Quảng Nam: Loay hoay đóng cửa mỏ vàng

11/01/2021 11:38 GMT+7

Doanh nghiệp khai thác mỏ vàng Bồng Miêu tuyên bố phá sản, tỉnh Quảng Nam cũng bố trí ngân sách để đóng cửa mỏ vàng, nhưng gần 4 năm qua đề án này vẫn chưa hoàn tất…

Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (gọi tắt là Công ty vàng Bồng Miêu) được Bộ Công nghiệp nặng cấp phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam) từ năm 1992, đến năm 2016 giấy phép hết hạn. Tháng 7.2017, Bộ TN-MT phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ đóng cửa mỏ vàng này, năm 2018 TAND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành quyết định mở thủ tục phá sản và doanh nghiệp để lại món nợ rất lớn: hơn 1.200 tỉ đồng. Chưa kể các hệ lụy về môi trường…
Kể từ đó đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ TN-MT khẩn trương hoàn tất các thủ tục để đóng cửa mỏ. HĐND tỉnh Quảng Nam từng thông qua nghị quyết về việc bố trí ngân sách để thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với kinh phí hơn 19 tỉ đồng (trong đó sử dụng gần 6,5 tỉ đồng do doanh nghiệp ký quỹ cải tạo phục hồi môi trườngg, còn lại là ngân sách tỉnh). Tuy nhiên, gần 4 năm qua, mỏ vẫn chưa “đóng” được.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho biết trên thực tế Công ty vàng Bồng Miêu được cấp 365 ha, nhưng do không đủ năng lực quản lý, bảo vệ phần diện tích được cấp nên có hàng trăm người dân vào làm vàng trái phép.
Hậu quả để lại rất nghiêm trọng: sông suối ô nhiễm (từ hóa chất khai thác vàng), nạn ma túy, trộm cướp, tranh giành địa bàn, cháy nổ... Theo ông Vinh, sau khi tuyên bố phá sản, công ty hầu như không có một hoạt động nào để khắc phục hiện trạng, hoàn thổ môi trường đối với 230 ha khai thác lộ thiên. Hệ thống hầm vàng, đường vào lò vẫn còn nguyên đó và có thể sập bất cứ lúc nào. Nhiều năm nay, đã có hàng chục vụ sập hầm vàng khiến hàng chục người chết.

Xin khai thác tiếp?

Ông Nguyễn Thế Vinh cũng đặt vấn đề, nếu Bộ TN-MT cho phép nhà đầu tư mới đến thăm dò, đánh giá trữ lượng còn lại, làm cơ sở cấp phép khai thác trở lại thì quá tốt và nên thực hiện sớm. “Nhưng với điều kiện là phải đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác và giải quyết việc làm cho người dân địa phương”, ông Vinh nói.

Khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, “vàng tặc” đưa cả máy móc vào khu mỏ cũ

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Đến giữa đầu tháng 9.2020, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Bộ TN-MT đề nghị xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu mới để thực hiện thăm dò, đánh giá trữ lượng còn lại, làm cơ sở cấp phép khai thác thay vì đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. “Việc này nhằm tránh lãng phí khi sử dụng ngân sách địa phương hơn 12,6 tỉ đồng và số tiền hơn 6,4 tỉ đồng ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của Công ty vàng Bồng Miêu để đóng cửa mỏ”, công văn nêu rõ.
Theo UBND tỉnh, việc quản lý khoáng sản vàng trong thực tế chỉ thực sự hiệu quả khi có một doanh nghiệp được cấp phép đứng ra tổ chức, thăm dò, khai thác và quản lý mỏ, ngăn chặn được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép từ các đối tượng bên ngoài, tránh thất thoát tài nguyên, tăng thu cho ngân sách nhà nước và giảm bớt kinh phí địa phương trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản...
Tuy nhiên, sau đó Bộ TN-MT đã viện dẫn Điều 73 Luật Khoáng sản năm 2010 để khẳng định mỏ vàng Bồng Miêu “thuộc trường hợp phải đóng cửa” do giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn, tổ chức được cấp phép khai thác đã phá sản. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ TN-MT xem xét, quyết định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản mỏ vàng Bồng Miêu... Vấn đề chọn nhà đầu tư thăm dò, khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu “sẽ được xem xét sau khi hoàn thành việc đóng cửa mỏ theo quy định”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, giải thích thêm: “Bản chất đóng cửa mỏ là không phải đóng vĩnh viễn. Nếu đóng mà không quản lý chặt thì “vàng tặc” cũng sẽ lén lút vào khai thác. Đây là tài nguyên thiên nhiên của đất nước nên cần có một đơn vị vào quản lý khai thác”. Cũng theo ông Bửu, đóng cửa mỏ xong vẫn kêu gọi đầu tư bình thường.
Đáng chú ý, cho dù HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua nghị quyết bố trí ngân sách để thực hiện đề án đóng cửa mỏ, nhưng vì mỏ vàng Bồng Miêu do Bộ TN-MT quản lý nên theo luật ngân sách Nhà nước thì… cấp này không thể chi tiền cho cấp kia. Ông Hồ Quang Bửu cho biết thêm, dự kiến ngày 13.1, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ làm việc với Bộ TN-MT để có phương án sớm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.

Đánh sập các hầm vàng trong Vườn quốc gia Sông Thanh

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vừa chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch đánh sập các hầm vàng ở Vườn quốc gia Sông Thanh (gần 77.000 ha) thuộc địa bàn 2 huyện Phước Sơn, Nam Giang để bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng, phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh trật tự… Kế hoạch, phương án “đánh sập hầm vàng” phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 23.1. Theo ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, dự kiến hôm nay (11.1) đơn vị thông qua kế hoạch và đến ngày 13.1 sẽ báo cáo lấy ý kiến 2 địa phương Phước Sơn, Nam Giang rồi mới báo cáo UBND tỉnh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.