Chiều 8.10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận, huyện dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
Xem xét đặt các điểm bán khẩu trang nơi công cộng
Báo cáo về tình hình dịch bệnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội, từ ngày 17.8 đến nay không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng, mà chỉ ghi nhận các ca bệnh từ nước ngoài trở về.
Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp dương tính cách ly ngay khi nhập cảnh. Đến nay, tất cả các trường hợp F1, F2 tại Hà Nội đã hoàn thành cách ly y tế.
Tại phiên họp này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền tiếp tục nêu cảnh báo về việc có tâm lý lơ là chống dịch. Đây là việc đã được đề cập tới trong ít nhất 5 phiên họp của Ban chỉ đạo gần đây. Sau khi các ca bệnh mới trong cộng đồng không xuất hiện nữa thì người dân cũng đã dần dần bớt cảnh giác hơn.
“Hiện nay, dễ thấy ở nơi công cộng có không ít người dân không phải chủ quan mà hiện tại đã coi thường các biện pháp phòng dịch. Ở một số nơi việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay gần như không thực hiện. Các đơn vị cần thực hiện nghiệm khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế, cũng như xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện. Các nước phát triển hiện nay cũng phải siết chặt biện pháp phòng chống dịch”, ông Hiền nói.
Cũng đã nhiều lần nhắc nhở về biểu hiện chủ quan khi phòng dịch, ông Ngô Văn Quý lưu ý Q.Hoàn Kiếm sẽ có nhiều hoạt động như Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng bộ TP, phố đi bộ… nên yêu cầu quận tiếp tục hạn chế các sự kiện đông người, trừ các sự kiện chính trị xã hội quan trọng.
“Ai đến khu công cộng như ở hồ Gươm phải đeo khẩu trang, xem xét đặt các điểm bán khẩu trang, tổ chức lực lượng nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang”, ông Quý chỉ đạo.
Hà Nội mới có chuyến thương mại "thử nghiệm" với 89 người cách ly tự nguyện
Về việc mở cửa đường bay và cách ly tự nguyện hiện đang gặp trục trặc ở một số địa phương, ông Hạnh cho biết, theo thông báo của Bộ GTVT, tới đây, mỗi ngày có khoảng 4 chuyến bay thương mại với hơn 1.000 người nhập cảnh vào Hà Nội.
Nhận định đây là nguy cơ cần chú ý không để dịch bệnh lây lan, ông Hạnh nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm việc cách ly những người nhập cảnh…
Theo ông Ngô Văn Quý, chuyến bay thương mại thử nghiệm về Hà Nội vừa qua có 89 công dân, trong đó có trẻ em, học sinh, lao động mất việc làm do dịch bệnh, có hoàn cảnh khó khăn, nhưng giá cách ly tự nguyện khá cao.
Ông Quý cho rằng "giá khách sạn cách ly ở Hà Nội thấp nhất là 2,6 triệu đồng/ngày (chưa kể tiền xét nghiệm), người dân được giải cứu mà vào cách ly ở khách sạn giá như vậy trong 14 ngày là khó khăn". Vì vậy, khi đưa về cách ly ở khu quân đội, người dân đều làm đơn xin ở lại khu cách ly quân đội, vì được chăm sóc tốt, lại chỉ mất 1,6 triệu cho cả 14 ngày.
“Nếu cách ly hết ở khu quân đội thì không đủ chỗ, nhưng cách ly ở khách sạn thì lại khó khăn kinh tế cho người dân. Sở Du lịch cần xem xét rà soát thêm các khu khách sạn bình dân với giá thành hợp lý hơn để phục vụ người dân”, ông Quý yêu cầu.
Nhắc lại cảnh báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 T.Ư nhận định công tác phòng chống dịch có thể kéo dài đến tận ngày này sang năm, cho đến khi có đủ vắc-xin cho người dân, ông Quý yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải xác định tinh thần sống chung với dịch, tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; tăng cường kiểm tra tại trường học nhà máy xi nghiệp, chợ siêu thị, quán bar, karaoke…
Trường hợp test nhanh dương tính khi đến Nhật đã có kết quả PCR âm tính
Tại cuộc họp, đại diện H.Quốc Oai đã thông tin về trường hợp được test nhanh dương tính với Covid-19 khi nhập cảnh ở Nhật Bản, và cho biết kết quả xét nghiệm PCR sau đó là âm tính. Đây là trường hợp thứ 5 ở Hà Nội có kết quả tương tự.
Khi nhận được thông tin, huyện đã rà soát 37 trường hợp tiếp xúc gần và đã xét nghiệm PCR. Đến nay đã có kết quả 4 trường hợp người nhà có kết quả âm tính, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả và không có biểu hiện nào liên quan đến dịch bệnh.
Nhân dịp này, ông Ngô Văn Quý cũng yêu cầu Sở Y tế báo cáo với Bộ Y tế xem xét lại các quy trình xét nghiệm với các trường hợp xuất cảnh.
“Khi nhận được thông tin người xuất cảnh dương tính với virus gây bệnh Covid-19, địa phương phải tiến hành rà soát tiến hành xét nghiệm rất vất vả. Vì vậy, cần phải nghiên cứu các trường hợp đi nước ngoài các yếu tố liên quan đến dịch bệnh có hay không; cần biện pháp như thế nào phòng ngừa thế nào… bởi vì mỗi trường hợp như vậy kéo theo rất nhiều F1 phải đi cách ly tập trung gây lãng phí kinh phí đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm của họ”, ông Quý nói.
|
Bình luận (0)