Phiên tòa kỳ lạ khi các 'bị hại' chằm chặp bênh vực bị cáo

18/05/2018 17:43 GMT+7

Bị hại và người đại diện có mặt tại tòa liên tục vỗ tay sau khi luật sư bào chữa cho bị cáo ; khi bị cáo nói lời sau cùng, nhiều người còn khóc thành tiếng.

Đề nghị mức án chung thân với tiến sĩ “học làm giàu”
Sáng 18.5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử với bị cáo Phạm Thanh Hải, 52 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT (Công ty IDT), chủ trang mạng Học làm giàu (hoclamgiau.vn) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây là một phiên tòa kỳ lạ, khi nhiều nạn nhân không cho rằng mình là nạn nhân và “tuyệt đối tin tưởng” bị cáo, “tình nguyện” để bị cáo lừa vì bị cáo “quá giỏi”.
Theo cáo trạng, với việc chi lãi cao ngất ngưởng lên đến 40 – 60%/năm, trả lãi ngay khi góp tiền mà không phải đợi dự án sinh lợi nhuận, chỉ trong vòng một năm, từ tháng 10.2014 đến tháng 10.2015, ông Hải đã huy động trên 2.700 tỉ đồng của hơn 2.000 nhà đầu tư.
Để thu hút các nhà đầu tư, bị cáo Hải - từng có có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh tại Nga cho rằng, nếu huy động vốn theo lãi suất ngân hàng sẽ không thu hút được nhiều nhà đầu tư, nên Hải tiết lộ Công ty IDT đang đầu tư các dự án sinh lợi nhuận cao và đề nghị cùng góp vốn và lấy tiền người sau trả cho người trước.
Theo đại diện Viện kiểm sát, giai đoạn 2008 – 2013, Phạm Thanh Hải trả nhà đầu tư lãi suất khoảng 25%/năm, nhưng càng về sau lãi suất càng cao, lên tới 40 – 60%/năm. Ngoài ra, Hải khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2% đến 10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.
Số tiền hơn 2.700 tỉ huy động được, Phạm Thanh Hải dùng 114 tỉ đầu tư vào các công ty, dự án và cho vay cá nhân gần 23 tỉ đồng, còn lại sử dụng để thanh toán gốc, lãi cho các hợp đồng đến hạn, lấy tiền huy động được của người sau để trả cho người trước; chi thưởng kết nối, hoa hồng và tổ chức hội thảo, du lịch.
Hải khai nhận, việc huy động vốn là cá nhân, nhưng Hải đã sử dụng con dấu và chức danh Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc IDT xác nhận vào các hợp đồng để nhà đầu tư tin tưởng góp vốn cho Hải. Với việc xác định được 508 người bị hại với tổng số tiền đã nộp cho Hải là hơn 476 tỉ đồng, Viện kiểm sát đã đề nghị bị cáo Phạm Thanh Hải chịu mức án chung thân.
Cam kết thanh toán cả vốn lẫn lời cho nhà đầu tư bằng các dự án dài hơi
Bào chữa trước tòa, các luật sư và bị cáo phản đối tội danh bị cáo buộc, cho rằng bị cáo không lừa đảo ai. Theo luật sư, trước thời điểm bị bắt, Phạm Thanh Hải vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với tất cả các hợp đồng đến hạn, và không hề có đơn tố cáo của bất cứ nạn nhân nào.
Nhiều nhà đầu tư không vào được phòng xét xử phải đứng đợi trước cửa tòa án Ảnh V.H
Bị cáo Phạm Thanh Hải cũng cho rằng việc bị cáo lấy tiền của người sau trả cho người trước cũng là hoạt động đầu tư. 
