Phúc thẩm đại án Huyền Như giai đoạn 2: Bác kháng cáo yêu cầu VietinBank bồi thường

30/05/2018 11:47 GMT+7

Tòa phúc thẩm đại án Huyền Như giai đoạn 2 nhận định kháng cáo của 4 nguyên đơn dân sự đề nghị VietinBank bồi thường là không có cơ sở, từ đó bác kháng cáo.

Sáng 30.5, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank chi nhánh TP.HCM) và bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè), theo kháng cáo của bị cáo Tuấn và 4 nguyên đơn dân sự, sau 2 ngày xét xử (từ 28.5).
Bị cáo Võ Anh Tuấn không có tình tiết giảm nhẹ mới
Theo đó, bị cáo Võ Anh Tuấn kháng cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét mức án (7 năm tù - PV) vì cho rằng nếu không có Tuấn, bị cáo Như vẫn thực hiện hành vi phạm tội; đồng thời, theo luật sư bào chữa cho Tuấn, thì cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi 1 hành vi nhưng xét xử 2 lần đối với Tuấn.
Cấp phúc thẩm nhận định hành vi của Tuấn giúp sức Như chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên 200 tỉ đồng chưa được xét xử ở giai đoạn 1 nên không thể nói là một hành vi xét xử 2 lần; Tuấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không có tình tiết giảm nhẹ mới.
Từ đó, tòa phúc thẩm nhận định tòa sơ thẩm tuyên Tuấn mức án 7 năm tù là phù hợp, tổng hợp với hình phạt ở giai đoạn 1, tòa phúc thẩm tuyên y án 27 năm tù đối với Tuấn. 
Huyền Như bồi thường, không phải VietinBank
Về trách nhiệm dân sự, án sơ thẩm tuyên Như phải bồi thường cho 5 nguyên đơn dân sự với số tiền 1.085 tỉ đồng. Sau bản án sơ thẩm (đại án Huyền Như giai đoạn 2 - PV), 4 nguyên đơn dân sự gồm Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Đầu tư và thương mại An Lộc đã kháng cáo, đề nghị Vietinbank phải là bên bồi thường.
Các nguyên đơn dân sự này cho rằng họ gửi tiền hợp pháp vào VietinBank và tiền đã được hạch toán vào hệ thống của ngân hàng. VietinBank đã có lỗi khi quản lý tiền của khách hàng, lỏng lẻo trong quản lý nhân viên để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, nên ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường.
4 nguyên đơn dân sự này cũng cho rằng các thỏa thuận về tiền môi giới, lãi suất ngoài là các quan hệ dân sự, không thể nói rằng khách hàng bỏ một số tiền lớn gửi tại VietinBank rồi vì thỏa thuận "ngầm" với Huyền Như mà bỏ mặc để Huyền Như chiếm đoạt được.
HĐXX phúc thẩm nhận định các công ty đều thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Huyền Như ở ngoài trụ sở VietinBank về việc nhận hoa hồng, thỏa thuận gửi tiền lãi suất cao; vì lợi ích riêng của mình đã để mặc Huyền Như sử dụng tài sản của mình, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, do Huyền Như phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm bồi thường, nên kháng cáo của 4 nguyên đơn dân sự đề nghị VietinBank bồi thường là không có cơ sở chấp nhận. 
Huỳnh Thị Huyền Như không kháng cáo mức án sơ thẩm (tù chung thân - PV). Trước đó, ở giai đoạn 1 của vụ án, năm 2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên Như án chung thân về hành vi chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.