Phong tỏa nhà riêng ông Phan Văn Anh Vũ

22/12/2017 06:21 GMT+7

Chiều tối 21.12, lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và phong tỏa nhà riêng ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ 'nhôm ') tại TP.Đà Nẵng.

Tại hiện trường, từ chiều 21.12, khi ô tô BS 80A-014.25 xuất hiện trước ngôi nhà của ông Phan Văn Anh Vũ ở số 82 Trần Quốc Toản, P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng), cùng sự xuất hiện của lực lượng mặc cảnh phục sau đó, nhiều người dân hiếu kỳ dừng lại theo dõi. Đến 21 giờ, người dân mới vãn bớt, trong khi lực lượng công an vẫn giữ nguyên vị trí.
       Ông Phan Văn Anh Vũ - Ảnh: Khả Hòa
Ông Phan Văn Anh Vũ sinh ngày 2.11.1975. Ngoài bất động sản, Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 của ông Vũ còn góp vốn vào DongABank. Được biết, công ty đang sở hữu 50 triệu cổ phiếu của DongABank (tương đương 10% vốn điều lệ). Tại Đà Nẵng, một số công ty được cho là có liên quan đến ông Vũ như: Công ty TNHH I.V.C; Công ty CP Memory... Ông Anh Vũ cũng được cho có liên quan đến việc “tặng” xe mà nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sử dụng.
 

