Quản lý chó nuôi như thế nào?

22/09/2009 00:29 GMT+7

Từ ngày 19.9, người nuôi chó phải thực hiện đăng ký với UBND cấp xã, phường và được cấp sổ quản lý theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - nhưng trên thực tế thì ngay cả người nuôi chó muốn thực hiện cũng không biết phải làm sao. Trong khi đó, những giống chó dữ được nhập về rất dễ dàng và ngày một nhiều.

Chó dữ về Sài Gòn

Giới chơi chó ở TP.HCM cập nhật khá nhanh những vật nuôi du nhập từ nước ngoài. Nếu trước kia các loại chó được ưa thích là Berger, chó Fox, Chihuahua, Bulldog... thì dạo gần đây, giống chó được người nuôi chú ý nhiều là loại chó Bully nhập từ Mỹ hoặc Thái Lan. Đây là giống chó được lai từ chó đấu Pit Bull của Mỹ với loài Bulldog, mục đích là giữ được ngoại hình hết sức “hầm hố”, nhưng bớt hung hãn hơn Pit Bull nguyên thủy.

Anh N.Q.C, người từng có nhiều kinh nghiệm nuôi chó Bully tại Mỹ cho biết: “Ở Mỹ, giới nuôi Bully nhiều nhất là dân xã hội đen, vì loài chó này có thể chống được chó nghiệp vụ của cảnh sát. Mặc dù Bully đã được lai tạo để cho bớt tính hung hãn, nhưng cơ bản khả năng chiến đấu của nó rất cao, nhạy cắn và lực cắn của nó có thể mạnh hơn cả chó berger. Tuy nhiên nó cũng rất hòa đồng, thân thiện tùy vào cách nuôi”.

Cá nhân, tổ chức muốn nuôi chó, mèo phải đăng ký với trưởng thôn (ấp) hoặc tổ trưởng tổ dân phố để lập danh sách trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý chó. Trong cuốn sổ này phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông, ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng, số lô vắc-xin... Nuôi 5 con trở lên, chủ gia đình sẽ phải có tờ trình về điều kiện nuôi và được cơ quan thú y địa phương xác nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Chủ nuôi chó phải chịu mọi trách nhiệm khi để chó thả rông, cắn người, hay phóng uế làm ô nhiễm môi trường công cộng. Bồi thường về sức khỏe, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra cho người bị hại trực tiếp và cộng đồng. Trường hợp chủ vật nuôi để chó chạy rông cắn người hoặc gây tai nạn giao thông, phải chịu mọi chi phí điều trị, nếu gây chết người thì ngoài bồi hoàn các chi phí điều trị, chủ nuôi còn phải có trách nhiệm vật chất trong việc tổ chức chôn cất, và các khoản liên quan cho hậu quả mà người chết để lại.

(Trích Thông tư số 48 Hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật do Bộ NN-PTNT ban hành ngày 4.8 )

Ông Nguyễn Văn Lãng, người từng được mệnh danh là “nuôi chó số 1 Sài Gòn”, thông báo: “Xu hướng người nuôi chó chuyển sang các loại chó dữ đang rộ lên, mục đích là vừa có loài vật nuôi lạ, nhưng cũng nhằm mục đích có được con vật sẵn sàng bảo vệ chủ khi nguy hiểm. Chó Pit Bull và hậu duệ là Bully có thể gọi là chó dữ, 2 con Bully có thể sánh ngang với con cọp, vì nó rất khỏe, da dày, cấu trúc hàm răng đặc biệt nên nó đã cắn rồi là không nhả. Một số bang tại Mỹ đã cấm nuôi Pit Bull, loài chó tổ tiên của Bully, vì tính hung dữ của nó. Bully đã được lai tạo cho hiền đi, nhưng bản tính thì khó mà biến mất hoàn toàn”.

Nhưng không chỉ có Bully, chó đấu Pit Bull cũng đã được nhập về VN còn số lượng bao nhiêu thì không thể thống kê được. Một thành viên trên diễn đàn Arowana cho biết: “Hiện nay giá chào bán chó Pit Bull sơ sinh khoảng 300-400 USD/con,còn chó Bully khoảng 1.000 USD/con”.

Ai quản lý?

Theo những người thâm niên trong lĩnh vực nuôi chó, việc nhập khẩu chó ngoại về hoàn toàn dễ dàng. Chỉ khi nhập từ 3 con trở lên mới thực hiện khai báo nhưng cũng không có vướng mắc gì.

