Dịch bệnh diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, lan rộng
Theo ông Long, từ ngày 24.7, với bệnh nhân 416 tại Bệnh viện Đà Nẵng, dịch Covid-19 đã xuất hiện trở lại tại Việt Nam sau 99 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng.
“Từ đó tới nay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và khả năng có thể lan rộng ra một số địa phương khác”, ông Long thông tin.
“Tới thời điểm hiện nay, đã có gần 10 địa phương có các ca nhiễm. Sáng nay, đã có thêm Lạng Sơn, Bắc Giang trong danh sách các địa phương có các ca nhiễm Covid-19”, quyền Bộ trưởng Y tế nói.
Theo công bố chính thức của Bộ Y tế, hiện có 9 địa phương có các ca nhiễm Covid-19 liên quan tới Đà Nẵng, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ngãi, Thái Bình, Đắk Lắk, Hà Nam và Đồng Nai.
Cũng theo ông Long, ngay từ khi dịch quay trở lại, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.
“Bộ Y tế đã đưa một lực lượng chưa có tiền lệ của ngành y tế vào hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam với tinh thần kiên quyết khống chế dịch tại Đà Nẵng thành công”, ông Long nói và cho biết, Bộ Y tế đã lập Bộ Chỉ huy tiền phương để điều hành công tác chống dịch tại Đà Nẵng, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp chỉ đạo.
Thúc đẩy sản xuất thiết bị y tế chống dịch ngay trong nước
Ông Long cũng khẳng định, thời gian qua, các ngành, các cấp, cá nhân, doanh nghiệp đã giúp đỡ Chính phủ, Bộ Y tế rất nhiều, từ trang thiết bị, thuốc men, kể cả những vật dụng sử dụng hàng ngày.
Liên quan việc tiếp nhận 500 máy thở MV20 của 2 nhà tài trợ Đại học Văn Lang và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày hôm nay, ông Long khẳng định đây là món quà hết sức có ý nghĩa.
|
"Một trong những khó khăn lớn nhất trong đại dịch là đứt gãy chuỗi cung ứng. Khi chúng ta có thể có tiền nhưng không mua được. Đó là máy thở. Vì vậy, một số tập đoàn tổ chức sản xuất tại Việt Nam”, ông Long nói và cho biết, máy thở MV20 đã được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm ở các bệnh viện T.Ư và của Bộ ở cả miền Bắc và miền Nam, có thể sử dụng trong phòng, chống dịch và cả điều trị bệnh nhân sau này.
Cũng theo ông Long, việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được máy thở trong nước cho thấy chúng ta có đầy đủ tri thức, kinh nghiệm, năng lực có thể thúc đẩy sản xuất trang thiết bị y tế tại Việt Nam.
"Bộ Y tế đang gấp rút phối hợp với các đơn vị đánh giá lại việc sản xuất trang thiết bị y tế trong nước để đưa ra chương trình khuyến khích theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Làm thế nào chúng ta sản xuất được nhiều thiết bị hơn nữa phục vụ phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân. Đây là những thiết bị lâu nay vẫn nhập ở nước ngoài. Máy thở là một ví dụ”, ông Long nói thêm.
Bình luận (0)