Đời... lượm banh

22/04/2018 09:00 GMT+7

13 giờ 30, trên một chiếc ghế đá khuất sau lùm cây trong sân tennis Kỳ Hòa, Q.10, TP.HCM, Âu Trí Thành mở phần cơm hộp ra, vừa nhai vừa hớt hải nhìn đồng hồ kẻo sắp đến lượt mình vào ca lượm banh (bóng) tennis.

30.000 đồng/giờ lượm banh
Âu Trí Thành năm nay 23 tuổi, nhỏ thó, cao chừng hơn 1,6 m, nước da đen bóng, nhà ở P.10, Q.8, ngày trước chỉ học hết lớp 3. Bảy năm trước, một người anh rể của Thành làm nghề lượm banh tại sân Cung văn hóa Lao động dắt Thành đến sân và chỉ cho anh những bước đầu tiên của nghề. Mất 6 tháng để Thành có thể lượm banh thành thục bằng vợt và dụng cụ chuyên nghiệp. 4 tháng nay Thành chuyển sang sân Kỳ Hòa, làm quen với những người bạn mới.
Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng, mưa, Thành có mặt ở sân lúc 6 giờ sáng và ra về lúc 6 giờ tối, những ngày có giải, Thành ở lại tới 10 giờ đêm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có việc để làm. Mỗi giờ lượm banh được trả 30.000 đồng nhưng chưa được lấy ngay, cuối tháng, người quản lý sẽ cộng sổ và trả.
Trưa Sài Gòn nắng như đổ lửa, Thành nhỏ thó trong chiếc áo thun đỏ đã ướt sũng mồ hôi, cầm chiếc vợt chạy quanh sân, nhặt - thảy, nhặt - thảy, công việc lặp lại liên tục. Đặc thù của nghề buộc Thành phải nhanh nhẹn, phán đoán chỗ banh rơi, chạy liên tục, không có thời gian đứng nghỉ cho đỡ mỏi chân. Cuối buổi làm, vuốt mồ hôi đang nhỏ tong tong từ trên trán, anh chìa ra đôi bàn tay chi chít những vết chai sần và bảo: “Trong nghề này thì tay ai cũng vậy, do cầm cán vợt nhiều. Bây giờ thì đỡ đau người, còn những ngày đầu, đi làm về nhà là muốn ngất đi vì đau toàn thân”.
Một ca làm việc của Thành Ngọc Trung Ảnh: Thúy Hằng
Thành Ngọc Trung, 31 tuổi, quê ở Ninh Thuận, mới lên Sài Gòn xin vào sân Lan Anh (Q.10) lượm banh được 4 tháng nay. Trái với những thanh niên lượm banh tính tình cởi mở, Trung kín tiếng, anh lặng lẽ làm xong công việc của mình rồi ngồi một góc, mắt luôn nhìn xa xăm, buồn bã. Trung cho hay, từng làm thuê ở quê nhà nhưng thu nhập quá bèo bọt, không đủ sống đành nhờ người quen xin cho việc lượm banh. Tuy nhiên, mới vào, chưa quen việc, đồng thời chưa có khách quen, Trung được xếp rất ít ca làm. Có ngày, đến sân từ sáng sớm, ra về khi trời xâm xẩm tối, Trung chỉ kiếm được 60.000 - 80.000 đồng. Mỗi tháng, Trung kiếm chỉ được hơn 3 triệu đồng.
“Ở đây cứ đánh xong là khách trả tiền trực tiếp cho mình. Nhưng vì tôi chưa quen nhiều khách nên có khi cả ngày ngồi không”, Trung kể buồn. Trên sân quần vợt, không phải khách nào cũng lịch sự, gặp ông khách nóng nảy, đang chơi thua, người ta sẵn sàng trút giận lên những người nhặt banh.
“Họ mắng khi tôi chưa lượm kịp trái banh rơi trong sân, hoặc có ông đòi hỏi chúng tôi phải chạy lẹ, chứ đi lững thững là không hài lòng. Có khách trời mưa vẫn đánh và kêu tôi lượm banh, nhưng nếu làm trời mưa rất dễ bệnh. Tôi bệnh ngày nào, đói ngày đó”, Trung kể.
Những người làm nghề lượm banh đa phần đều không được trả lương “cứng” hằng tháng, mà chỉ có tiền theo giờ. Có những người chăm chỉ, làm ngày làm đêm, tính riêng tiền lượm banh đã được 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, phần đông làm nghề này là thanh niên từ các tỉnh, thuê nhà ở Sài Gòn. Cuộc sống xa nhà, cô đơn, những cám dỗ như ăn nhậu, đánh bài, chơi game ăn tiền, cá độ bóng đá… càng có ma lực.
N.H, 22 tuổi, lượm banh sân Lan Anh cho hay, có đợt tối nào anh cũng đi nhậu với bạn bè tới khuya, sáng ra lại về lượm banh, người rã rời vì mệt. “Mỗi cuộc nhậu, trung bình mỗi người mất 300.000 đồng, bằng 10 giờ lượm banh. Tuy nhiên, lúc ngà ngà say, có ai ý thức được mình mất bao nhiêu tiền đâu, chỉ đến khi tỉnh rượu rồi mới xót”, N.H nói. Nhiều bạn bè N.H đang lượm banh ở nhiều sân khác còn vướng vào cá độ bóng đá, nợ nần hàng chục triệu đồng nên phải bỏ nghề, trốn nợ biệt tăm khỏi Sài Gòn.
