Phát hiện thêm một cá thể rùa Hồ Gươm?

24/04/2008 23:24 GMT+7

Một số nhà khoa học công bố đã phát hiện thêm 1 cá thể rùa Hồ Gươm ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về rùa hàng đầu của Việt Nam - GS Hà Đình Đức lại bày tỏ sự nghi ngờ về thông tin này.

Những ngày qua, các hãng thông tấn lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin về sự kiện các nhà nghiên cứu thuộc Vườn thú Cleveland Metroparks (Hoa Kỳ) đã phát hiện 1 cá thể rùa có tên khoa học là Rafetus Swinhoe (một loài rùa mai mềm cỡ lớn), còn có tên gọi khác là rùa Hồ Gươm tại miền Bắc Việt Nam. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thuận - điều phối viên Chương trình rùa Việt Nam của Chương trình rùa châu Á (thuộc Vườn thú Cleveland) cho biết: "Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về rùa Hồ Gươm từ năm 2003 và tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn dọc theo vùng phân bố của loài rùa này. Tháng 8.2006, chúng tôi đã tổ chức một cuộc phỏng vấn mở rộng tại các tỉnh dọc theo sông Hồng, từ Lào Cai xuống Hà Tây và thu được một số thông tin cho thấy, vẫn còn loài rùa mai mềm cỡ lớn kích thước lên tới hàng tạ sinh sống và sau đó xác định được vùng nhiều khả năng loài rùa này đang sinh sống". Đầu 2007, Chương trình rùa châu Á cử một nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là ông Nguyễn Xuân Thuận về khu vực này để tìm hiểu sâu hơn và đã phát hiện được 1 cá thể rùa Hồ Gươm còn sống. "Chúng tôi phát hiện cá thể rùa này lần đầu tiên vào tháng 3.2007 nhưng mãi tới tháng 6.2007 mới chụp được ảnh. Qua phân loại, các chuyên gia về rùa đã xác nhận, đây chính là rùa Hồ Gươm. Sau đó, tiến sĩ Peter Prichard, một trong những chuyên gia đầu ngành về rùa trên thế giới, xác nhận đây chính là rùa Hồ Gươm" - ông Nguyễn Xuân Thuận kể lại.

Ngay sau khi chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thuận, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã gửi cho Báo Thanh Niên  bản thông cáo báo chí từ địa chỉ e-mail: [email protected]. Thông cáo báo chí nêu rõ: "Một nhóm các chuyên gia của Chương trình rùa châu Á (ATP) thuộc Vườn thú Cleveland Metroparks phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã phát hiện ra duy nhất một cá thể rùa Hồ Gươm (tên khoa học là Rafetus swinhoei) ngoài tự nhiên tại miền Bắc  Việt Nam". Thông cáo cũng khẳng định: "Năm 2007, nhà sinh học Nguyễn Xuân Thuận đã trực tiếp nghiên cứu thực địa và đã ghi lại được những hình ảnh quý giá của loài rùa này nổi trên mặt nước, giúp các nhà khoa học quốc tế khẳng định sự tồn tại của loài rùa Hồ Gươm tại đây".

Về kích thước của cá thể rùa này, ông Nguyễn Xuân Thuận khẳng định: "Chúng tôi chưa đo đếm được nhưng qua mắt thường có thể ước đoán nó dài 50 - 60 cm và theo người dân địa phương thì với kích thước như vậy, rùa có thể nặng 80 - 90 kg".  Theo ông Nguyễn Xuân Thuận, tính cả cá thể rùa mới phát hiện, trên thế giới hiện chỉ còn 4 cá thể rùa này, trong đó 2 con ở Trung Quốc, 2 con ở Việt Nam (1 con ở Hồ Gươm) (?).

Trao đổi với Thanh Niên, GS Hà Đình Đức - chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về rùa Hồ Gươm, người đã có thâm niên 20 năm nghiên cứu về rùa cho rằng, nếu đúng là đã phát hiện thêm 1 cá thể rùa Hồ Gươm tại miền Bắc nước ta thì đây là một sự kiện có giá trị bảo tồn và giá trị văn hóa sâu sắc. Tuy nhiên, về tính xác thực của thông tin này thì cần phải xem xét lại, dựa trên những dữ liệu khoa học cụ thể như thẩm định ảnh chụp, và sự xuất hiện trên thực tế của cá thể rùa này. GS Hà Đình Đức nhấn mạnh: "Việc công bố thông tin này là quyền của họ, chúng ta không có quyền ngăn cấm. Sự kiện họ công bố liên quan đến rùa Hồ Gươm nên thế giới mới quan tâm nhiều đến như vậy. Theo tôi, chưa đủ cơ sở khoa học để công bố phát hiện thêm 1 cá thể rùa Hồ Gươm. Họ căn cứ vào đâu để khẳng định là cá thể rùa đó giống rùa Hồ Gươm? Để đi đến kết luận này, theo tôi cần phải có mẫu rùa đối chứng. Nếu là mẫu rùa nhồi thì so sánh với rùa nhồi ở đền Ngọc Sơn. Trong trường hợp rùa sống thì đối chứng với rùa dưới Hồ Gươm. Họ mới chỉ trông thoáng qua hoặc chụp một vài tấm ảnh giống như các tấm ảnh thông thường về rùa Hồ Gươm thì chẳng có cơ sở gì lắm. Còn để tìm câu trả lời chính xác nhất trong chuyện này, người ta phải tiến hành phân tích DNA để tìm ra dòng giống của cá thể rùa này". GS Hà Đình Đức cũng cho rằng, thông tin hiện trên thế giới đang tồn tại 4 cá thể rùa Hồ Gươm là chưa có căn cứ thuyết phục.

GS Hà Đình Đức cho biết thêm, thời gian trước, ông có được mời tham gia vào một chương trình nghiên cứu về rùa Hồ Gươm do trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức nhưng sau đó họ cứ tiến hành đi thực tế mà không hề mời ông đi cùng. Qua internet, GS Hà Đình Đức biết được người ta đã đăng tải một số tấm ảnh cho rằng đó là ảnh chụp cá thể rùa mới được phát hiện. Tuy nhiên, GS Hà Đình Đức khẳng định, trong số các bức ảnh đó có bức ảnh chụp một chiếc đầu rùa nổi lên mặt nước là của một Việt kiều ở Đức có tên là Trần Hải Nam chụp. Cha đẻ của anh Trần Hải Nam sau đó đã tặng lại tấm ảnh này cho GS Hà Đình Đức. GS Hà Đình Đức đã đưa tấm ảnh này cho một nhân viên của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) tên là V.A.

Như vậy, để tìm ra câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi cá thể rùa mới phát hiện có phải là rùa Hồ Gươm hay không, các nhà khoa học và cơ quan quản lý Việt Nam cần nhanh chóng vào cuộc xác minh một cách nghiêm túc, tuân thủ các nguyên tắc nghiên cứu khoa học.   

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.