Sáng 10.6, thảo luận tại tổ về luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt đến việc dự thảo bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Mô hình này được lý giải nhằm giải quyết việc người lao động (NLĐ) bị doanh nghiệp (DN) lừa đảo, phải "đút lót", qua cò mồi mới được đi xuất khẩu lao động.
Chính quyền thể hiện vai trò lớn hơn
Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết quy định trên được đưa ra bắt đầu từ mô hình thành công của Đồng Tháp. Thời gian qua, tỉnh này đã ký được nhiều hợp đồng với Nhật Bản và Hàn Quốc, đưa rất nhiều lao động địa phương sang làm việc, mà NLĐ không phải mất bất cứ khoản phí nào. Việc quản lý NLĐ ở nước sở tại qua mô hình này cũng rất tốt, thể hiện ở việc không có NLĐ vi phạm, kết thúc hợp đồng không trốn ở lại.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, mô hình đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, thành phố đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã được thí điểm tại 4 địa phương (trong đó có Đồng Tháp) đều cho thấy hiệu quả. Bản chất của việc này là thỏa thuận lao động được ký kết giữa địa phương với quốc gia khác, trong khi hiện nay NLĐ đang được đi làm việc ở nước ngoài thông qua DN và nảy sinh nhiều vấn đề.
Nhằm tạo ra cơ chế để cơ quan tham mưu của chính quyền cấp tỉnh có thể thực hiện việc này, thì luật phải “khuôn” điều kiện cơ quan này là một đơn vị sự nghiệp, không phải DN, hoạt động không vì lợi nhuận và cũng không được cấp phép làm dịch vụ xuất khẩu lao động. Đơn cử tại Đồng Tháp, cơ quan này là trung tâm dịch vụ việc làm. Về bản chất, đây là một đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước. Theo đó, đứng ra ký kết thỏa thuận lao động là UBND, đóng vai trò pháp nhân nhà nước, chứ không phải DN.
“Đi làm thuê để trở về làm chủ”
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh này không chỉ hướng tới mục đích “xóa đói giảm nghèo”, để mong mỗi NLĐ đi kiếm được 30 triệu đồng/tháng gửi về quê, mà đưa người đi với tư duy “đi làm thuê để trở về làm chủ”.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp giao trung tâm xúc tiến việc làm thực hiện căn cơ cả 3 giai đoạn: trước khi đi, trong khi làm việc ở nước ngoài và khi trở về. Đến nay, đã có khoảng 6.000 lao động xuất khẩu đi theo diện này. Tỉnh Đồng Tháp đang xúc tiến với nhóm đối tượng là bộ đội xuất ngũ, nhiều nhóm đã được giới thiệu, đưa sang Nhật để làm trong hãng ô tô Toyota, đối tác rất đón nhận.
Cũng theo ông Hoan, Đồng Tháp còn chủ trương đưa người dân ra nước ngoài làm việc tại các trang trại, hợp tác xã theo kiểu thời vụ ngắn (2 - 3 tháng), khi nông nhàn, để người nông dân tìm hiểu kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các nước bạn. Nhiều người sau khi về nước đã làm nhà lưới, hệ thống tưới tự động... sản xuất hiệu quả hơn.
Mô hình này cũng giúp kết nối chặt chẽ hơn với NLĐ, dù họ đang ở nước ngoài. Có những vụ, nửa đêm công dân gọi Zalo cho cán bộ UBND báo bị quấy rối tình dục, chính quyền lập tức liên hệ với nghiệp đoàn phía nước bạn, và được luật sư ở nước bạn đến hỗ trợ ngay. Việc thẩm định nghiệp đoàn của 2 bên, UBND tỉnh cũng giám sát chặt chẽ.
Cũng chia sẻ từ góc nhìn của Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết mô hình trung tâm xúc tiến của tỉnh không chỉ tuyển lao động đi nước ngoài, mà còn tuyển lao động cho các DN trong nước. “Cũng có một số DN lôm côm, tào lao, nói đưa lao động đi, nhưng thực tế là "cò". NLĐ phải hối lộ để được đi lao động ở nước ngoài. Đồng Tháp không có chuyện đó, thậm chí, còn cho các em mượn tiền để đi, chứ không có chuyện lo lót cán bộ để đi nước ngoài”, ông Hòa nói thêm.
Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị xem xét lại việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, bởi trong bối cảnh cả nước đang sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp hiện nay, luật này lại cho thành lập thêm thì nên tính toán.
Lao động Việt Nam phải trả phí đi làm việc ở nước ngoài cao hơn quy địnhNgày 10.6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết theo một nghiên cứu mới của tổ chức này tại Việt Nam, tình trạng thu phí NLĐ di cư trên mức trần theo quy định của luật còn phổ biến.
Một số người được phỏng vấn cho biết họ đã phải trả từ 163 - 372 triệu đồng (7.000 - 16.000 USD) để đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức giới hạn theo quy định của pháp luật. Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee cảnh báo, khi NLĐ Việt Nam phải trả lệ phí và chi phí cao, cũng như phải vay nợ với lãi suất cao để đi làm việc ở nước ngoài, họ dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bị lạm dụng, bóc lột, lệ thuộc vì nợ, lao động cưỡng bức và buôn bán người. Do đó, việc quy định cấm áp dụng các loại phí tuyển dụng và chi phí liên quan một cách rõ ràng trong luật đóng vai trò rất quan trọng.
Theo ILO, việc sửa đổi luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (luật số 72) giúp bảo vệ NLĐ di cư tốt hơn, và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, mang đến cơ hội cho Việt Nam trong việc đáp ứng các nhu cầu từ nhiều chủ sử dụng lao động và DN đa quốc gia hàng đầu muốn thuê lao động di cư “được tuyển dụng không phí”. Giám đốc ILO Việt Nam bày tỏ hy vọng Việt Nam có thể thúc đẩy tiềm năng phát triển của di cư và cách tốt nhất để thực hiện việc này là đảm bảo việc bảo vệ quyền của NLĐ di cư trước, trong và sau khi di cư lao động. ILO tái khẳng định cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu quan trọng này.
T.Hằng
|
Bình luận (0)