(TNO) Mỹ vừa điều động một trong số những tàu ngầm hạt nhân tối tân của nước này đến cảng chiến lược Subic ở Philippines.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles mang tên USS Chicago (SSN 721) - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles mang tên USS Chicago (số hiệu SSN 721) đã đến Vịnh Subic, Philippines vào ngày 3.8, chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 4.8 dẫn thông tin từ Đại sứ quán Mỹ ở Philippines.
Vịnh Subic từng là nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ trước khi Philippines đóng cửa căn cứ này vào năm 1992.
USS Chicago là chiếc tàu ngầm của Mỹ đầu tiên được thiết kế với hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết trong một thông cáo về chuyến thăm của tàu ngầm này đến Vịnh Subic. Tàu ngầm USS Chicago dài 109 m và có lượng choán nước 7.000 tấn khi lặn. Tàu ngầm này chở được tối đa 170 thủy thủ, có thể hỗ trợ nhiều sứ mạng khác nhau, bao gồm tình báo, trinh sát, săn ngầm, chống tàu nổi và tấn công đất liền, theo Đại sứ quán Mỹ tại Philippines.
USS Chicago sắp tới sẽ được triển khai đến đảo Guam của Mỹ để thực hiện những sứ mạng ở Thái Bình Dương. Hồi tháng 3.2015, tàu ngầm này từng ghé thăm cảng Changi, Singapore.
Việc tàu ngầm hạt nhân USS Chicago đến Vịnh Subic là điều đáng chú ý sau khi Philippines cho đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ tại vịnh này vào năm 1992, và Manila chuyển nơi này thành một khu thương mại và công nghiệp, theo The National Interest.
Hồi tháng 7, quân đội Philippines đã chính thức tuyên bố mở lại căn cứ hải quân cũ ở Vịnh Subic. Lúc bấy giờ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Galvez cho hay: “Đây là một vị trí chiến lược”.
Quân đội Philippines lên kế hoạch triển khai tàu chiến và máy bay quân sự đến căn cứ ở Vịnh Subic để tuần tra Biển Đông.
Hồi năm 2014, Mỹ và Philippines đã ký một thỏa thuận quân sự mới cho phép quân đội Mỹ sử dụng một số căn cứ của Philippines. Việc Mỹ điều tàu ngầm USS Chicago đến Philippines diễn ra giữa lúc Ngoại trưởng Mỹ đến Malaysia tham dự Diễn đàn an ninh khu vực Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 5.8 cho biết ông kỳ vọng Trung Quốc và các nước láng giềng đạt được giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trước đó, lãnh đạo các nước ASEAN ngày 4.8 nhất trí thực hiện tự kiềm chế, tránh những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc đang tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Mỹ và các quốc gia láng giềng.
Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough trên Biển Đông từ Philippines vào năm 2012 và lên kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại đây. Bãi cạn Scarborough nằm cách Vịnh Subic 193 km về phía tây.
Bình luận (0)