Hàng loạt tuyến phố trên địa bàn TP.HCM tràn ngập rác thải công nghiệp, có nơi chất thành đống cao kéo dài hàng chục mét gây nhiều bức xúc.
Rác thải công nghiệp tràn ra phố
|
Trên địa bàn Q.Tân Phú, nhiều tuyến phố đang bị rác công nghiệp (CN) “tấn công”, thậm chí có nơi còn bị đẩy tràn xuống kênh rạch.
Ngày 15.8, có mặt tại điểm tập kết rác trên đường Bình Long, P.Tân Quý (Q.Tân Phú), PV Thanh Niên ghi nhận rác thải CN chất thành đống cao trên vỉa hè, ùn ứ kéo dài hàng chục mét. Lượng rác đổ dồn liên tục và mỗi ngày một đầy lên nên bị tràn xuống mép đường, nước rác đen ngòm rỉ ra bốc mùi hôi thối. Rác CN ở đây gồm vải vụn, mút xốp, bao bì, da, ni lông, áo quần phế thải... trộn lẫn với rác thải sinh hoạt, ùn ứ lâu ngày ruồi nhặng bám đen từng lớp. Không chỉ rác CN thông thường, nhiều lọ thủy tinh, bình dịch, lọ thuốc, mảnh chai cũng được đổ đầy quanh điểm tập kết, vô cùng nguy hiểm. Thậm chí, đống rác CN này “đổ vây” cả chốt phòng chống tội phạm của Công an P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân), bất chấp ở đây có gắn biển “cấm đổ rác”.
Điều đáng nói, công nhân vệ sinh thu gom rác và xe tải ép rác của một đơn vị công ích vẫn hoạt động bình thường ở khu vực này. Tuy nhiên, xe chỉ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt mà không đả động gì đống rác CN ngổn ngang tràn lan kế cạnh. Xung quanh điểm đổ thải vài chục mét, một số người tự ý gom và đốt từng đống nhỏ rác CN, khói bốc mù mịt, đen đặc, khét lẹt vô cùng khó chịu. Ông Trịnh Văn Thái (65 tuổi, ngụ nhà 520E Bình Long) bức xúc: “Đống rác này do người quanh vùng mang ra đổ trộm. Cứ tầm 1 - 2 giờ đêm họ mang rác ra vứt ầm ầm, nhiều lắm. Rác CN trộn lẫn với rác sinh hoạt tồn ứ lâu ngày bốc mùi hôi chịu không nổi. Trước đây, công nhân vệ sinh có hốt, nay thì họ bảo rác CN không được chở đi nữa mà lại cả tuần”. Theo ông Thái, nhiều gia đình có nhà ở đây chịu mùi hôi thối không nổi đã phải bỏ đi, để lại mặt bằng cho người khác thuê.
Chung nỗi bức xúc, bà Kiều Thị Nga (55 tuổi, nhà đối diện điểm tập kết rác) lo lắng: “Mỗi lần có gió là rác, vải vụn bay tứ tung, có hôm bay vô khắp nhà. Ở đây quanh năm cứ phải bịt khẩu trang mà sống. Hành vi đổ trộm rác CN như thế không thể chấp nhận được”.
Tương tự, trên địa bàn Q.Bình Tân cũng xuất hiện hàng loạt điểm đổ rác CN trái phép, thậm chí chất đống ngay dưới chân biển cấm đổ, biển cảnh báo “có gắn camera an ninh”. Nghiêm trọng nhất là dọc đường Kênh Nước Đen, hàng loạt bao tải vải vụn nằm chỏng chơ bên mép đường, nhiều bao mục rách khiến vải bên trong bục văng ra ngoài.
Trong khi đó, lượng rác CN bị tồn ứ nhiều nhất là tại điểm tập kết rác trên QL1A, P.Tân Thới Nhất (Q.12). Rác CN chất đống cao như “núi” kéo dài cả trăm mét trên vỉa hè quốc lộ, tràn ra mép đường và lấp cả miệng cống thoát nước. Nước rỉ rác chảy thành vệt, mùi hôi thối xộc lên khiến người đi đường ngộp thở.
|
Nỗi khổ của công nhân vệ sinh
Trao đổi với PV, một công nhân vệ sinh làm việc tại điểm tập kết rác trên đường CN1 (Q.Tân Phú) cho hay công nhân chỉ thu gom rác sinh hoạt trong khu dân cư mang ra điểm thu gom rác. “Rác sinh hoạt đổ ở điểm thì ngày nào xe cũng đến thu gom, dọn sạch. Còn đống rác bên kia đường là do một số người thiếu ý thức mang ra đổ trộm. Họ đổ ban đêm, đi xe qua đẩy bao rác xuống rồi phóng đi luôn. Có lúc họ còn vứt xuống sông. Lâu lâu, địa phương lại kêu đội vệ sinh của Q.Tân Phú tới tổng dọn nhưng rồi họ lại đổ tiếp. Ở trục đường này có lắp camera mà họ có sợ gì đâu”, công nhân này ngao ngán.
