Phòng, chống lũ quét, sạt lở đất: Di dân chậm, hậu quả khôn lường

17/08/2010 00:53 GMT+7

Ngày 16.8, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác di dân phòng, chống thiên tai với các địa phương có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

 Thống kê của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão T.Ư (BCĐ) cho thấy, trong vòng 10 năm, từ 2000 đến 2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 96 trận lũ quét, làm chết và mất tích 883 người, 1.500 người bị thương, trên 6 ngàn căn nhà bị đổ trôi, trên 132 ngàn ha lúa và hoa màu bị ngập, nhiều công trình giao thông bị hư hỏng nặng nề... Tổng thiệt hại về vật chất ước tính lên tới trên 6 ngàn tỉ đồng.

BCĐ cho biết, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ngày càng tăng cao do rừng và lớp thảm thực vật đầu nguồn bị suy giảm, các công trình cơ sở hạ tầng giao thông chưa ổn định tạo thêm nguy cơ sạt trượt, xây ngầm và cầu giao thông qua sông suối, san lấp sông suối để xây nhà cửa và cơ sở sản xuất cũng gây ách tắc đường thoát lũ...

Theo chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2015, cả nước cần phải di dời tổng cộng 173.450 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ ống, lũ quét. Tuy nhiên, theo BCĐ, việc di dân hiện đang bị chậm, đến hết năm 2008 mới chỉ có 57.725 hộ được chuyển đến nơi ở an toàn. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn đầu tư cho các dự án di dân vùng thiên tai còn thấp so với nhu cầu. Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, ngân sách T.Ư mới phân về các tỉnh 1.240 tỉ đồng trong tổng số trên 3.069 tỉ đồng của cả chương trình.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ di dời dân theo kế hoạch đã có, các địa phương phải thường xuyên cập nhật, xác định các vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất mới phát sinh do địa hình bị thay đổi. Phó thủ tướng yêu cầu ngành NN-PTNT khẩn trương rà soát, lập danh sách cụ thể những điểm đặc biệt nguy hiểm, trình Chính phủ xem xét, ưu tiên cấp vốn để nhanh chóng di dời dân tới nơi ở an toàn. Các địa phương cần phải thực hiện tốt công tác quy hoạch và sắp xếp dân cư, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài và cần thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác...

Quang Duẩn - Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.