Quốc hội lo thất thoát tài sản, đất công

21/05/2018 10:39 GMT+7

Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng 21.5, Uỷ ban Kinh tế đặc biệt lo ngại về tình trạng tài sản công thất thoát qua một số vụ việc vừa bị phát hiện.

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018 do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Khanh trình bày cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại.

Cụ thể, trong năm 2017, ngân sách T.Ư hụt thu, không thực hiện được vai trò chủ đạo; tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương. Thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững, thu từ cả 3 khối doanh nghiệp đều thấp so với dự toán và số đã báo cáo Quốc hội. Uỷ ban Kinh tế đề nghị đánh giá sâu hơn về sự bền vững của tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, môi trường kinh doanh thời gian qua có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng, số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn thấp. Tính kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước chưa hiệu quả, việc thu hút doanh nghiệp lớn cũng chưa đem lại nhiều hiệu ứng lan tỏa.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Uỷ ban Kinh tế đánh giá việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự. Do đó, ủy ban này đề nghị Chính phủ báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán tài sản nhà nước.

“Cần phải chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương, nhất là các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, công tác quản lý và sử dụng đất công của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Có giải pháp để thị trường bất động sản vận hành ổn định, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án phát triển nhà ở, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng…”, đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.