Sáng 22.12, UBND Q.3 (TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học tiềm năng phát triển đô thị để lắng nghe các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước nhằm tìm hướng đi mới trong bối cảnh đất chật, người đông.
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định Q.3 luôn được xác định là quận trung tâm, dù trong tương lai TP.HCM có phát triển nhiều đô thị thì Q.3 vẫn luôn là quận trung tâm và giữ vai trò quan trọng.
Tái cấu trúc đất đai
Ông Hoan thông tin đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đang được Sở QH-KT nghiên cứu, đề xuất nên việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 của Q.3 không thể tách rời điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM. Do đó, lãnh đạo TP.HCM mong muốn các chuyên gia góp thêm nhiều ý kiến tâm quyết vào sự nghiệp phát triển đô thị Q.3 nói riêng và TP.HCM nói chung.
Ông Hoan gợi mở quy hoạch phát triển đô thị tại một địa phương đã đô thị hóa, không có nhiều không gian phát triển như Q.3 cần gắn liền với tái cấu trúc đất đai, định hình các khu chức năng hợp lý, gắn với chỉnh trang sắp xếp các khu dân cư hiện hữu. Đồng thời, cố gắng tìm kiếm các giá trị đặc trưng về không gian kiến trúc, kết hợp hài hòa giữa không gian phát triển với không gian văn hóa, lịch sử, kiến trúc; kết hợp phát triển chiều cao với khai thác không gián ngầm, qua đó tăng giá trị sử dụng đất.
|
Phó chủ tịch phụ trách mảng đô thị của TP.HCM nhìn nhận công tác lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là quá trình phức tạp, cần thời gian nhất định nên cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ, tạo ra sản phẩm quy hoạch tốt để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia, tạo nguồn lực phát triển.
Dù vậy, khi đã có sản phẩm quy hoạch tốt rồi nhưng buông lỏng quản lý đất đai, quản lý xây dựng thì bức tranh quy hoạch tương lai sẽ trở nên xấu xí, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nếu không đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: nhà nước, người dân, nhà đầu tư thì không nhận được sự đồng thuận của người dân, làm kìm hãm nhà đầu tư, đồ án quy hoạch mất khả thi và dẫn đến quy hoạch treo.
Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị sắp tới không những bám sát và phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên mà phải thấu hiểu những nhu cầu chính đáng của nhân dân, chịu ảnh hưởng quy hoạch.
“Phải thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch. Phải tạo điều kiện cho nhân dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện quy hoạch, tự giác chấp hành và giám sát việc thực hiện quy hoạch”, ông Hoan đặt ra yêu cầu. Đồng thời, theo ông, chính quyền phải kịp thời điều chỉnh bổ sung những chính sách đảm bảo quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp.
Giải quyết bài toán chung cư cũ
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quy hoạch đã phân tích những lợi thế, tiềm năng và hạn chế của đô thị Q.3.
KTS Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng cho biết hiện Q.3 có 48 chung cư được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 26 chung cư cấp B, 21 chung cư cấp C và 1 chung cư cấp D cần được cải tạo và xây dựng mới. Toàn TP.HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.
Trong bối cảnh “đất vàng” ở trung tâm TP.HCM ngày càng khan hiếm, các khu đất chung cư hết niên hạn sử dụng trên ngày càng có giá trị lớn. Dù nhiều nhà đầu tư muốn tham gia xây dựng mới nhưng người dân đang sinh sống không muốn di dời. Như năm 2017, Q.3 đưa ra đấu thầu giai đoạn 1 lựa chọn nhà đầu tư 9 chung cư cũ nhưng số lượng nhà đầu tư quan tâm không nhiều do vướng quy định muốn tháo dỡ phải được 100% người dân đồng ý.
Ông Vũ tính toán 48 chung cư cũ ở Q.3 rộng gần 50.000 m2, nếu khi hết niên hạn sử dụng, đập bỏ xây mới với hệ số sử dụng đất trung bình là 10 lần thì Q.3 có khoảng 500.000 m2 sàn xây dựng.
Để thu hút nhà đầu tư, ông Vũ đề nghị chỉ cần 70% số căn hộ đồng ý là có thể tháo dỡ và xây dựng mới thay vì 100% hộ dân như hiện nay. Đồng thời, nhà đầu tư phải xét tối thiểu 3 dự án để triển khai cuốn chiếu, lấy quỹ nhà dự án để bố trí tạm cư, tái định cư của dự án kia.
|
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng tình với phương án xây dựng phố đi bộ ở Hồ Con Rùa, phố ăn vặt Nguyễn Thượng Hiền và đề xuất mở rộng thêm ra các khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Yếu tố văn hóa, kiến trúc cũng được một số nhà nghiên cứu nhận diện và đánh giá có thể phát triển thành các tài nguyên di sản như sự chuyển mình thì xóm lên phố (xóm thợ Bàn Cờ, Vườn Chuối, Cống Bà Xếp), các biệt thự cổ gắn liền với các doanh nhân, nhiều công trình mang kiến trúc độc đáo của Sài Gòn - TP.HCM như trường Marie Curie, trường Nguyễn Thị Minh Khai, chùa Vĩnh Nghiêm, Tam Tông Miếu…
Bình luận (0)