Phóng thành công vệ tinh 'made in Việt Nam' vào quỹ đạo

18/01/2019 10:27 GMT+7

8 giờ 55 sáng nay, 18.1 (giờ Hà Nội), vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản ở độ cao 511 km và đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian.

Trước đó, lúc 7 giờ 50 phút, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã được phóng lên quỹ đạo, cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản cũng được phóng vào quỹ đạo tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản).
Khoảng 8 giờ 55, vệ tinh của Việt Nam đã được tách ra thành công ở độ cao 511 km đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian. Sau khi vệ tinh của Việt Nam tách ra thành công, tên lửa đẩy tiếp đưa các vệ tinh khác lên các quỹ đạo tiếp theo.
Đại diện của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam) có mặt tại Nhật Bản tham dự buổi phóng vệ tinh này, cho biết sau khoảng 52 phút, tên lửa bắt đầu thả các vệ tinh mà nó mang theo vào quỹ đạo.
Vệ tinh MicroDragon của Việt Nam được phóng lên quỹ đạo Ảnh Mai Loan
Vệ tinh MicroDragon là vệ tinh thứ 3 được thả vào không gian, sau khi rời khỏi mặt đất 1 giờ 5 phút. Vệ tinh cuối cùng được thả ra là vệ tinh NEXUS, sau 1 giờ 10 phút.
Dự kiến sau khi phóng khoảng 1 - 2 ngày, vệ tinh MicroDragon sẽ thu nhận được những tín hiệu đầu tiên. Sau khi hoạt động thử nghiệm trên quỹ đạo trong khoảng từ 1 - 3 tháng, vệ tinh có thể vận hành ổn định theo đúng thiết kế. Hiện nay, vệ tinh đang được phối hợp điều khiển bằng hệ thống trạm mặt đất của Đại học Tokyo, ISAS/JAXA và Đại học Tokyo Denki.
Đây là sản phẩm trong khuôn khổ của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và được phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) theo học tại 5 trường Đại học hàng đầu Nhật Bản: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu, dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia trong trường từ 2013 - 2017.
Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam. 
Cơ quan hàng không Vũ trụ Nhật Bản trao hiện vật trưng bày cho Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam Ảnh Mai Loan
Hiện nay, một vệ tinh khác là NanoDragon (10 kg) cũng đang được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, phát triển, hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia tại Việt Nam. Vệ tinh này có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano.
Sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020. Mới đây, vệ tinh cũng đã được JAXA thông báo đồng ý đưa lên quỹ đạo theo “Chương trình trình diễn công nghệ vệ tinh tiên tiến 2”, dự kiến vào năm 2020.
Trước đó, vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1 kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
Gần đây nhất, ngày 17.1, tại Tokyo (Nhật Bản), Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã nhận bàn giao một số hiện vật từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản để trưng bày Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam, gồm: cờ Việt Nam và video lời chúc từ Trạm vũ trụ quốc tế của phi hành gia Norishige Kanai; mô hình Trạm vũ trụ quốc tế, tỷ lệ 1/300; mô hình Module thí nghiệm Nhật Bản (KIBO) trên Trạm vũ trụ quốc tế, tỷ lệ 1/50; mô hình tên lửa H-II, tỷ lệ 1/20.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.