Sập bẫy lừa xuất khẩu lao động

04/01/2021 05:52 GMT+7

Tin những lời quảng cáo trên mạng xã hội rằng đi xuất khẩu lao động để đổi đời, hàng chục người lao động đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo.

Sau hơn 1 năm đóng tiền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản mà vẫn chưa có lịch bay, anh Nguyễn Ngọc Tâm (34 tuổi, quê H.Yên Thành, Nghệ An) phải cầu cứu đến cơ quan chức năng, tố cáo Công ty CP nhân lực quốc tế Mika (viết tắt Công ty Mika, trụ sở tại Q.Long Biên, Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo. Anh Tâm chỉ là một trong hơn 40 người lao động (NLĐ) là những kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp các trường ĐH - cao đẳng đang bị Công ty Mika chiếm dụng tiền trái phép.
Sập bẫy lừa xuất khẩu lao động

Dù không được cấp phép xuất khẩu lao động nhưng Công ty Mika vẫn tổ chức đào tạo và thu tiền trái phép của người lao động

Ngập trong nợ nần

Trước khi đăng ký đi XKLĐ tại Công ty Mika, anh Tâm là kỹ sư sửa chữa ô tô, làm việc tại TP.Vinh (Nghệ An). Còn bây giờ, anh Tâm đang làm nhân viên kinh doanh công ty bất động sản ở Hà Nội để vừa có tiền trả nợ, vừa lo đi đòi nợ. Anh Tâm kể: “Qua mạng xã hội, tôi được giới thiệu Công ty Mika đang có đơn hàng đi Nhật. Tháng 5.2019, sau khi thi đỗ, công ty yêu cầu chúng tôi đóng trước 50% tiền phí để được học tiếng Nhật. Trong hợp đồng, công ty cũng cam kết thời gian từ 3 - 6 tháng sẽ được công ty cấp giấy tờ hợp pháp để bay sang lao động ở nước ngoài. Hết thời hạn cam kết nhưng không được đi, chúng tôi đến công ty đòi tiền nhưng công ty không trả. Chúng tôi đã làm đơn tố cáo lên Công an Q.Long Biên, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý”.

2 tháng, xử phạt 5 doanh nghiệp XKLĐ

Từ cuối tháng 10.2020 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ra quyết định xử phạt 5 doanh nghiệp XKLĐ gồm: Công ty CP phát triển quốc tế Nhật Việt JVSJC; Công ty CP nhân lực VN Nhật Bản - JAVICO, Công ty CP đầu tư Huệ Tuân, Công ty CP TRAENCO Quốc tế, Công ty CP thương mại Phúc Chiến Thắng với tổng số tiền gần 785 triệu đồng, do sai phạm trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, Công ty CP đầu tư Huệ Tuân (địa chỉ tại 21 Lê Đức Thọ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị xử phạt nặng nhất (400 triệu đồng) và đình chỉ hoạt động 12 tháng, do lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại Ba Lan. Mặc dù không đưa được NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, nhưng công ty này không chịu hoàn trả các khoản chi phí mà NLĐ đã nộp. Sau khi vi phạm hành chính, công ty này còn có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.
Theo anh Tâm, hiện trụ sở Công ty Mika đã đóng cửa, tháo biển hiệu, số điện thoại của giám đốc và đại diện công ty không liên lạc được. Trang web và trang Facebook của công ty cũng ngừng hoạt động, NLĐ không biết gặp ai để đòi lại tiền. “Gia đình tôi đã vay mượn ngân hàng gần 100 triệu đồng để lo cho tôi đi Nhật. Giờ tôi phải bám trụ ở Hà Nội để kiếm việc làm thêm. Một số anh em khác phải chạy Grab kiếm sống qua ngày. Giấc mơ đổi đời chưa thấy đâu, chúng tôi đang phải gánh món nợ, mà chưa biết bao giờ mới đòi được tiền để trả”, anh Tâm bức xúc.
Cũng vì tin lời quảng cáo, tháng 3.2020, anh Hoàng Văn Phong (37 tuổi, quê H.Thanh Ba, Phú Thọ) đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình kỹ thuật viên - visa E7 của Công ty CP phát triển nhân lực Jako, địa chỉ tại số 24 Nguyễn Cơ Thạch, Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội). “Tổng số tiền xuất cảnh là 164 triệu đồng, tôi đã nộp đầy đủ. Công ty cam kết sẽ xuất cảnh vào tháng 9.2020, nếu không bay sẽ hoàn trả chi phí. Cuối tháng 11.2020, tôi đến công ty nhưng họ chỉ trả hồ sơ mà không trả tiền cho NLĐ. Tôi không có việc làm ổn định, lại đang nuôi 2 con nhỏ. Nếu công ty không trả lại tiền, tôi chưa biết phải trả nợ ngân hàng thế nào”, anh Phong lo lắng.

Công an điều tra dấu hiệu lừa đảo

Trao đổi với Thanh Niên ngày 31.12.2020, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), khẳng định: “Công ty Mika và Công ty CP phát triển nhân lực Jako đều không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ LĐ-TB-XH cấp. Việc các doanh nghiệp tổ chức tuyển chọn, thu tiền của NLĐ là trái quy định pháp luật”.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo để tránh bị lừa đảo, NLĐ nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn, bằng cách trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB-XH cấp. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn). Để được thông tin và tư vấn chi tiết, NLĐ có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số máy 024.38249517 (máy lẻ 511, 512, 513).
Theo bà Hà, thời gian qua, có tình trạng một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã lợi dụng nhu cầu muốn đi làm việc ở nước ngoài của NLĐ để lừa đảo tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật. Để thu hút NLĐ, các đối tượng này thường đưa ra các thị trường có mức thu nhập hấp dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm đối với Công ty Mika vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền của NLĐ. Cục cũng đề nghị công an vào cuộc xử lý vi phạm đối với các công ty như: Công ty CP phát triển nhân lực Jako, Công ty TNHH thương mại dịch vụ tư vấn đào tạo Hoàng Phát, Công ty Quý Đức, Công ty Sinh Vũ thu tiền của NLĐ để đưa đi Hàn Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.