Ở Quảng Ninh việc ăn thịt động vật hoang dã (ĐVHD) diễn ra tại các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái. Thực khách của những loại thịt thú rừng chủ yếu là các “đại gia”… Đáng chú ý, từ thực khách đến người tận tay giết thịt thú rừng đều thờ ơ với khuyến cáo của cơ quan y tế. Quan sát cách làm thịt thú rừng tại một nhà hàng tại P.Hồng Hải, TP.Hạ Long, PV Thanh Niên thấy các đầu bếp dùng tay trần cắt tiết, vặt lông thú làm máu me bê bết dưới sàn nhà ẩm ướt. Họ không hề tỏ ra lo ngại bản thân có thể bị lây nhiễm bệnh tật từ thú hoang...
|
Ghé vào nhà hàng H.T (P.Hồng Hà, TP.Hạ Long), nữ chủ quán ở đây cho biết cầy hương giá 2 triệu đồng/kg (thường 3 kg/con), có thể làm hai món hấp và rựa mận; dúi khoảng 1 triệu đồng/kg, chế biến được nhiều món hơn, như: hấp, xào lăn, lẩu; nhím rừng tùy loại có giá 800.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi PV hỏi về việc các dịch bệnh có liên quan đến thịt thú rừng thì chủ nhà hàng thản nhiên nói: “Thực khách ở đây toàn đại gia cả. Họ còn không sợ thì thôi, chỉ lo không có tiền mà ăn”.
Tưởng sang, hóa ra ăn thịt thối, hóa chất !
Tại Lâm Đồng, chuyện ăn thịt ĐVHD cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thịt tươi sống. Ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng - người có hàng chục năm tham gia, chỉ huy truy quét lâm tặc, kiểm tra thịt ĐVHD trong nhà hàng, quán ăn trên địa bàn, nói: “Nhiều năm liền, khi kiểm tra phát hiện thịt ĐVHD trong quán nhậu, hầu hết đều là động vật rừng đã chết; nếu có sống thì là nhím, nu, chồn (có loại có nguồn gốc được nuôi). Điều đáng nói, hoặc là thú còn nguyên con, hoặc là thú bị rã thịt, tất cả đều nằm trong tủ đông. Khi mở tủ thì chúng tôi không chỉ “lãnh đủ” mùi hôi xông lên mà mắt còn bị cay xè, rất khó chịu. Tịch thu thịt mang về, để vài tiếng rã đông là thịt bốc mùi hôi thối kinh khủng. Điều này chứng tỏ thịt đã trữ hàng tháng trời và bị ướp hóa chất là u rê, hàn the hoặc formol để bảo quản nên người ăn vào dễ gặp nguy hiểm về sức khỏe”.
Giết voọc ăn thịt rồi khoe trên Facebook, nhận án tù !Năm 2018, tại Hà Tĩnh có một nhóm người giết 1 cá thể voọc thuộc loài động vật nguy cấp quý hiếm rồi phát trực tiếp lên Facebook khiến người dân bức xúc lên án.
Cụ thể, khoảng 10 giờ ngày 17.11.2018, Phan Trọng Sơn (48 tuổi, ngụ xã Hòa Hải, H.Hương Khê, Hà Tĩnh) vào rừng (thuộc tiểu khu 191A, Vườn quốc gia Vũ Quang, H.Vũ Quang) thì phát hiện 1 cá thể voọc đang bị mắc bẫy nên bắt về bán cho hàng xóm là ông Thái Kim Hồng (54 tuổi) với giá 1,1 triệu đồng. Sau đó, ông Hồng gọi nhóm bạn hàng xóm là Phan Văn Hợi (38 tuổi), Thái Đình Quy (61 tuổi), Thái Văn Sáng (44 tuổi) và Thái Vinh Quang (62 tuổi) giết thịt để làm mồi ăn nhậu. Hợi sử dụng điện thoại di động quay toàn bộ quá trình giết hại cá thể voọc, lấy óc ăn và phát trực tiếp lên trang Facebook cá nhân.
