Phòng chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn khốc liệt

17/03/2020 06:19 GMT+7

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến xấu rất nhanh nên cần ngăn chặn mạnh, dứt khoát hơn.

Chiều 16.3, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp bàn biện pháp phòng chống dịch Covid-19, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Xem xét tình trạng y tế hành khách ngay trên máy bay

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhất trí với nhận định đây là giai đoạn khốc liệt của dịch Covid-19, cũng là thời điểm vàng trong việc phòng chống, hạn chế lây nhiễm. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hạn chế việc tụ tập đông người, đặc biệt ở các TP lớn...
Khu điều trị cách ly bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 Ảnh: Liên Châu

Khu điều trị cách ly bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2

Ảnh: Liên Châu

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (gọi tắt BCĐ) xem xét cụ thể các mức tăng chi cho người cách ly; đề xuất mức hỗ trợ cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và các cá nhân liên quan phục vụ công tác cách ly với tinh thần “không để anh em quá vất vả mà bồi dưỡng quá thấp”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc chống kỳ thị đối với người nhiễm Covid-19; lên án, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phương thức cách ly tập trung cùng với cách ly tại gia đình theo quy chế, cách ly theo nhóm được giám sát; đồng thời lưu ý kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy 70% lây nhiễm là trong gia đình.
Do đó, cần tuyên truyền và hỗ trợ mạnh hơn cho các gia đình để phòng chống lây lan khi có nguy cơ. Đặc biệt, phát huy vai trò của phường, xã, tổ dân phố trong việc hỗ trợ hộ gia đình khi có người có nguy cơ nhiễm, với tinh thần các khu dân cư, khu phố, nhà cao tầng đều phải có phương án chống dịch Covid-19.
Thủ tướng nêu rõ, các biện pháp xét nghiệm triển khai rộng rãi là quan trọng. Cần chú ý hơn các nhóm người yếu thế trong xã hội, e ngại đi khám, sống tập trung, như: lao động ngoại tỉnh, sinh viên sau khi đi học lại... Đặc biệt, người đi trên máy bay cần phải xem xét tình trạng y tế ngay trên máy bay và các hình thức xét nghiệm khác. Theo Thủ tướng, đây là lúc cần khuyến cáo người trung và cao tuổi đi khám sức khỏe, kê khai y tế.
Thủ tướng nhắc lại việc hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam, khi hạ cánh thì Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT bàn và quyết định vị trí hạ cánh trên tinh thần bảo đảm cách ly. Việc sàng lọc ngay trên máy bay sẽ giúp giải tỏa tốt ở các sân bay. Các sân bay phải có trách nhiệm kiểm soát y tế. Bộ Y tế phải làm tốt quy trình này một cách công khai, cụ thể.

Ngăn chặn mạnh, dứt khoát hơn

Sáng cùng ngày, tại cuộc họp do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, BCĐ cũng đã đánh giá tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến xấu rất nhanh nên cần ngăn chặn mạnh, dứt khoát hơn; không để xảy ra tình trạng “trong đánh ra, ngoài đánh vào”. BCĐ cũng đề nghị đo thân nhiệt, phân luồng người nhập cảnh ngay khi xuống máy bay. Đối với người nước ngoài, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận. Đối với công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, cần nhanh chóng giải phóng người tập trung ở sân bay để sớm đưa về khu cách ly phòng dịch Covid-19 tập trung theo quy định...
Các chuyên gia cho rằng phải tiến hành đồng bộ các biện pháp để phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19, nghi nhiễm càng sớm càng tốt. Do đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu để giúp phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi ngờ; triển khai thực hiện hiệu quả việc khai báo y tế bắt buộc, khai báo y tế tự nguyện toàn dân; phân loại các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, những người già, người có bệnh nền... Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh sàng lọc, phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị, dập dịch tại chỗ; lập tổ công tác với nòng cốt lực lượng công an, dân quân, y tế và hỗ trợ công nghệ thông tin (nhân viên bưu điện, Viettel, VNPT) nhằm bám sát tình hình trên địa bàn; phân nhóm người dân theo tình trạng sức khỏe; có giải pháp hỗ trợ thăm khám, chăm sóc tại chỗ với những người có nguy cơ lây nhiễm, có tiền sử bệnh, tuổi cao sức yếu dễ bị lây nhiễm, và khi nhiễm dễ bị tình trạng nặng.

