Chiều 27.10, tại Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 9 đặt tại TP.Đà Nẵng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc ứng phó trước khi bão số 9 đổ bộ vào miền Trung.
Cơn bão mạnh nhất vào miền Trung trong 20 năm qua
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đầu giờ chiều nay, bão số 9 đã cách đất liền Đà Nẵng - Phú Yên khoảng 440 km; hơn 10 tiếng nữa tâm bão sẽ vào bờ với sức gió mạnh nhất cấp 14 và giật cấp 17.
Bắt đầu từ đêm nay bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền. Bão có cường độ mạnh nhất từ sáng mai (28.10). Ở đảo Lý Sơn và Cù Lao Chàm gió giật cấp 16; trong bờ từ cấp 11 - 12.
Theo nhận định, cơn bão này không suy yếu nhanh khi vào bờ mà có tốc độ suy yếu chậm, có thể bắc Tây nguyên gió mạnh đến cấp 8 - 9. Mưa do bão khoảng 200 - 240 mm.
Vài ngày sau từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình sẽ mưa lớn hơn. Nước dâng từ 0,5 - 1,5 m, trong đó bãi biển Đà Nẵng sẽ ngập từ 1 - 2 m.
|
Qua đánh giá, ngành chức năng nhận định, đây là cơn bão mạnh nhất, nguy hiểm nhất trên biển từ 10 - 20 năm, mạnh hơn nhiều so với bão Damrey (năm 2017) và tương đương bão Xangshane với cấp 11 - 12 vào Đà Nẵng (vào năm 2006).
Về sơ tán dân, theo ông Hoài, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai kế hoạch sơ tán 19.000 hộ, đang điều chỉnh tăng lên do cấp bão lớn hơn (bão lên cấp 12); Đà Nẵng sơ tán 12.000 hộ; Quảng Nam sơ tán 14.800 hộ; Quảng Ngãi sơ tán 24.000 hộ; Bình Định 23.000 hộ và Phú Yên sơ tán 8.000 hộ.
“Các công trình đã được kiểm soát, khu vực Quảng Nam có các khu công nghiệp cũng đã cho kiểm tra và cho sơ tán khẩn trương. Hiện tại tỉnh Bình Định đang cưỡng chế những hộ không chấp hành…”, ông Hoài nói.
|
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các địa phương cần hết sức khẩn trương trong chống bão số 9 do “đây là cơn bão đặc biệt”.
Xuất phát điểm cơn bão không có tính ma sát với Philipines, không có vật cản nên di chuyển rất nhanh. “Đợt này không có không khí lạnh và khô nên không triệt tiêu được cơn bão này. Đến bây giờ là đặc biệt lớn”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, cơn bão sẽ vào bờ vào sáng 28.10. Theo dự báo Quảng Nam - Bình Định là tâm nhưng vì phổ rộng ở phía bắc lẫn phía nam nên Thừa Thiên - Huế và Phú Yên cũng phải chuẩn bị kỹ.
“Bão oanh tạc vào Nam Trung bộ, ít kinh nghiệm nên kĩ năng ứng phó ít hơn, và đã có bài học năm 2017, bão đổ bộ vào Khánh Hơn hơn 100 người chết. Đề nghị các tỉnh phía biển không chủ quan, cần rà soát tàu biển”, ông Cường nói.
Khi cần thiết phải đề nghị quân khu liền kề hỗ trợ
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng. Khi bão vào sẽ bờ gây ngập ủng lớn.
“Đây là cơn bão rất nguy hiểm, thời gian không còn nhiều nên phải tập trung ứng phó. Các địa phương đã rất chủ động, cả hệ thống chính trị vào cuộc… Tôi đánh giá cao việc sơ tán dân, chằng chống nhà cửa...”, Phó thủ tướng nói: “Tuy nhiên, đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đổ bộ vào khu vực miền Trung đang chịu nhiều tổn thương lớn sau mưa lũ vừa qua. Tuyệt đối không chủ quan. Mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng của người dân và tài sản của nhà nước”.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu, các địa phưng hết sức chủ động với phương châm 4 tại chỗ với sự hỗ trợ của T.Ư, của các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN-PTNT… các bộ ngành khác.
|
Phó thủ tướng yêu cầu, phải đảm bảo an toàn trên biển, tiếp tục rà soát tàu thuyền, cho ra khỏi khu vực nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú. Các tàu cần được rà soát để đưa về nơi an toàn, giằng níu các tàu không bị va đập. Phó thủ tướng chỉ đạo, các địa phương cần sơ tán người dân ra khỏi cơ sở sản xuất ven biển, nhất là trên các đảo. “Không được để người dân nào trên các lồng bè. Kinh nghiệm năm 2017 là do Khánh Hòa chủ quan, người chết nhiều trên biển” Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu, các ngành đảm bảo an toàn trên đất liền khi bão vào, sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, nơi nước xiết; đảm bảo an toàn cho các công trình, chằng chống các kho tàng, trường học… Các công trình đang xây dựng, hạ giàn giáo cần cẩu xuống. Các địa phương cần bảo vệ các công tình hạ tầng, nhất là hệ thống truyền tải điện, đường dây 500 KV qua khu vực bão số 9 đổ bộ.
Về bảo vệ an toàn hồ đập, Phó thủ tướng lưu ý Quảng Nam cần quan tâm công tác này.
|
Các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, sạt lở đất ở khu vực miền núi của miền Trung - Tây nguyên. “Rà soát lại để di dời người dân”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu, các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Cục Cứu hộ - cứu nạn… phải điều phối lực lượng ứng phó với bão số 9. Khi cần thiết phải đề nghị Quân khu 3 hỗ trợ phía bắc, Quân khu 7 hỗ trợ ở phía nam.
“Đặc biệt là hỗ trợ các xuồng nhỏ vào cứu người dân. Bộ GT - VT chủ động các phương tiện tìm kiếm cứu nạn trên biển…”, Phó thủ tướng chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9: “Tinh thần rất khẩn cấp nên tập trung ứng phó giảm thiểu thiệt hại…”.
Bình luận (0)