Là nơi giao nhau giữa hai dòng hải lưu nóng - lạnh ở tây bắc Thái Bình Dương, ngư trường Miyagi là “thiên đường” lớn thứ hai tại Nhật (sau Hokkaido), nơi các loài hải sản danh tiếng trú ngụ.
tin liên quan
Đứng dậy sau sóng thần: Làm du lịch từ đổ nátĐến Miyagi, cách nhanh nhất tìm hiểu về hải sản không gì hấp dẫn hơn hành trình về chợ đầu mối. Miyagi có hai chợ tiêu biểu là Ishinomaki và Kesennuma chuyên bán sỉ, đấu giá các sản vật biển khơi. Đều tổn thất nặng nề trong thảm họa sóng thần 2011, sau thời gian tái thiết ngắn hai chợ này đã mở cửa trở lại với quy mô và hình thức hoạt động “khủng” hơn trước cả về số lượng, chất lượng. Ở đây còn sử dụng thiết bị phát hiện phóng xạ, mức độ nhiễm xạ (nếu có) để loại bỏ ngay khi hải sản từ thuyền câu qua dây chuyền vận chuyển vào bờ.
Rộn ràng chợ sớm
Khu chợ cá nổi tiếng nhất của tỉnh Miyagi là Ishinomaki. Sau khi chính thức mở cửa trở lại vào tháng 9.2015, Ishinomaki bốn tầng, diện tích sàn khoảng 50.000 m2 (rộng gấp 1,4 lần chợ cũ), nguồn hải sản giao thương trung bình đến 50.000 tấn/ngày.
Kunio Suno, giám đốc chợ cá, rất nổi tiếng trong ngành ngư nghiệp của Nhật. Dù ngoài thất thập, nhưng ông vẫn điều hành hoạt động của chợ cá lớn nhất thế giới Ishinomaki. Trong thời gian khắc phục hậu quả sóng thần, Kunio Suno thường hay nhận được tiền và quà khắp nơi gửi đến giúp tái thiết lại cảng cá và chợ cá Ishinomaki. Một mạnh thường quân giấu tên từ tỉnh Nagano gửi đến ông Suno một chiếc hộp chứa hai thỏi vàng 24 carat nguyên khối (1 kg/thỏi), tương đương 300.000 USD thời điểm bấy giờ. Suno kể đến giờ ông cũng không biết đó là ai, dù rất muốn gặp bày tỏ lời cảm ơn trực tiếp đến vị ân nhân ấy.
Dù từng đến chợ cá Tsukiji ở Tokyo, cũng mường tượng được vài góc độ về khu vực đấu giá, khu bán sỉ…; nhưng ngay khi vào chợ cá Ishinomaki, những hình dung của tôi bị đảo ngược hoàn toàn. Để vào được chợ, mỗi người phải qua diệt khuẩn, hút bụi, rửa tay bằng xà phòng, lội qua bể nước khử trùng, từng công đoạn đều kiểm soát bằng bộ cảm biến tự động. Khi hoàn tất, cửa sẽ tự động mở để vào khu vực phân loại hải sản chờ đấu giá. Gọi là chợ cá, nhưng không một chút mùi tanh bởi được vệ sinh và sắp đặt hết sức ngăn nắp, khoa học.
Đến chợ cá Ishinomaki trong ngày đấu giá cá thu đao, phiên đấu giá bắt đầu từ 6 giờ, các công đoạn đo độ dài, đo lượng mỡ cá… đều được tiến hành bằng máy, mỗi thùng đựng có trọng lượng lên đến 600 kg. Người mua là các công ty chế biến hải sản lớn của Miyagi và Tokyo. Ông Suno giới thiệu: “Hải sản ở đây đánh bắt theo mùa. Xuân có bào ngư. Hè có cá ngừ vây xanh - mặt hàng chủ đạo và nổi tiếng của chợ. Thu có bạch tuộc. Đông là cá trích, hàu, rong biển, hải sâm… Khi tham gia đấu giá, người mua ghi mức giá mình muốn trả lên phiếu, ai bỏ khung giá cao nhất sẽ là người được chọn mua”.
Chợ cá Ishinomaki hoạt động nhộn nhịp nhất là vào mùa cá ngừ. Khi ấy thương lái từ khắp nước Nhật đều dồn về đấu giá những con cá đẳng cấp nhất để chế biến món ăn theo mùa (washoku). Trong đó món sashimi bụng cá ngừ vây xanh với phần thịt và mỡ quyện đều nhau bao giờ cũng xếp đầu trong ẩm thực đẳng cấp tại các quán sushi danh tiếng ở Nhật.
tin liên quan
Đứng dậy sau sóng thần: Biến thảm họa thành cơ hộiCá kiếm và nước đá
Cách Ishinomaki chưa đầy 90 km là chợ cá độc đáo khác: Kesennuma. Tuy quy mô không bằng Ishinomaki, nhưng Kesennuma là nơi tập trung cá kiếm và cá mập hàng đầu Nhật Bản.
