Siemens với hai tuyến metro ưu tiên
Từ năm 2002 đến nay, TP.HCM đã có những thành công nhất định trong việc tìm đối tác nước ngoài để xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Đó là dự án hai tuyến metro ưu tiên: Bến Thành - Tham Lương và Bến Thành - Bến xe Miền Tây, do Tập đoàn Siemens (CH Liên bang Đức) thực hiện. Báo cáo tiền khả thi hai tuyến metro ưu tiên TP.HCM đã được Chính phủ thông qua vào tháng 10/2004. Hiện nay cơ quan chức năng đang chuẩn bị các thủ tục liên quan để tiến hành khảo sát địa chất và hoàn chỉnh dự án trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2005. Tổng vốn đầu tư của hai tuyến metro này là 937 triệu USD.
Nguồn vốn dự kiến theo phương án tài chính của Siemens là vốn ngân sách thành phố, vốn vay ADB, vay ngân hàng Đức, vay ưu đãi Chính phủ Áo và vay ngân hàng thương mại. Ban chuẩn bị dự án đường sắt nội đô đã ký hợp đồng với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố lập đồ án quy hoạch khu vực depot (khu vực đậu tàu và các dịch vụ hậu cần) và khu tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa ở hai khu depot: Tham Lương (P.Tân Thới Nhất, Q.12) và Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Khoảng 25 tỉ đồng trong kế hoạch vốn năm 2005 đã được chuyển đến Q.12 để chi trả đền bù giải tỏa khu vực depot Tham Lương. Ở depot Tân Kiên, Hội đồng Đền bù huyện Bình Chánh đang thực hiện công tác điều tra hiện trạng, để tiến tới hiệp thương chi trả đền bù.
Nhật Bản và Nga cũng tham gia
Ban Kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS) đã nghiên cứu dự án tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên (Thủ Đức). Hiện nay, TP.HCM đã chuyển cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến là 625,8 triệu USD. Báo cáo đầu tư dự án đã được Chính phủ thông qua vào tháng 4/2005. Nguồn vốn theo phương án của JARTS là ngân sách thành phố và vốn vay Ngân hàng JBIC. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình, tuyến này có khả năng sẽ khởi công sớm hơn hai tuyến metro ưu tiên nói trên.
Dự án xây dựng tuyến metro từ Q.4 đến ngã sáu Gò Vấp được nghiên cứu dựa trên cơ sở hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực xây dựng metro vào năm 2003 giữa Bộ GTVT Việt Nam và Tổng công ty Tàu điện ngầm Matxcơva (Cộng hòa Liên bang Nga).
Tháng 5/2005, UBND thành phố và Tổng công ty Tàu điện ngầm Matxcơva đã ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình, để trình Chính phủ thông qua. Nguồn vốn tài chính theo phương án dự kiến của phía Nga là vốn ngân sách thành phố 173,32 triệu USD và vốn vay lãi suất 3%/năm là 279,16 triệu USD.
Đến năm 2020, TP.HCM có 6 tuyến metro Trên cơ sở nghiên cứu của JICA và của Tổng công ty Tàu điện ngầm Matxcơva, thành phố đang trình Thủ tướng Chính phủ thông qua quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống giao thông đô thị, giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong đó quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị gồm 6 tuyến tàu điện ngầm, với tổng chiều dài 107 km, trong đó giai đoạn 1 là 57,1 km. * Tuyến 1: Bến Thành - Suối Tiên. Ngoài ra còn có tuyến đường sắt trên cao (tuyến bám theo đường sắt quốc gia đến ga Sài Gòn, nối về miền Tây) và hệ thống xe điện mặt đất hoặc monorail, với tổng chiều dài khoảng 35 km, gồm các tuyến: Tuyến số 1 Bến phà Thủ Thiêm - Bến xe Miền Tây; tuyến số 2 đoạn ngã tư Quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Q.2 dài 14 km; tuyến số 3 đoạn Công viên Phần mềm Quang Trung - Nguyễn Oanh, dài 8,5 km. M.V |
Mai Vọng
Bình luận (0)