Rừng phòng hộ Sóc Sơn bị 'băm nát'

19/04/2016 12:16 GMT+7

H.Sóc Sơn của TP.Hà Nội có 26 xã, thị trấn thì có tới 11 xã có rừng phòng hộ bảo vệ môi trường (gọi tắt là rừng phòng hộ).

H.Sóc Sơn của TP.Hà Nội có 26 xã, thị trấn thì có tới 11 xã có rừng phòng hộ bảo vệ môi trường (gọi tắt là rừng phòng hộ).

Nhưng rừng phòng hộ tại phần lớn những xã này đều đã bị chia ô, chia mảnh để xây dựng biệt thự, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng...
Khi lập biên bản xong, chủ sở hữu cứ thế mà xây nhà. Nhưng việc này phải khéo một chút. Nếu có cán bộ xã đến kiểm tra, thanh tra thì phải dừng lại, đợi họ đi rồi mới tiếp tục xây. Thậm chí, nếu tuyến trên có làm căng thì chủ sở hữu phải xây ban đêm để tránh mang tiếng cho cán bộ địa phương
Cò đất tên Sang
Theo khảo sát, tại địa bàn xã Minh Phú có rất nhiều khu vực đã được chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất trồng cây ăn quả (còn gọi là đất vườn quả) để xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng bất hợp pháp. Để làm rõ việc mua bán đất rừng trái phép này, chúng tôi tiếp cận với một người tên Đức sống tại khu Lâm Trường. Người này cho biết: Đất rừng tại vị trí đẹp, chẳng hạn như trên sườn núi, phía trước có hồ nước, tiện đường giao thông... đã được các đại gia ở nội thành Hà Nội mua hết. Còn lại những khu vực khác, vị trí không được đẹp lắm nhưng giá cả vẫn không rẻ hơn là mấy. Riêng đất rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi thành đất vườn quả thì còn nhiều. Nhưng khách hàng phải trải qua các công đoạn chạy giấy tờ mất thời gian và tốn kém cỡ 150 triệu đồng.
La liệt biệt thự vườn, khu nghỉ dưỡng… trái phép
Sau lời giới thiệu, ông Đức dẫn chúng tôi đến đường phòng cháy tại khu Lâm Trường. Đập ngay vào mắt là con đường dài gần 1 km, nhưng hai bên đã được chia thành lô, mảnh lớn nhỏ. Trong đó đã có gần 10 biệt thự vườn mọc lên ven hai bên đường... Theo lời ông Đức, nếu muốn xây dựng biệt thự, chủ nhân mỗi lô đất này phải chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất vườn quả. Nếu thành công thì người dân sẽ được xây dựng nhà tạm bằng tranh tre, nứa lá trên diện tích 200 - 400 m2. Các đại gia lợi dụng quy định này để xây biệt thự, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, biệt phủ hoành tráng, thay vì dựng nhà tạm bằng tranh tre, nứa.
Còn tại các xã Quang Tiến, Hiền Ninh, Tiên Dược, nhiều biệt thự vườn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng sang trọng… mọc lên dọc theo đường 131 và đường Hồ Đồng Quan. Điển hình như: khu du lịch sinh thái Phúc Lộc Thọ, khu yoga Sóc Sơn, nhà hàng Suối Di, nhà hàng Hương Tràm, khu Văn Lang Quán, hay các biệt thự nằm tại Xóm Trại, Xóm Núi... Có thể kể tới nhà hàng Hương Tràm với diện tích lên tới nhiều héc ta. Hay khu Văn Lang Quán có diện tích nhiều nghìn mét vuông được xây dựng tiếp giáp với khu vực phòng thủ của quân đội. Điều đặc biệt là những công trình vi phạm trên mọc lên đã lâu nhưng các cơ quan chức năng vẫn chần chừ, không đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm.
Chăn trâu cũng làm “cò” đất
Những nhà hàng, khu sinh thái, nhà vườn... xây dựng trên đất rừng phòng hộ biến thành đất vườn quả - Ảnh: Nam Anh

