhau ra tòa...

Trong vụ bêu rếu… ngoài chợ kể trên, nhà phân phối khi biết tin đã phải ngay lập tức tìm cách giảng hòa với đại lý T., vì nếu không với cách “chơi liều” đó, thị trường béo bở ở VN có thể bị mất. Họ tổ chức một cuộc họp mặt đại lý cùng đại diện của giới truyền thông công bố bồi thường khoản chi phí mà đại lý T. đã bỏ công xây dựng thị trường. Đồng thời, để đính chính thông tin thất thiệt về sản phẩm, họ phải mời các đại lý lớn làm một chuyến tới Nhật để tận mắt xem sản phẩm được sản xuất như thế nào…

Nhưng vụ Blum thì không. Blum đâm đơn kiện DTJ ra TAND TP.HCM và Hà Nội vào tháng 9.2009, sau đó tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tháng 4.2010. Theo đơn này, từ năm 2003 Blum bán sản phẩm của mình cho DTJ để công ty này bán lại ở thị trường VN, đến tháng 11.2008 thì chấm dứt quan hệ mua bán với nhau. Hiện nay DTJ là nhà nhập khẩu và phân phối sản phẩm của đối thủ cạnh tranh của Blum.

Đơn khiếu nại cũng cho rằng, DTJ yêu cầu Blum thanh toán cho họ 180.000 euro (ban đầu là 360.000 euro), trong đó có 20.000 euro trả cho việc lấy lại tên miền có liên quan tới thương hiệu Blum, 160.000 euro bồi thường chi phí đã đầu tư trong thời gian còn làm với Blum. Ngoài ra, DTJ còn yêu cầu Blum mua lại lô hàng tồn kho với giá cao hơn 40% (khoảng 140.000 euro). Blum không chấp nhận các yêu cầu trên, vì thế cuộc chiến cứ thế tiếp diễn.

Luật sư (LS) Châu Huy Quang (Hãng luật LCT Lawyers), cho rằng Luật Cạnh tranh và vấn đề kiểm soát hành vi cạnh tranh (cũng như xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh) tại VN vẫn còn ở những bước khởi đầu. Chế tài áp dụng đối với hành vi “gièm pha doanh nghiệp khác” hoặc “quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh” mức phạt tiền quá thấp (nhẹ nhất 500 ngàn, nặng nhất 10 triệu đồng; hành vi khác nặng nhất tối đa 100 triệu đồng - PV), chưa đủ để răn đe tổ chức, cá nhân vi phạm. “Doanh nghiệp VN làm ăn ở các thị trường khác như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... thì với hành vi tương tự có thể bị xử phạt nặng hơn. Ví dụ, nếu chiếu theo Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh năm 1993 của Trung Quốc thì có thể bị phạt từ 10.000 - 200.000 nhân dân tệ. Và mức này cũng đã được nâng lên thành 1 triệu nhân dân tệ từ tháng 9.2009”, LS Quang cho biết.

Coi chừng bị khởi tố hình sự!

Trên thực tế, ngoài việc vi phạm chuẩn mực đạo đức kinh doanh, hiện nay hành vi “gièm pha, gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác” hoặc “quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh” đã được VN luật hóa, bị xem là vi phạm pháp luật và có thể xử lý theo Luật Cạnh tranh.

Theo đó, bên khiếu nại có thể yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh (trực tiếp là Hội đồng cạnh tranh) xử lý. Bên bị điều tra đối với mỗi hành vi vi phạm có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy mức độ vi phạm, bên bị điều tra có thể bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép (ví dụ giấy phép sử dụng tên miền), tịch thu tang vật, phương tiện (các trang web, các hàng hóa được sử dụng làm công cụ, phương tiện trong quá trình vi phạm), có biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, phải bồi thường nếu gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác.

Ngoài ra, LS Quang cho biết: “Điều 94 Luật Cạnh tranh cũng cho phép trong quá trình điều tra phát hiện vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm, Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh xem xét chuyển hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khởi tố hình sự”.  

LS Châu Huy Quang cho biết, theo báo cáo của Hội đồng Cạnh tranh Hàn Quốc, riêng trong năm 2009, số tiền phạt thu được từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 400 tỉ won (tương đương 350 triệu USD). Ở Mỹ, mức phạt và bồi thường cho hành vi tương tự rất nghiêm khắc. Chẳng hạn như trong vụ Công ty CollegeNet (một doanh nghiệp cung cấp trực tuyến dịch vụ đăng ký cho các trường đại học tại Mỹ) khởi kiện Công ty Xap (cũng hoạt động trong lĩnh vực này) ra tòa án quận Cam. Phán quyết tòa án yêu cầu Xap phải bồi thường 4,5 triệu USD bao gồm cả phí LS cho CollegeNet vì hành vi “quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh”. Nhưng Xap vẫn được coi là may mắn vì không bị tòa án áp dụng hình phạt bổ sung “tước một phần doanh thu cho năm tài chính có xảy ra hành vi vi phạm”.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.