“Nghề này đã đổi thay cuộc đời tôi”
99% những người lượm banh tại các sân quần vợt đều phải biết đánh banh. Đó được hiểu như một nguyên tắc ngầm, để có thể tồn tại trong nghề. Nguyễn Hoàng Kỷ, 24 tuổi, quê ở Kiên Giang, lượm banh tại sân Lan Anh 6 năm nay, lý giải: “Người lượm banh cần biết sử dụng vợt để đánh lại trái banh cho khách chơi. Nếu khách có nhu cầu cần người chơi chung trên sân, chúng tôi sẽ chơi cùng. Nhiều người lượm banh giỏi, đánh banh hay sau này còn trở thành huấn luyện viên (HLV)”.
Kỷ vào nghề lượm banh nhờ người anh rể “dắt mối”, anh mất khoảng vài tháng học các thao tác với chiếc vợt và trái banh nỉ, đến giờ cũng là một cây vợt khá vững trong giới làm nghề. Mỗi ngày, anh chỉ lượm banh từ 3 - 4 tiếng, kiếm hơn 100.000 đồng tiền thù lao, ngoài ra thu nhập chính của anh là đánh banh chung với khách và dạy khách. Kết thúc mỗi trận, khách có thể trả anh 200.000 đồng, còn nếu dạy, trung bình anh thu được 150.000 đồng - 200.000 đồng/tiếng, gấp nhiều lần việc đi lượm trái banh. Kỷ tiết lộ, mỗi tháng anh thu nhập trung bình 10 triệu đồng, chi tiêu mọi khoản còn tiết kiệm được 5 triệu đồng/tháng, số này một phần anh gửi về cho bố ở quê, một phần để dành.
Kỷ không phải là người có thu nhập khá nhất trong những người lượm banh ở sân Lan Anh, anh rể của Kỷ, Nguyễn Hữu Lý, tổ phó đội lượm banh ở đây có thu nhập mỗi tháng trên 40 triệu đồng. Anh Lý từng xuất thân là một người lượm banh. Dầm mưa dãi nắng quần quật ngoài sân, anh học hỏi bạn bè và khách đến sân cách đánh banh, sau này trở thành cây vợt có tiếng, rất nhiều người mê tennis xin đặt lịch để được anh dạy. Ngoài ra, một phần lớn trong thu nhập hằng tháng mà anh Lý có được hiện nay, đó là nhờ tham gia các giải quần vợt phong trào. Đứng cặp chung với những khách hàng hào phóng, khi có cúp, cả tiền thưởng và tiền khách hàng “boa” cho anh có thể lên tới 10 triệu - 20 triệu đồng/giải.
Vượt qua những gian truân, những cám dỗ trong nghề, Nguyễn Gia Thiều, 20 tuổi, lượm banh tại sân Kỳ Hòa đang được đánh giá cao bởi các HLV chuyên và bán chuyên, bởi sự lễ phép, thái độ nghiêm túc với nghề và khao khát muốn vươn lên.
Thiều quê ở Hà Nam, anh mê chơi game, bỏ học từ lớp 9, sau đó được gia đình cho về sống cùng người bác ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, để vừa đi học bổ túc văn hóa buổi tối, vừa đi lượm banh ban ngày. Thiều mất 6 tháng để học việc, sau đó anh chịu khó quan sát và học hỏi, trình độ chơi tennis ngày càng cao.
“Mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 5 triệu đồng, bác tôi giữ giúp cho một nửa, còn lại tôi tự trang trải học phí, tiền học tiếng Anh. Năm đầu tiên ở Sài Gòn tôi tự mua được xe máy, năm thứ 2 gửi được cho mẹ 20 triệu đồng, tết năm ngoái tôi về quê, biếu mẹ 30 triệu đồng. Mẹ tôi mừng muốn khóc vì con trai đã trưởng thành”, chàng trai có nước da trắng bóc, trái ngược với tất cả các thanh niên làm nghề lượm banh, bộc bạch.
Thiều nói với chúng tôi, có đi làm vất vả, mới thấy quý đồng tiền. Anh từng “đốt” của bố mẹ không biết bao nhiêu tiền vào game, bây giờ nếm cảm giác chạy vã mồ hôi dưới nắng mới kiếm được 30.000 đồng thì thấm thía và thương bố mẹ hơn bao giờ hết. “Tôi lấy bằng cấp 3 xong sẽ đi học lái xe rồi tiếp tục trau dồi trình độ chơi tennis, nghề này đã đổi thay cuộc đời tôi”, Thiều nói về tương lai phía trước.
Ông Lý Minh Triết, cựu tuyển thủ bóng bàn quốc gia, HLV tennis tại TP.HCM, cho hay 80% HLV tennis bán chuyên hiện nay đều trưởng thành từ nghề lượm banh. “Họ có ưu điểm về thể lực, khả năng dãi dầm mưa nắng cao, thời gian, cường độ tiếp xúc với trái banh liên tục. Do đó, những ai có năng khiếu, bản lĩnh, thái độ cầu thị và làm chủ được mình trước những cám dỗ trong nghề thì khả năng thành công là rất lớn”, ông Triết nói về những bạn trẻ có thể đổi đời từ trái banh tennis.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.