Sau nhiều ngày tiếp cận các khu vực có đất rừng phòng hộ tại H.Sóc Sơn, PV Thanh Niên ghi nhận một thực tế, đó là hoạt động buôn bán đất ồ ạt, sôi động chứ không “chết yểu” như nhiều người lầm tưởng. Bất kỳ mảnh đất nào, dù là rừng phòng hộ, đất giáp khu vực phòng thủ quốc phòng... thì cò đều cho rằng có thể hô biến thành đất vườn quả. Sau đó chủ đất (người thực chất được chính quyền giao đất rừng để bảo vệ, phát triển) sẽ làm giấy tờ bàn giao cho người mua (nhưng không được công chứng) để xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng trước sự làm ngơ của lực lượng chức năng địa phương từ cấp xã cho tới cấp huyện.
Dừng chân tại khu vực thôn Ninh Môn (tên gọi khác là Xóm Trại Đồng Đảng), thôn Xóm Núi, chúng tôi hỏi một người đàn ông đang chăn trâu ven đường. Người này nhận mình là “cò” đất và giới thiệu vanh vách về nguồn gốc đất của từng thửa tại xã Hiền Ninh. Theo người này, khu Xóm Trại Đồng Đảng, đoạn nằm ven phía dưới đường nhựa, toàn bộ là đất rừng. Trong đó, mỗi gia đình được cấp vài trăm mét đất để dựng nhà tạm, lán trại thô sơ nhằm trông coi, phát triển vườn quả. Nhưng những hộ mua được đất lại xây biệt thự vườn cao 2 - 3 tầng, tạo thành biệt khu sang trọng. Hiện giá đất tại địa điểm này dao động khoảng 200 triệu đồng/sào (mỗi sào tương đương 360 m2).
Rời thôn Ninh Môn, PV đến khu đất của một người tên Dũng, trú tại xã Quang Tiến. Mặc dù các khu đất đồi tại đây được trồng thông, lẽ ra phải được bảo vệ nghiêm ngặt, tuy nhiên Dũng nói: “Cái gì chả bán được. Quan trọng là có giá của nó”. Tỏ ý muốn mua một mảnh đất rừng phòng hộ để xây biệt thự, địa thế đẹp, lưng tựa vào núi, sát ngã ba đường, chúng tôi được Dũng giới thiệu: “Đất rừng chưa chuyển đổi “50 củ” (50 triệu đồng - NV) một sào. Phải mua 5 sào trở lên mới bán”.
PV đồng ý mua với điều kiện giấy tờ phải thông suốt. Hai ngày sau, Dũng giới thiệu chủ đất tên Sang. Người này nói là sẽ lo hết tất cả các loại giấy tờ, thủ tục để chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất vườn quả, nhưng phải đặt trước cho ông ta 50 triệu đồng để đưa cho các đầu mối. Sang khuyên chúng tôi nên làm ăn với ông, bởi ông có thể dắt mối trực tiếp đến người có thẩm quyền ký quyết định, như “anh Long, chị Hằng”, chứ không nên đi “đường vòng”, vừa mất thời gian lại tốn tiền. Ngoài ra, nếu PV cần mua đất ở địa điểm khác thì ông Sang vẫn có thể đứng ra chạy giấy tờ đầy đủ.
Rời xã Hiền Ninh và Quang Tiến, chúng tôi tiếp tục đến các xã Minh Phú, Minh Trí, Tiên Dược... Một “cò” tên Huyền ngụ ở xã Minh Trí đưa chúng tôi đi khắp các ngõ ngách tại xã Minh Phú. Tại một địa điểm nằm tại khu Lâm Trường, Huyền giới thiệu: Diện tích mảnh đất khoảng 5 sào. Giá 150 triệu đồng/sào. Đáng nói hơn, khu vực này đang hình thành các biệt thự được phân lô, phân mảnh cận kề nhau. Cách mảnh đất này vài mét là biệt thự của một người được cho là anh em với ca sĩ M.L. Gần đó là hàng loạt biệt thự khác được xây tường đá ong, tường gạch theo lối cổ kim, đủ các kiểu.
Quy trình hô biến đất rừng
Rừng phòng hộ Sóc Sơn bị “băm nát”Những biệt thự, nhà cao tầng không phép mọc trên đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn

Để làm rõ cách hô biến từ đất rừng phòng hộ thành đất vườn quả, PV đề nghị các “cò” đất phải cho biết về đường đi nước bước rõ ràng, phòng trường hợp mất tiền oan.
Cò đất tên Sang tại xã Quang Tiến cho biết: Đầu tiên, khách phải thỏa thuận với chủ đất để mua diện tích đất theo ý muốn. Sau khi bàn giao và chuyển đổi chủ sở hữu, khách mua sẽ phải làm thủ tục chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất vườn quả. Khi chuyển đổi thành đất vườn quả, chủ sở hữu được phép sử dụng tối đa đến 400 m đất để dựng nhà tạm, lán, trại. Sau khi xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ sở hữu sẽ phải làm việc với chính quyền địa phương bao gồm: chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách xây dựng, thanh tra xây dựng... để lo lót việc xây biệt thự, nhà vườn, nhà hàng...
Ông Sang nói luôn: Chẳng có ai, cấp nào dám cấp phép cho các ông xây nhà trên đất vườn quả hết. Nhưng các ông cứ xây. Khi xây, cán bộ địa phương bao gồm chủ tịch hoặc phó chủ tịch phụ trách xây dựng, thanh tra xây dựng sẽ đến lập biên bản vi phạm, thì ông phải ký vào đấy. Mục đích là sau này, nhỡ thành phố, T.Ư có đến kiểm tra thì cán bộ xã nó thoát tội, vì đã lập biên bản xử lý vi phạm rồi. Nếu có thì chỉ chịu trách nhiệm ở việc giám sát không chặt chẽ. Khi lập biên bản xong, chủ sở hữu cứ thế mà xây nhà. Nhưng việc này phải khéo một chút. Nếu có cán bộ xã đến kiểm tra, thanh tra thì phải dừng lại, đợi họ đi rồi mới tiếp tục xây. Thậm chí, nếu tuyến trên có làm căng thì chủ sở hữu phải xây ban đêm để tránh mang tiếng cho cán bộ địa phương.
Cũng như ông Sang, tất cả các “cò” đất khác ở Sóc Sơn đều có chung cách hô biến này. Cò đất tên Dũng, tại xã Quang Tiến nói thẳng: Phải làm như vậy để cán bộ địa phương an toàn. Nếu không thì từ trước đến nay làm sao mà bán được đất, làm sao mà xây được hàng trăm biệt thự chình ình giữa ngã ba đường như thế. Cái biệt thự, khu nghỉ dưỡng chứ có phải con kiến đâu mà giấu giếm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.