Quy Nhơn - 'Princeton' ở Việt Nam

09/02/2021 07:00 GMT+7

Lãnh đạo tỉnh Bình Định và GS Trần Thanh Vân đang từng bước xây dựng Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học mang tầm quốc tế với cốt lõi là Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa.

Nhiều lần trò chuyện với các bạn bè quốc tế đến dự hội nghị khoa học tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE - ở TP.Quy Nhơn), GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam - ở Pháp) bày tỏ mong muốn xây dựng Quy Nhơn trở thành “Princeton ở Việt Nam”. Theo GS Vân, Princeton (ở bang New Jersey, Mỹ) là nơi nhà khoa học Albert Einstein đến trú ngụ khi Adolf Hitler lên nắm chính quyền ở nước Đức. Ngày nay, Princeton được xem là một “thành phố đại học”, nơi có Viện Nghiên cứu Princeton danh tiếng cùng nhiều tổ chức khoa học, các doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng khoa học hàng đầu thế giới.

Nơi thu hút các nhà khoa học

Không ít các nhà khoa học quốc tế ủng hộ và tin tưởng GS Trần Thanh Vân thực hiện được nguyện vọng của mình ở Quy Nhơn. Bởi trước khi thành lập tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam) vào năm 1993, GS Vân cũng là người sáng lập, điều hành các tổ chức Gặp gỡ Moriond (năm 1966), Gặp gỡ Blois (năm 1989), qua đó đã tập hợp, kết nối hàng chục nghìn nhà khoa học khắp nơi trên thế giới. Trong đó, 16 nhà khoa học xuất sắc tham dự Gặp gỡ Moriond và sau đó đã đoạt giải Nobel. Những người đồng hành với GS Vân khi ông sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam cũng là những nhà khoa học từng dự Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các giáo sư từng đoạt giải Nobel: Kurt Wüthrich (bìa trái), Jerome Friedman, Finn E.Kydland (bìa phải) tại ICISE ẢNH: ICISE

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các giáo sư từng đoạt giải Nobel: Kurt Wüthrich (bìa trái), Jerome Friedman, Finn E.Kydland (bìa phải) tại ICISE

ẢNH: ICISE

Nhờ sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng bạn bè khoa học quốc tế, Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức khánh thành ICISE vào tháng 8.2013. Từ đó đến nay, trung tâm này đã thu hút 15 giáo sư đoạt giải Nobel cùng hàng ngàn giáo sư, nhà khoa học danh tiếng thế giới dự các hội nghị khoa học tại Bình Định. Đặc biệt, nhiều giáo sư đoạt giải Nobel đã đến và trở lại Quy Nhơn nhiều lần, như Jerome Friedman (Nobel Vật lý năm 1990), Gerard ‘t Hooft (Nobel Vật lý năm 1999), David Gross (Nobel Vật lý năm 2004), Finn E.Kydland (Nobel Kinh tế năm 2004)… Đáng lưu ý, GS Barry Barish dự hội nghị khoa học nhân dịp khánh thành ICISE vào năm 2013 và đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 2017; GS Michel Mayor đến ICISE năm 2014, đoạt giải Nobel Vật lý năm 2019. Nhiều giáo sư gốc Việt nổi tiếng trên thế giới cũng đến dự hội nghị tại ICISE như: GS Ngô Bảo Châu (Huy chương Fields), GS Đàm Thanh Sơn (Huy chương Dirac), GS Lưu Lệ Hằng (giải thưởng Kavli), GS Trịnh Xuân Thuận, GS Phạm Quang Hưng… Đây là chuyện chưa từng xảy ra ở một thành phố nào khác tại khu vực Đông Nam Á.
Nơi này hấp dẫn nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đã đem những tiến bộ khoa học mới nhất của thế giới đến Việt Nam, đồng thời tạo được cho sinh viên và những nhà nghiên cứu Việt Nam cơ hội hợp tác, tương tác với các nhà khoa học nước ngoài. Từ đó giúp khoa học Việt Nam phát triển, tiến gần với trình độ của thế giới
Giáo sư Jerome Friedman
Năm 2015, lần đầu đến Quy Nhơn dự Gặp gỡ Việt Nam, GS Jerome Friedman đề xuất thành lập một viện nghiên cứu khoa học cơ bản quốc tế, với mục tiêu làm cầu nối khoa học Việt Nam với thế giới và thu hút các nhà khoa học trẻ của Việt Nam lẫn quốc tế về làm việc, qua đó phát huy nguồn chất xám của hàng nghìn nhà khoa học đến ICISE mỗi năm. Ngay trong năm, Viện Nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE - trực thuộc ICISE) được thành lập. Hiện IFIRSE có 2 nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết và Vật lý hạt cơ bản neutrino.
Ngày 6.5.2018, trong chuyến thăm và làm việc tại ICISE, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương, nguyên tắc để Bình Định xây dựng một đô thị khoa học và giáo dục. “Thành phố khoa học chưa có ở Việt Nam nhưng Bình Định đi trước một bước là mạnh dạn, là đột phá lớn để có thể quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, góp phần thúc đẩy khoa học nước nhà”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lần thứ 3 đến Quy Nhơn tham dự Gặp gỡ Việt Nam (năm 2018), GS Jerome Friedman đã phát biểu rằng ICISE hoàn toàn có tiềm năng để trở thành trung tâm khoa học của Việt Nam. Nơi đây đã thu hút rất nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về dự các sự kiện khoa học và liên hệ với các sinh viên Việt Nam. Nếu tiếp tục đầu tư như tỉnh Bình Định đã quy hoạch, khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa sẽ thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới.
“Nơi này hấp dẫn nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đã đem những tiến bộ khoa học mới nhất của thế giới đến Việt Nam, đồng thời tạo được cho sinh viên và những nhà nghiên cứu Việt Nam cơ hội hợp tác, tương tác với các nhà khoa học nước ngoài. Từ đó giúp khoa học Việt Nam phát triển, tiến gần với trình độ của thế giới”, GS Jerome Friedman phát biểu.

Đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, từ cốt lõi ban đầu là ICISE, tỉnh quy hoạch xây dựng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa có quy mô 242 ha và Khu đô thị trí tuệ nhân tạo Long Vân quy mô khoảng 150 ha tại TP.Quy Nhơn. Đây là cơ sở để tỉnh Bình Định thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững và lâu dài cho địa phương. “Phát triển khoa học, du lịch khoa học là một hướng đi đặc biệt của Bình Định dựa trên nền tảng và tiềm năng của ICISE cùng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa mang lại. Đây là một lợi thế và đặc trưng mà khó có một địa phương nào trên cả nước có được”, ông Dũng nói.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (giữa), thăm Công viên sáng tạo TMA Bình Định ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (giữa), thăm Công viên sáng tạo TMA Bình Định

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa được quy hoạch gồm 3 phân khu: Khu hội tụ khoa học (ICISE, viện nghiên cứu, trường kỹ sư chất lượng cao...), Khu công viên khoa học và trung tâm phần mềm (gồm các hoạt động vui chơi khoa học, nhà mô hình vũ trụ, nhà nghiên cứu phần mềm...), Khu tái định cư và biệt thự nghỉ dưỡng của các chuyên gia. Đến nay, ngoài ICISE đã đi vào hoạt động, tỉnh Bình Định và Hội Gặp gỡ Việt Nam cũng sắp khánh thành Trung tâm khám phá khoa học tại Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa. Tháng 9.2020, Công ty giải pháp phần mềm Tường Minh Bình Định (TMA Bình Định) cũng tổ chức khai trương Công viên sáng tạo TMA Bình Định với quy mô 15 ha tại khu đô thị này.
Theo TS Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc ICISE, Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa sẽ là điểm nhấn đặc biệt để đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học. Trong đó, ICISE sẽ là nơi gặp gỡ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, làm nhiệm vụ thu hút chất xám, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. Trung tâm khám phá khoa học sẽ là nơi nuôi dưỡng, vun đắp tình yêu khoa học cho thế hệ trẻ. Các viện nghiên cứu tại ICISE và khu đô thị khoa học Quy Hòa, các trường đào tạo chất lượng cao tại Quy Nhơn hình thành trong tương lai sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ không chỉ cho tỉnh Bình Định mà còn cho cả nước.
Hiện nay, TP.Quy Nhơn đã thu hút được nhiều công ty công nghệ, những nhà đầu tư lớn, trong đó có các dự án của Công ty TMA Bình Định, Trung tâm công nghệ AI do Tập đoàn FPT đầu tư tại khu Long Vân, Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định… Từ đó, có thể nhận ra Quy Nhơn đang dần trở thành điểm đến của khoa học và công nghệ, là nơi đi đầu trong phát triển, sản xuất, xuất khẩu sản phẩm trí tuệ nhân tạocông nghệ phần mềm ở Việt Nam.

“Quả ngọt” đầu tiên

Ngày 16.4.2020, Thí nghiệm quốc tế T2K (ở Nhật Bản) công bố công trình nghiên cứu với tên gọi “Ràng buộc tham số pha vi phạm đối xứng vật chất - phản vật chất trong dao động neutrino” trên tạp chí Nature, trong đó các nghiên cứu viên của IFIRSE (trực thuộc ICISE) đứng tên đồng tác giả với những đóng góp khoa học trong công trình khoa học trình độ cao này.
Ngoài nước chủ nhà Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tham gia thí nghiệm trên. Và đây cũng là lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu vật lý Việt Nam ở trong nước được tham gia đồng tác giả công bố một công trình nghiên cứu khoa học mang tính chất đột phá về vật lý neutrino thực nghiệm trên tạp chí Nature. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.