Ông Lê Trọng Phước, công nhân trông coi điểm tập kết rác trên đường Bình Long (Q.Tân Phú), cho biết: “Rác CN người ta mang tới đổ trộm vào ban đêm, mà công ty môi trường không thu gom rác CN nữa. Khi đi gom trong khu dân cư, nhân viên vệ sinh cũng chỉ gom rác sinh hoạt chứ không lấy rác CN. Đã rất nhiều lần lượng rác CN đổ trộm ùn ứ nên công ty môi trường điều xe rác tới ép rác chở đi xử lý. Vừa dọn sạch thì họ lại đổ trộm tiếp, cứ liên tục như vậy”.
Lãnh đạo một công ty dịch vụ công ích nói: “Do việc quản lý của địa phương chưa thật sự tốt nên không ngăn chặn được hành vi đổ trộm. Theo quy định hiện hành, công ty dịch vụ công ích không được thu gom, vận chuyển chung rác CN và rác sinh hoạt. Việc thu gom, vận chuyển rác CN sẽ thực hiện riêng khi chủ nguồn thải ký hợp đồng, còn nạn đổ trộm thì trách nhiệm xử lý thuộc về quận, huyện, xã, phường. Rác CN bị đổ trộm tràn lan, chúng tôi có khi chỉ biết gom cho gọn lại rồi để đó. Nếu có lệnh trên mới dám chở đi xử lý, chứ tự ý chở thì sẽ bị lập biên bản”.
Truy trách nhiệm người đứng đầu
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, thừa nhận rác thải CN tràn ra phố đang là một thực trạng gây nhiều bức xúc trên địa bàn. “Việc xử lý thời gian qua rất khó khăn. Chúng tôi bố trí lực lượng chốt chặn tại các điểm nóng đến 12 giờ đêm, nhưng khi anh em mới về nghỉ, thì ngay sau đó lại xảy ra tình trạng đổ trộm. Quận vừa phát hiện, lập biên bản 13 trường hợp vi phạm để xử lý”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT, cho biết: “Việc yêu cầu các chủ nguồn thải không được thải bỏ chất thải CN trộn lẫn với rác thải sinh hoạt là căn cứ theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24.4.2015 của Chính phủ. Theo đó, chủ nguồn thải phải có trách nhiệm thực hiện phân loại, ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý hợp vệ sinh”. Theo bà Mỹ, hiện trên địa bàn TP, các công ty dịch vụ công ích và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại có khả năng thực hiện đầy đủ việc thu gom, vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, nhiều chủ nguồn thải rác CN trong khu dân cư cố tình vi phạm, đổ trộm nơi công cộng. Sở TN-MT đã có công văn đề nghị UBND 24 quận, huyện tăng cường thông tin, hướng dẫn các chủ nguồn thải trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý về trách nhiệm thực hiện quản lý chất thải rắn CN theo đúng quy định. “Căn cơ nhất là việc kiểm soát được chủ nguồn thải rác CN hoạt động nhỏ lẻ trên địa bàn dân cư. TP đã có phân cấp quản lý. Quận, huyện, xã, phường phải nắm được thực tế hoạt động của các cơ sở có phát sinh rác thải CN. Nếu các cơ sở không thực hiện ký hợp đồng để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường thì phải kiên quyết xử lý vi phạm theo đúng quy định, chứ nếu chỉ canh bắt đối tượng đổ trộm, thì không thể canh 24/24 được”, bà Mỹ nói.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo: “UBND 24 quận, huyện phải có trách nhiệm hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với công tác quản lý chất thải CN của các chủ nguồn thải; xử lý nghiêm hành vi đổ, bỏ chất thải CN tại các điểm, trạm trung chuyển rác sinh hoạt. Nếu người quản lý địa bàn có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để phát sinh điểm nóng rác thải CN thì TP sẽ truy trách nhiệm”. Về hướng xử lý rác CN đang tồn ứ, ông Tuyến yêu cầu Sở TN-MT làm việc với các quận, huyện để xử lý dứt điểm ngay trong tuần này, đảm bảo môi trường khu dân cư, đường phố.
Theo ông Nguyễn Gia Thái Bình, căn cứ theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc xử phạt sẽ được thực hiện nghiêm. Theo đó, phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỉ đồng (đối với cá nhân) và 2 tỉ đồng (đối với tổ chức); cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó sẽ bị buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do hành vi vi phạm hành chính gây ra.
|
Bình luận (0)