Chưa đầy 7 giờ sáng, Kesennuma thêm nhộn nhịp với những chiếc cẩu rộn ràng đưa cá từ khoang thuyền lên bờ, ấn tượng nhất là những chú cá kiếm khổng lồ, con nhỏ nhất cũng hơn 100 kg, được đặt nằm theo hàng ngay ngắn trên nền chợ với số lượng hàng ngàn con, tạo thành hình ảnh ngoạn mục đến choáng ngợp. Các thương lái đến từng hàng cá kiếm, ghi chép, đo đạc, thẩm định giá, đánh dấu số hiệu để chọn mua khi phiên đấu giá bắt đầu.
Là vựa cá kiếm của Nhật nên không ngạc nhiên khi tại bất kỳ tiệm sushi nào của Miyagi, món sashimi cá kiếm đều giữ một vị trí quan trọng trong thực đơn. Thưởng thức miếng cá kiếm màu hồng nhạt, thịt mềm tan, ngọt ngậy, bao giờ cũng đem lại những khoái cảm khó tả.
Ngoài cá kiếm, Kesennuma còn nhiều dòng hải sản khác. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện được ngư dân giới thiệu, từ cách đánh bắt, chế biến, đến giá trị thị trường. Dạo chợ sớm Kesennuma như lạc vào bảo tàng hải dương học với những mẫu vật sống động, đặc sắc.
Riêng các loại hải sản nhỏ lẻ đánh bắt xa bờ ở Kesennuma, được trữ lạnh trong các thùng đá xay. Câu chuyện nước đá tưởng chừng đơn giản, nhưng kỹ sư nông nghiệp Yusuke Nomura cho biết nghề làm nước đá là một phần quan trọng cho yếu tố sống còn của nghề cá. Ở Miyagi, Okamoto Seihyo là nhà máy nước đá lâu đời nhất, hoạt động được 65 năm, mỗi ngày cung cấp đá xay cho chợ Ishinomaki, Kesennuma và ngư dân để bảo quản hải sản.
Anh Okamoto, hậu duệ thứ hai đang tiếp quản công việc làm nước đá cha anh để lại, cho biết: “Sóng thần đến làm các nhà máy nước đá đều ít nhiều bị hư hỏng thiết bị, nhưng chỉ một ngày sau chính quyền và cư dân dốc sức khôi phục hoạt động sản xuất nước đá ngay vì yếu tố quan trọng và cấp thiết cho việc lưu giữ hải sản làm lương thực dài ngày cũng như khôi phục lại nghề cá”.
Ở nhà máy nước đá của Okamoto, một khối nước đá nặng 130 kg cần đến 48 giờ để đóng băng hoàn toàn trong cái lạnh âm 13 độ C. Mỗi ngày sản xuất tối đa được 254 cây đá, khi mùa đông đến, lượng đá vẫn tiếp tục sản xuất, được lưu trữ trong kho dùng cho mùa hè, phân phối đến các chợ đầu mối và ngư dân khắp vùng Miyagi. (còn tiếp)
Phát triển ngư nghiệp kiểu mới
Ở Nhật, quan niệm xưa cho rằng ngư dân thuộc nhóm nghề 3K: “Kitsui” - vất vả, “Kiken” - nguy hiểm, “Kitanai” - dơ bẩn. Nhóm ngư dân trẻ Fisherman Japan đã chuyển thành thế hệ 3K mới với: “Kakkoii” - đẳng cấp, “Kasegeru” - lợi nhuận, “Kakushinteki” - cách tân.
Ra đời vào tháng 8.2014, Tổ chức Fisherman Japan (FJ) không chỉ gồm những ngư dân từ Miyagi, mà còn là những chuyên viên, chuyên gia đến từ khắp nước Nhật tình nguyện dùng năng lực chuyên môn góp sức vực dậy nghề cá theo tư duy mới: quảng bá, làm cầu nối giữa doanh nghiệp hải sản và ngư dân; tư vấn cách khai thác và nuôi trồng thủy hải sản hiệu quả; cách thức quản lý, điều hành doanh nghiệp một cách khoa học…
|
Bảo tàng băng
Một không gian băng giá độc đáo đáng khám phá là Bảo tàng băng Kesennuma lạnh âm 30 độ C. Trong bảo tàng, từng loại hải sản và những đàn cá đặc hữu Miyagi được đóng băng, sắp đặt theo nhóm như đang bơi lặn ngoài tự nhiên. Hình ảnh, cách bố cục ánh sáng, các loài hải sản, cùng âm thanh du dương tạo cảm giác như đang lạc vào đại dương với muôn vàn loài cá lạ vây quanh. Dù được phát chiếc áo khoác chống lạnh cỡ dày, nhưng chẳng ai có khả năng trụ lâu trong bảo tàng hơn nửa giờ.
Anh Miyazaki, thợ làm nước đá và cũng là tay điêu khắc đá đẳng cấp. Anh dùng mũi khoan, khắc âm trong lòng tảng nước đá, tạo thành các khoảng trống có chủ ý, sau đó đổ màu vào tạo nên hình ảnh hoa lá, cỏ cây, động vật. Anh dự định sẽ làm một triển lãm cá nhân với những tác phẩm đặc biệt tạo nên từ nước đá.
|
Bình luận (0)