Bộ Y tế thông báo khẩn về 8 chuyến bay có bệnh nhân Covid-19

Tối 16.3, Bộ Y tế ra thông báo khẩn về số hiệu và thời gian hạ cánh của các chuyến bay có BN Covid-19, gồm: chuyến bay SQ 176 của Singapore Airlines từ Singapore đến Nội Bài ngày 15.3; chuyến bay VJ 826 của Vietjet Air từ Malaysia đến TP.HCM ngày 4.3; chuyến bay TK 162 của Turkey Airlines từ Istanbul đến TP.HCM ngày 8.3; chuyến bay QH 1521 của Bamboo Airways từ TP.HCM đến Phú Quốc ngày 9.3; chuyến bay QH 1524 của Bamboo Airways từ Phú Quốc đến TP.HCM ngày 13.3; chuyến bay SU 290 Aeroflot từ Moscow đến Hà Nội ngày 12.3; chuyến bay QR 970 của Qatar Airways từ Doha đến TP.HCM ngày 10.3; và TG 564 của Thai Airways từ Bangkok về Nội Bài ngày 15.3.
Bộ Y tế đề nghị tất cả hành khách trên các chuyến bay nói trên liên hệ ngay với trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, TP để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Hoặc liên lạc với các đường dây nóng của Bộ Y tế để được hỗ trợ: 1900-9095 và 1900-3228.

Điều trị tích cực 2 bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng

Ngày 16.3, các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã trao đổi trực tuyến với các bác sĩ của BV Bệnh nhiệt đới T.Ư về điều trị 2 bệnh nhân (BN) Covid-19 có diễn biến nặng, đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội).
Trong 2 ca nặng, BN người Anh (nam, 69 tuổi), mắc đái tháo đường týp 2, tăng huyết áp; từ hôm 15.3 đã được thở máy, lọc máu; đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực BV Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Người thứ 2 có diễn biến nặng là BN người Việt (nữ, 64 tuổi), có bệnh lý nền rối loạn tiền đình. Từ cuối giờ chiều 15.3, BN này có triệu chứng khó thở tăng lên, đến 22 giờ cùng ngày thì có biểu hiện suy hô hấp, chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, lọc máu, theo dõi điều trị.
Tại buổi hội chẩn, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, cho biết sau khi được thở máy, lọc máu và các biện pháp hồi sức tích cực, hiện ô xy máu của BN người Anh đã cải thiện nhưng vẫn đang trong tình trạng nặng. BN người Việt đang suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, được lọc máu liên tục, trong tình trạng nặng. Việc hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn đang được triển khai liên tục để kiểm soát tối đa những tình huống cấp thiết.
Theo thông tin từ BV dã chiến Củ Chi (TP.HCM), đến nay BV đã tiếp nhận tổng cộng 443 ca liên quan Covid-19 (trong đó có 182 thủy thủ), đã xuất viện 261 ca.
Hiện BV đang điều trị 3 ca dương tính Covid-19 nằm phòng áp lực âm, 2 ca trong số đó không triệu chứng, ca còn lại sốt 38 độ C, ho ít đàm, sức khỏe tiến triển tốt hơn ban đầu nhập viện. BV đang lắp đặt thêm phòng áp lực âm. BV Bệnh nhiệt đới cũng đang điều trị cho 1 BN dương tính Covid-19; hiện sức khỏe BN này ổn định.
Liên Châu - D.Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.