'Rút được thẻ vàng, thủy sản Việt Nam có thể hiên ngang đi các nước'

06/11/2019 12:02 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng, rút thẻ vàng châu Âu đối với thủy sản cũng không nhiều ý nghĩa kinh tế, vì xuất khẩu thủy sản sang EU chỉ mấy trăm triệu đô, nhưng đây là vấn đề danh dự.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về giải pháp gỡ thẻ vàng châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, sáng 6.11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, quy định IUU của Liên minh châu Âu (EU) là một định chế cấm các hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không đúng, nhằm mục đích bảo vệ tài nguyên đại dương. Năm 2011 chế tài này chính thức có hiệu lực. Từ đó tới nay, có 25 nước đã bị áp dụng thẻ trong đó có 2 cấp thẻ vàng và thẻ đỏ.
Đối với loại thẻ vàng mà EU phạt đối với hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản của Việt Nam, theo ông Cường, "hình phạt" tương ứng là thủy sản từ nước bị phạt khi xuất sang EU sẽ bị kiểm soát 100% trong khi trước chỉ kiểm soát có xác suất. Còn với trường hợp bị phạt thẻ đỏ thì cả 28 nước EU sẽ không nhập thủy sản nữa. 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, trước đây do hạn chế năng lực khai thác của ngư trường, nên ngư dân có sai phạm trong việc đánh bắt ngoài phạm vi hải phận của chúng ta. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý khai báo trên các sản phẩm đó không đúng với yêu cầu.
"Do đó, 23.10.2017, liên minh EU đã áp dụng thẻ vàng với Việt Nam", ông Cường nói đồng thời cho biết, trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực để "gỡ" thẻ vàng này.
Theo ông Cường, vào năm 2017, Quốc hội đã thông qua luật Thủy sản, trong đó cả 9 nhóm kiến nghị của EU đã được đưa vào luật. Tiếp đó, Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng đã ban hành 2 nghị định, 8 thông tư để hướng dẫn luật theo khuyến nghị của EU.
"Chúng ta phải xác định EU khuyến nghị 9 nội dung rất trùng với ta, ở chỗ ta phải tái cơ cấu lại nghề cá từ chỗ tự phát của nhân dân thành một nghề cá có trách nhiệm, bền vững để không chỉ bảo vệ tài nguyên cho những năm tới mà còn lưu giữ cho lâu dài cho con cháu chúng ta", ông Cường nói.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho biết, Chính phủ đã lên chương trình hành động, thành lập Ban chỉ đạo do Phó thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn làm cơ quan thường trực, trong đó xác định rất rõ trách nhiệm của tỉnh, doanh nghiệp, ngư dân.

96.606 cái tàu không thể răm rắp cả một lúc

Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận, một trong những tồn tại trong vấn đề này là vẫn còn những vi phạm ở vùng biển phía Nam. Cụ thể, trong năm 2019 còn 113 vụ vi phạm ở 8 tỉnh với hơn 180 ngư dân vẫn còn vi phạm trong việc đánh bắt ngoài hải phận. 8 tỉnh vẫn còn vi phạm. "Cái lỗi này EU ghét lắm", ông Cường nói.
"Chính thức, hôm nay EU cử phái đoàn sang khảo sát, kiểm tra lần thứ 2 chúng ta", ông Cường thông tin và cho biết, thống nhất với phái đoàn là sẽ không xác định sẽ kiểm tra ở địa phương nào trước.
"Chúng tôi cũng khẳng định rằng, những khuyến nghị của EU là trùng với mục đích của Việt Nam. Chúng tôi phấn đấu không chỉ để rút thẻ còn vì một nghề cá bền vững của chúng tôi", ông Cường khẳng định sau này rút thẻ là điều mừng đối với khai thác thủy hải sản nhưng không có vẫn phải làm.
Tuy nhiên, ông Cường khẳng định điều này cũng rất khó. "96.606 cái tàu, hơn 2.000 cái tàu lớn, phạm vi hoạt động rộng như thế không thể răm rắp cả một lúc. Chúng ta cố gắng quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ cho tới các cấp các ngành ngư dân, doanh nghiệp nhưng không thể nào một sớm một chiều được", ông Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương phải quyết liệt hơn, doanh nghiệp chung tay còn ngư dân vì quyền lợi lâu dài, vì cả thương hiệu Việt Nam.
"Nếu rút được cái này (thẻ vàng) cũng không phải ý nghĩa nhiều, vì xuất khẩu thủy sản sang EU chỉ mấy trăm triệu đô, không có ý nghĩa nhiều về kinh tế nhưng đây là danh dự. Nếu rút được thẻ thì thủy sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang. Đây cũng là quyền lợi sát sườn của ngư dân, vì lợi ích lâu dài của con cháu", ông Cường nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.