Ông Phan Văn Anh Vũ là một đại gia bất động sản có tiếng tại Đà Nẵng, sở hữu nhiều dự án lớn tại các vị trí đắc địa. Thời gian gần đây, ông Vũ được nhiều người biết đến khi cùng đối tác triển khai “siêu dự án” lấn biển khu đô thị quốc tế Đa Phước (Q.Hải Châu) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 4.465 tỉ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH The Sunrise Bay, ông Vũ làm chủ tịch hội đồng thành viên. Công ty này được thành lập bởi sự góp vốn của Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 do ông Vũ làm chủ tịch hội đồng quản trị và Công ty CP Nova Bắc Nam 79. Tuy nhiên, mới đây, dự án bị cáo buộc sử dụng cát hút trộm từ vùng biển Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam). Sau đó, dự án này tiếp tục dính đến nghi án làm giấy tờ giả để hợp thức hóa nguồn gốc cát sử dụng san lấp mặt bằng.
Ông Anh Vũ còn dính đến những sai phạm đất đai tại TP.Đà Nẵng đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2012. Cụ thể theo kết luận, năm 2006, khu đất phía nam cuối đường Phạm Văn Đồng được UBND TP.Đà Nẵng chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc, tổng giá trị hợp đồng là 84 tỉ đồng. Năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, ủy quyền cho ông Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá 581,526 tỉ đồng (chênh lệch 495,374 tỉ đồng). Năm 2009, ông Quan tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty CP đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá 585 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, tại dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, ông Vũ được TP.Đà Nẵng giao đất với giá thấp hơn quy định, làm lợi cho Công ty CP xây dựng 79 hơn 570 tỉ đồng.
Điều tra hàng loạt dự án, nhà công sản liên quan ông Vũ
Tháng 9 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vào cuộc điều tra 9 dự án đầu tư và 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay. Qua tìm hiểu, trong danh sách 9 dự án bị điều tra có một số dự án được cho có liên quan ông Phan Văn Anh Vũ, gồm: dự án khu công viên An Đồn (nay là Trường mẫu giáo ABC rộng 3.600 m2); dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước; dự án khu du lịch ven biển đường Trường Sa; dự án Phú Gia Compound; khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông.
Trong số 31 lô nhà, đất công sản trong danh sách đang được phía công an đề nghị cung cấp hồ sơ để làm rõ đều nằm tại các vị trí đắc địa nhất ở Đà Nẵng và hầu hết được bán cho doanh nghiệp không qua đấu giá, dù theo quy định của luật Đất đai, khi bán nhà hoặc đất công sản, phải đưa ra đấu giá công khai. Phần nhiều trong số đó cũng liên quan đến ông Vũ như: lô đất số 32 Lê Hồng Phong hiện là nơi đặt trụ sở của 3 công ty gồm: Công ty CP xây dựng 79, Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty TNHH I.V.C. Lô đất số 16 Bạch Đằng là trụ sở Sở Tư pháp TP (cũ), cuối năm 2014, TP giao cho Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 với giá 45,3 tỉ đồng. Hiện khu đất này chưa xây dựng công trình gì.
Ngoài ra, còn có các lô 45 Nguyễn Thái Học (chuyển nhượng từ thời điểm năm 2007, 2010). Đây là những lô nằm liền kề căn nhà số 43 được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) bán cho cha mẹ của ông Nguyễn Xuân Anh (nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) từ năm 1993. Ông Xuân Anh cũng sử dụng ngôi nhà liền kề số 45. Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông Xuân Anh thiếu gương mẫu vì “sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp”, gây dư luận xấu trong xã hội. Cụ thể, căn nhà số 45 Nguyễn Thái Học được Công ty I.V.C (một trong những công ty có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ) mua vào năm 2007. Căn nhà 47 Nguyễn Thái Học được cho của ông Vũ “nhôm” cũng nằm trong danh sách 31 lô nhà bị điều tra.
Trong khi đó, ngày 27.6, tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2017, trả lời câu hỏi của các PV về công tác quản lý nhà công sản và tình trạng mua bán nhà công sản không qua đấu giá, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, cho rằng việc bán nhà công sản đang được thực hiện đúng quy trình. Cụ thể, sẽ xác định giá nhà, giá đất sau đó sẽ được công bố bán công khai. Tuy nhiên liên quan đến câu hỏi trong thời gian ngắn có 86 doanh nghiệp mua nhà công sản không qua đấu giá; trong đó có đơn vị mua rất nhiều nhà thì liệu có bất thường, ông Hùng đã không trả lời. Chủ trì cuộc họp này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cũng cho biết trong vòng 3 năm qua, Đà Nẵng bán nhà công sản không nhiều và đều thông qua đấu giá công khai.
Tổng bí thư yêu cầu Bộ Công an điều tra ông Vũ “nhôm”
Thông tin này được ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết tại buổi gặp mặt các cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu trên địa bàn nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập QĐND VN, diễn ra vào ngày 20.12.
Tại buổi gặp mặt, đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), cho hay dư luận đang xôn xao về Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”), được cho đã có những tác động khiến Ban Thường vụ Thành ủy có những vi phạm, khuyết điểm và bị T.Ư kỷ luật tập thể. Ông Thạnh đặt câu hỏi, có hay không việc người này gây sức ép buộc chính quyền TP phải thực hiện giải quyết nhà, đất công sản ở nơi thuận lợi, đắc địa của TP. Ông Thạnh cũng hỏi thẳng: Có hay không việc Vũ “nhôm” chỉ mặt và hăm dọa Chủ tịch UBND TP khi chính quyền không đồng ý yêu cầu của Vũ về một dự án nào đó. Ông Thạnh đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ Phan Văn Anh Vũ là ai, thế lực và cá nhân nào đứng đằng sau. Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5, cũng bức xúc: “Đây là vấn đề cần phải làm mạnh mẽ, chứ không thể để một giám đốc công ty tư nhân tự tung, tự tác như vậy”.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, cho hay: “Hiện nay Bộ Công an, đặc biệt là Tổng bí thư trực tiếp yêu cầu Bộ Công an điều tra và trả lời với Tổng bí thư và Bộ Chính trị về chuyện này”.
Ông Nghĩa cũng thông tin: “Trường hợp tương tự, vừa rồi quân đội đã bắt một trường hợp. Đây cũng là quyết tâm của Bộ Chính trị. Ở đây có Vũ “nhôm” mà mọi người đang nói thì ở ngoài bắc, trong quân đội có nói về Út “trọc”, cũng thượng tá cả. Nhưng với quan điểm là người của ai thì đơn vị đó phải xử lý. Quân đội vừa xử lý, bắt Út “trọc” rồi”. Ông Nghĩa cũng cho biết, hiện công an cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi về Vũ “nhôm”.
“Hiện nay, Bộ Công an đang tập trung vào làm. Kết quả như thế nào thì chúng ta dựa trên cơ sở luật pháp và phải chờ. Tôi nghĩ và tôi rất tin quyết tâm của Bộ Chính trị sẽ đến cùng những sự kiện mà dư luận quan tâm và phải trả lời cho đúng”, ông Nghĩa nói thêm.
Được biết, Út “trọc” tên thật là Đinh Ngọc Hệ (46 tuổi, quê Ninh Bình, ngụ Q.2, TP.HCM), cấp bậc thượng tá, công tác tại Bộ Quốc phòng. Năm 2013, ông Hệ làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (trụ sở trên đường Phùng Khắc Khoan, Q.1). Tháng 3.2016, ông Hệ được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng (trụ sở trên đường 3 Tháng 2, Q.10) nhưng đến đầu năm 2017, ông Hệ rời khỏi Tổng công ty Thái Sơn.
Hoàng Sơn - Nguyên Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.