Ngày 27.12.2018, Công an H.Hương Khê ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can buôn bán và tham gia giết voọc ăn thịt nói trên để điều tra về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Sau đó, TAND H.Hương Khê xét xử, tuyên phạt Hồng 15 tháng tù; Hợi và Quy 12 tháng tù; Sáng, Quang và Sơn 9 tháng tù treo, đều về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Phạm Đức
|
Ông Tuyên kể, có lần tại một quán ăn ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện cả “kho” thịt ĐVHD với các loài thuộc nhóm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, như: bàn tay gấu, đầu sơn dương, da voọc chà vá, da mèo rừng, tê tê... Trong đó, nhiều đầu sơn dương, nai và mấy bộ da voọc chà vá, da rái cá, da mèo rừng được chứa vào một thùng và ngâm formol nên khi mở nắp thì mùi nồng nặc hắt lên khiến mọi người tháo chạy.
|
Theo ông Tuyên, thịt ĐVHD từ rừng về đến quán ăn phải mất thời gian cả tháng, thậm chí nhiều hơn. Bởi khi đi đánh bẫy, thợ săn thường đi rất nhiều ngày rải bẫy nhiều nơi trong rừng. Sau đó quay lại kiểm tra, nếu bẫy nào “dính” thú rừng, họ xử lý hóa chất rồi đào hố chôn hoặc vứt xuống khe suối để cất giấu chờ khi kiểm tra hết loạt bẫy xong mới đi thu gom lại rồi thăm dò đường ra, xem có cơ quan chức năng đi tuần hay chốt gác gì không...
“Đáng sợ hơn, việc bẫy thú còn xuất hiện thêm hình thức khác là thợ săn đánh bả bằng thuốc độc nên người sử dụng sẽ rất nguy hiểm”, ông Tuyên nói thêm.
|
Cấm nhà hàng bán trái phép thịt động vật hoang dã
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Phương Dung, Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên VN (ENV), cho biết trong năm 2019 đường dây nóng của đơn vị này tiếp nhận và xử lý gần 1.800 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt, kinh doanh các sản phẩm, ĐVHD.
“Chúng ta ít nhìn thấy hơn các nhà hàng quảng cáo đặc sản thú rừng công khai nhưng có thể khẳng định nhu cầu tiêu thụ thịt, các sản phẩm thịt ĐVHD vẫn luôn tồn tại. Một bộ phận người dân vẫn quan niệm rằng “ăn gì bổ nấy”... Tôi đã đến một số tỉnh ở Tây nguyên, trên taxi từ sân bay về đã được giới thiệu đến các nhà hàng có món nọ, món kia từ ĐVHD, đảm bảo đồ tươi sống. Thói quen này đang khiến nhiều loài ĐVHD sắp tuyệt chủng, gây ra sự mất cân bằng sinh thái”, bà Dung cho biết.
Cũng theo bà Dung, lo ngại trước dịch Covid-2019 và nguy cơ tiềm ẩn từ thói quen ăn thịt thú rừng, tiêu thụ sản phẩm hoang dã của một bộ phận người Việt, ngày 13.2, đại diện ENV và 10 tổ chức bảo tồn trong nước, quốc tế đã cùng ký tên vào thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các giải pháp cấp bách và các hành động thiết thực để kiểm soát hoạt động buôn bán ĐVHD, ngăn chặn nguy cơ đại dịch trong tương lai.
Lá thư kiến nghị Chính phủ xác định và đóng cửa các chợ và các địa điểm có buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Các nhà hàng phải thực thi lệnh cấm bán trái phép các sản phẩm thịt hoang dã; xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại. Đối với các nền tảng thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội... cần ban hành những quy định bắt buộc để theo dõi, loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp. Thư ngỏ này cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục tư pháp, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD; nâng cao nhận thức hơn nữa cho người dân về những rủi ro của việc tiêu thụ ĐVHD đối với an ninh công cộng và sức khỏe cộng đồng. (còn tiếp)
Bình luận (0)