Như Thanh Niên thông tin, thời gian qua dư luận trong và ngoài ngành GD-ĐT rất bức xúc khi một số bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 mới đưa vào giảng dạy hơn một tháng đã gặp nhiều phân tích phản ảnh các bất hợp lý, nhiều “hạt sạn” từ từ ngữ đến ngữ liệu giảng dạy.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định (HĐTĐ) SGK môn tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung SGK môn tiếng Việt lớp 1.
Hội đồng thẩm định không thể không liên can
Trao đổi với Thanh Niên ngày 12.10, GS Trần Đình Sử, Chủ tịch HĐTĐ SGK tiếng Việt lớp 1 cho biết trong quá trình thẩm định, một số vấn đề dư luận phản ứng về SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều hiện nay đã từng được HĐTĐ góp ý và đề nghị tác giả điều chỉnh. "Tuy nhiên, tác giả sách đã bảo lưu quan điểm", GS Sử cho hay.
Bạn đọc (BĐ) cho rằng việc để một cuốn sách đầy "sạn" như vậy đem dạy cho HS lớp 1 thì trách nhiệm của HĐTĐ không nhỏ. "Trách nhiệm này thuộc về HĐTĐ. Cho hay không cho bộ sách lưu hành ít nhất phải có ý kiến của họ", BĐ Phuc Thang ý kiến.
"Bộ SGK khi được ban hành, nó là một sản phẩm. Một con đường khi xây dựng xong đưa vào sử dụng cũng là một sản phẩm. Thực tế con đường khi sử dụng có sai sót, hư hỏng thì phải sửa, phải quy trách nhiệm, thậm chí phải xử lý người xây dựng, người có trách nhiệm... Vậy bộ SGK thì sao, ai là người chịu trách nhiệm vì có người làm ra nó, có người kiểm định, đánh giá, người cho phép ban hành sử dụng?", BĐ L.D.Minh đặt vấn đề.
Tương tự, BĐ Lam Nguyen cho rằng: "Hình như ngày càng có nhiều từ ngữ, cụm từ được đưa ra để vừa ý tất cả mọi người, sợ mất lòng nhau. "Đạt nhưng cần phải sửa", nhìn thấy tiêu chí đánh giá như thế là mọi người có quyền nghi ngờ rồi. Nếu đạt thì không cần sửa, nếu cần sửa là không đạt. Tiêu chí mà còn chưa rõ ràng thì thẩm định làm thế nào rõ được. HĐTĐ có ý kiến nhưng không được tiếp thu thì phải báo cáo từ trước chứ đâu thể để mọi chuyện bị phản ứng rồi mới né trách nhiệm như thế".
"Đạt hoặc không đạt, chứ làm gì có chuyện đạt mà phải chỉnh sửa. Các bé mới lớp 1 mà các tác giả lại bắt phải hiểu như người lớn thì quá khả năng rồi", BĐ Huong Nguyen bức xúc.
Trong khi đó, BĐ Minh đề nghị: "Có thể nào thay hội đồng rà soát khác, là những người không tham gia thẩm định hay không? Nguyên tắc là anh vừa làm vừa kiểm tra lại thì sẽ không ra lỗi, bởi nếu thấy lỗi thì anh đã thấy ngay từ lúc kiểm định rồi".
Mạnh dạn thu hồi nếu không ổn
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD-ĐT, cho rằng: SGK phổ thông, đặc biệt là tiểu học và lớp 1 thì cần viết hết sức gần gũi, đơn giản và dễ hiểu. Tránh đưa những chuyện phỏng theo truyện nước ngoài vào giảng dạy cho HS trong khi ngữ liệu, các nhân vật, danh nhân, trong nước rất nhiều chuyện hay, câu từ phong phú.
“Theo tôi, Bộ GD-ĐT và HĐTĐ nên rà soát kỹ lưỡng, nên loại bỏ những bài không phù hợp, gây quá nhiều phản ứng ra khỏi SGK, thay thế bằng những ngữ liệu phù hợp hơn”, ông Vinh đề nghị.
"Chúng tôi đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Vinh và đề nghị Bộ GD-ĐT nên làm ngay, không chậm trễ", BĐ Thiên Ân nêu quan điểm. Trong khi đó, BĐ Nguyen Tho góp ý: "Ngoài chỉnh lý thì cũng nên bỏ đi những bài quá khả năng của trẻ".
Tương tự, BĐ Trí Nhân cho rằng: "Nếu sau khi HĐTĐ rà soát lại thấy không ổn thì Bộ GD-ĐT quyết liệt cho thu hồi bộ sách đó. Quan trọng nhất vẫn là tương lai con em chúng ta. Trước mắt, ban soạn thảo SGK lớp 1, bộ sách Cánh Diều cần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý của dư luận, giới chuyên môn để chỉnh sửa, loại bỏ những "hạt sạn" trong đó".
Những "hạt sạn" thế này thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đề nghị phải quy trách nhiệm rõ ràng.
Nhạc
Trước khi đưa SGK lớp 1 vào trường đã có cả một HĐTĐ vậy mà không phát hiện các lỗi sơ đẳng, để sai sót xảy ra.
Thái
|
Bình luận (0)