Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Tôi cũng rất ngại nói nhiều về 4.0'

06/06/2019 10:32 GMT+7

Trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay, 6.6, về vấn đề phát triển du lịch 4.0, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ cá nhân ông rất ngại nói nhiều về 4.0.

Đang nghiên cứu 10 đề tài khoa học để xây dựng luật về tiếng Việt

Trong ngày 5.6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Phạm Minh Hiền (Phú Yên) nêu vấn đề hiện chúng ta đang lúng túng trong việc quy định về hành vi dâm ô trẻ em để phân định về hành vi cưng nựng trẻ em, yêu thương trẻ em, hay như cách tiếp cận giữ gìn thói quen văn hóa ứng xử truyền thống trong góp ý luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vừa qua.
Theo đại biểu tỉnh Phú Yên, liệu đã đến lúc chúng ta cần hình thành khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chuẩn hóa khái niệm, quan niệm về văn hóa, đạo đức, nét đẹp truyền thống của dân tộc trong tiến trình xây dựng luật pháp và quản lý nhà nước bằng bộ ngôn ngữ tiếng Việt trung tính và khách quan chưa?
“Vấn đề này tôi trân trọng gửi đến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo”, đại biểu Hiền nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu trong sáng 6.6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Hiền, song khẳng định hiện nay đã có khung pháp lý với rất nhiều quy định tại các văn bản luật, thậm chí Hiến pháp, các nghị định và các quy định này đang không ngừng được hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi.
Đối với vấn đề tiếng Việt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định rất đồng tình với đề xuất của đại biểu, và cho hay tại kỳ họp thứ 4, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất ban hành luật về tiếng Việt, Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề này.
“Hiện chúng tôi đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, trong đó có Viện Ngôn ngữ, nghiên cứu 10 đề tài khoa học cấp bộ với các khía cạnh khác nhau, để chuẩn bị các luận cứ xem đến thời điểm chúng ta xây dựng luật này”, Phó thủ tướng nói, đồng thời cho biết đã đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp tham gia.

Thanh toán qua điện thoại di động tăng 97%

Trả lời đại biểu về phát triển du lịch 4.0, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc này Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời. Và ông nói thêm: "Tôi báo cáo thật với Quốc hội, cá nhân tôi cũng rất ngại nói nhiều về 4.0".
Theo ông Đam, hiện nay cả thế giới đều làm, nôm na là chúng ta ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để phát triển mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch.
Cụ thể, là Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã làm được nhiều việc, ví dụ như đưa chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý ngôn ngữ vào Quốc hội, tất cả các phát biểu lập tức được máy đưa sang văn bản. Chương trình này do các công ty dịch vụ công nghệ thông tin cung cấp, nhưng đằng sau đó là chương trình phát triển công nghệ do Chính phủ chỉ đạo.
Bên cạnh đó, việc giới thiệu địa điểm, sản phẩm du lịch trên mạng cũng được thúc đẩy, phát triển thanh toán điện tử. Theo ông Đam, vừa qua các bộ, ngành đã cố gắng làm chương trình phối hợp nên thanh toán qua điện thoại di động 6 tháng tăng rất nhanh, trong khu vực ASEAN thì Việt Nam có tốc độ nhanh nhất.
"Quý 1 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo tổng số giao dịch thanh toán qua điện thoại di động của Việt Nam tăng 97%", ông Đam nói, đồng thời cho biết Việt Nam đã bắt đầu chương trình số hoá di sản bảo vật quốc gia, vật phẩm quý ở bảo tàng để giới thiệu với thế giới.
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ cũng đã xử lý chương trình tiếng nói, dịch tự động để khắc phục việc thiếu hướng dẫn viên tiếng hiếm. Ở Thừa Thiên - Huế và một số địa phương đã dùng công nghệ thông tin để khắc phục một số vấn đề, trong đó có vấn đề môi trường.

Ngăn chặn mê tín dị đoan không chỉ là vấn đề pháp luật

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã dành 3 phút trong phần giải trình của mình để nói về vấn đề liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo - vốn được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.
Đồng tình phải phản đối, đấu tranh chống mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh để trục lợi với quan điểm “các vi phạm phải xử lý nghiêm và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý nghiêm các vi phạm này”, nhưng ông Đam cho rằng, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là vấn đề pháp luật mà còn liên quan tới vấn đề tuyên truyền, phổ biến, vận động, trong đó có vai trò của các tổ chức tôn giáo.
Theo Phó thủ tướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, khi các tôn giáo vào Việt Nam thì cũng ảnh hưởng qua lại, dung hòa với các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của cộng đồng dân cư, dân tộc Việt Nam.
Do đó, ông Đam cho rằng, nói về giáo pháp, thực hành tín ngưỡng thì phải đặc biệt lưu ý vấn đề này. Vì đây là niềm tin và sự thực hành thường nhật của một bộ phận lớn người dân Việt Nam mà chúng ta cần tôn trọng.
“Trong quá trình đó, những cái gì truyền thống tín ngưỡng không phù hợp thì chúng ta chỉ ra và vận động để loại bỏ dần”, ông Đam nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.