Anh N.Q.C cho biết: “Thật tình tôi có nghe phong thanh là nuôi chó trên 5 con thì phải đăng ký, nhưng không biết đăng ký cho ai, đăng ký ở đâu, hoàn toàn không có hướng dẫn gì cụ thể, nên người nuôi chưa tuân thủ đúng quy định được”.

Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật (Chi cục Thú y TP.HCM), hiện trên toàn địa bàn thành phố ước tính có 207.699 con cả chó lẫn mèo với 119.415 hộ nuôi, tập trung chủ yếu ở ngoại thành. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ngành thú y TP.HCM kiểm soát được. Số lượng chó, mèo “ngoài vòng pháp luật” là một thách thức đối với việc kiểm soát loại thú cưng này.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã triển khai Thông tư 48/2009 với nội dung được nhiều người quan tâm là kể từ ngày 19.9, người nuôi chó phải thực hiện đăng ký với UBND cấp xã, phường và được cấp sổ quản lý. Theo ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, quy định như vậy để chấn chỉnh tình trạng buôn bán tự do của các chủ kinh doanh chó, không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo điều kiện cho ổ dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Trung bình, mỗi năm có trên 500.000 người bị chó cắn; riêng từ năm 2002 đến nay, cả nước có tới 616 người chết do bị chó dại cắn.

Phường xã bó tay!

Trên thực tế, Thông tư 48 đã bắt đầu có hiệu lực nhưng đang gặp khá nhiều vướng mắc. Chiều qua, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát các địa bàn nội thành TP.HCM, thì tình hình triển khai thực hiện thông tư này vẫn đang “án binh bất động”.

“Từ trước đến nay đây là chuyện của thú y, nay phường, xã phải gánh vác thêm việc quản lý chó thì đào đâu ra người thực hiện. Vả lại đảm nhiệm chuyện này cũng phải có trình độ chuyên môn, đâu dễ...” - một lãnh đạo xã thuộc huyện Củ Chi lo lắng. Chủ tịch UBND một phường khác thì lại băn khoăn: “Bảo người của phường đi bắt chó chạy rông, lỡ bị cắn thì sao? Đâu có ai có nghiệp vụ mà chịu đi. Mặt khác bắt chó về thì nhốt ở đâu? Từ trước đến giờ trụ sở phường đâu có thiết kế chỗ nhốt chó, mèo. Rồi chuyện xử phạt thế nào, cũng chưa quy định rõ”.

Anh Đ.L.H.M, một cán bộ thú y phụ trách tiêm ngừa bệnh dại tại Q.Bình Thạnh và Gò Vấp (TP.HCM) cho biết: “Hiện nay người nuôi chó, mèo chưa quan tâm chuyện tiêm phòng và quản lý vật nuôi tốt nên nguy cơ xảy ra chó cắn người và lây truyền dịch bệnh rất cao. Một ví dụ nhỏ là đã có quy định khi dẫn chó ra đường phải rọ mõm lại, nhưng đến nay có thấy ai thực hiện đâu”.

Cần có thời gian!

Tại Hà Nội, nhiều nơi vẫn chưa tổ chức triển khai thực hiện các quy định trong Thông tư 48. Ông Cấn Xuân Bình - Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội - cho biết: “Sở NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện triển khai thực hiện quản lý, giám sát đàn chó trên địa bàn. Tất cả các trạm trưởng trạm thú y cũng đã được phổ biến nội dung thông tư và văn bản hướng dẫn kế trên. Tuy nhiên, cần phải có thời gian thì chính sách mới ban hành mới đi vào cuộc sống. Cái khó của chúng tôi là ở các huyện ngoại thành, nhất là tại Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì... số hộ nuôi chó rất nhiều, mỗi hộ nuôi vài ba con trong khi nhận thức của người dân về vấn đề quản lý chó, giám sát bệnh dại trên đàn chó còn hạn chế. Vì thế, bước đầu chúng tôi phải tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức rồi mới tính đến chuyện xử lý được”.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết: “Thông tư chưa quy định chế tài đối với chủ nuôi không đăng ký quản lý chó mà theo tôi mới chỉ dừng lại ở mức truyền thông để người dân cảm thấy đúng và làm theo thôi. Chúng tôi tiếp thu và sẽ khắc phục bằng cách bổ sung các quy định liên quan trong một văn bản khác”.

Q.Duẩn

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.