Cuộc sống của nhiều hộ dân ở khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An đang bất an với đàn voi rừng ngày càng tỏ ra lì lợm.
Đàn voi đang “tàn sát” đồng mía của dân bản Vều 3 vào ngày 8.3.2014 - Ảnh: Quang Dũng |
Đêm đuổi voi
Hai giờ sáng, tiếng cây gãy răng rắc và âm thanh rào rào đã “lôi” vợ chồng ông Lương Văn Tình và bà Hà Thị Hiển (ở bản Vều 3, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) tỉnh giấc. “Voi về!”. Ông Tình ngồi bật dậy như cái lò xo, chui ra khỏi tấm chăn, vớ cây đèn pin rồi chạy thình thịch xuống cầu thang chòi canh. Ông Tình chạy sang nhà hàng xóm gần nhất, cách cái chòi canh của vợ chồng ông khoảng 300 m báo động. Đèn pin, đuốc được thắp lên sáng cả một góc rừng, tiếng của xoong chảo va đập, tiếng hò hét của con người tạo nên một thứ âm thanh hỗn loạn. Dưới kia, đàn voi vẫn ung dung gặm mía, như không hề bị ai đe dọa. “Cuộc chiến” với đàn voi rừng tiếp tục kéo dài cho đến đêm hôm sau. Cả bản Vều 3 lại phải thức thâu đêm để thắp đuốc, khua xoong chảo. Đến 4 giờ sáng, khi nhiều người không còn sức để trụ nữa thì đàn voi rút lui vào rừng.
Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết đêm mùng 2 tết vừa rồi, đàn voi này kéo về bản Vều 1 kiếm ăn, giày nát hoa màu trong vườn và mò vào tận bếp vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuyển, hất tung chái nhà bếp, lôi cả xoong chảo ném tứ tung. Đêm đó, may vợ chồng anh Tuyển không ở nhà nên không có mệnh hệ gì. Ở xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, giáp các bản Vều về phía đông, cũng là địa chỉ ghé thăm hằng năm của đàn voi rừng.
Bắt đền ai ?
Hơn một mẫu mía của ông Tình ở bản Vều 3 chưa kịp thu hoạch thì phân nửa đã bị voi giày nát dưới những bàn chân khổng lồ. Các ruộng mía của ông Lô Văn Bình, chị Hà Thị Đạt… kề bên cũng bị hư hại rất nặng nề. “Thu hoạch vụ đầu này sẽ phải trả hết 30 triệu đồng nợ nhà máy đường nhưng bây giờ thì không trả được nữa, vì mía bị voi phá hết rồi”, ông Bình thở hắt.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Minh lắc đầu nói năm nào ông cũng lên huyện kêu, nhưng đều bị huyện “đá” về xã với chỉ đạo trích ngân sách dự phòng của xã để hỗ trợ dân. Nhưng ngân sách dự phòng xã không có nên dân chẳng đòi được ai.
Một nghiên cứu về voi của Vườn quốc gia Pù Mát cho biết hiện đã ghi nhận có 16 cá thể voi sinh sống trong khu vực vườn, chia thành 3 đàn. Xung đột giữa đàn voi rừng và cư dân sinh sống quanh khu vực này vẫn thường xảy ra và ngày càng có xu hướng căng thẳng do diện tích rừng bị thu hẹp nhanh. Nguồn thức ăn trong rừng cạn, voi ra khỏi rừng tìm đến khu vực dân cư, đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây.
Dự án bảo tồn voi khẩn cấp đến năm 2020 vừa được tỉnh Nghệ An phê duyệt với hy vọng giảm thiểu xung đột giữa voi và cư dân. Kinh phí thực hiện dự án trong hai năm 2014 - 2015 là 30 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay tỉnh mới “rót” xuống 300 triệu đồng. “Rừng bị thu hẹp, thức ăn ngày càng hiếm nên voi mới về nhiều như thế. Riêng xã Phúc Sơn vừa rồi đã phải bàn giao 4.000 ha rừng cho doanh nghiệp trồng cao su. Khu rừng này có rất nhiều tre, nứa, chuối là thức ăn ưa thích của voi, giờ đã bị cạo trọc để trồng cao su rồi”, ông Nguyễn Hữu Minh cho biết.
Khánh Hoan
>> Voi rừng phá hoa màu của dân
>> Voi rừng liên tục phá rẫy của đồng bào Cadong
>> Đàn voi rừng đã rút khỏi địa bàn thị trấn
>> Voi rừng xuất hiện trong thị trấn
Bình luận (0)