“Hoạt động của tôi hoàn toàn rõ ràng, cá nhân tôi cho rằng việc làm của tôi hoàn toàn khả thi, tôi đảm bảo được cho nhà đầu tư các quyền lợi mà tôi đã cam kết. Viện kiểm sát cho rằng hoạt động kinh doanh của tôi không có hiệu quả, tôi không biết định nghĩa hiệu quả là gì? Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát dựa vào sổ sách kế toán, có lợi nhuận hay không thì hiệu quả hay không, đó là cách nhìn hết sức phiến diện. Có những doanh nghiệp lãi nhưng nhà đầu tư có thể bị lỗ, có doanh nghiệp lỗ nhưng nhà đầu tư lại có lãi”.
“Luận điểm buộc tội không thuyết phục và tôi luôn tin rằng mình không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Phạm Thanh Hải nói trước tòa.
Đối đáp với các quan điểm của luật sư và bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cho rằng: để làm rõ Phạm Thanh Hải có phạm tội lừa đảo hay không, phải đi từ hợp đồng Hải ký kết với các nhà đầu tư. Theo đó, trên hợp đồng đều thể hiện Phạm Thanh Hải là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc IDT, khiến các nhà đầu tư đều tin rằng IDT đang có dự án có quy mô, tầm cỡ sinh lợi rất cao. Một số nhà đầu tư khi làm việc với cơ quan điều tra đã khai nếu như huy động vốn với cá nhân Phạm Thanh Hải thì chúng tôi không thực hiện.
Đại diện VKS cũng cho rằng bị cáo bị mất khả năng thanh toán tính đến thời điểm bị bắt, do đã xác định được 508 bị hại với số tiền trên 476 tỉ đồng, nhưng số tiền trong tài khoản của bị cáo chưa đủ thanh toán tiền lãi cho các hợp đồng. Bị cáo cũng xác nhận trong phiên tòa là đến thời điểm bị bắt bị cáo không có khả năng thanh toán. 
Nhiều nạn nhân khóc nấc khi bị cáo nói lời sau cùng
Trong khi đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm của mình, các bị hại có mặt trong phiên tòa nhiều lần ồ lên phản đối, có người còn tỏ ra quá khích, bị chủ tọa phiên tòa mời ra khỏi phòng xét xử. 
Không khí này trái ngược hẳn với khi các luật sư bào chữa cho bị cáo, các nạn nhân đã nhiều lần vỗ tay hoan nghênh.
Các "bị hại" đón những người ra khỏi phòng xét xử với thái độ hoan hỉ V.H
Khi chủ tọa phiên tòa mời đại diện người bị hại phát biểu ý kiến, nhiều người khẳng định tin tưởng tuyệt đối vào bị cáo Phạm Thanh Hải, không có đơn tố cáo hành vi lừa đảo, khẳng định bản thân có đủ năng lực hành vi khi quyết định đầu tư.
Nhiều bị hại mong muốn bị cáo được trả tự do để tiếp tục kinh doanh sinh lời và trả tiền cho họ. Thậm chí có người còn cho rằng thiệt hại cả nghìn tỉ đồng của các nhà đầu tư thuộc về trách nhiệm của người đã... ký lệnh bắt Phạm Thanh Hải.
Khi Phạm Thanh Hải nói lời sau cùng, cảm ơn các nhà đầu tư tin tưởng và mong muốn được trả tự do để kiếm tiền trả cho mọi người, “bởi với bị cáo, việc đó rất dễ”; rất nhiều bị hại cả nam cả nữ đã sụt sịt khóc, nhiều người thậm chí khóc nấc thành tiếng ngay trong phòng xét xử.
Mức án cụ thể cho Phạm Thanh Hải sẽ được tòa tuyên vào 15h ngày 21.5 tới. 
Nhiều nhà đầu tư không được vào phòng xét xử cũng tụ tập bên đường đối diện Tòa án nhân dân thành phố, chờ phiên tòa kết thúc và chào đón những người ra khỏi phòng xét xử bằng những tràng vỗ tay. Có người còn hô: “Chiến thắng rồi!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.