Sắp xếp bộ máy phải thận trọng, chắc chắn

19/01/2019 08:30 GMT+7

Công tác tổ chức mà sai thì rất khó khắc phục, sai một ly là đi một dặm, vì vậy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải thận trọng, chắc chắn, tránh cầu toàn nhưng cũng tránh nôn nóng.

Thông điệp trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh hôm qua (18.1), tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ 2019.

Kiên quyết ngăn chặn tình trạng suy thoái trong Đảng

Nếu người đứng đầu, người làm công tác tổ chức công tâm, khách quan, minh bạch trong đánh giá bổ nhiệm cán bộ; cán bộ được bổ nhiệm có lòng tự trọng... thì chúng ta sớm khắc phục chạy chức, chạy quyền
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng đánh giá ngành tổ chức xây dựng Đảng đã giải quyết được nhiều vấn đề của công tác tổ chức một cách căn cơ và bài bản. Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII về sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế; Nghị quyết T.Ư 7 khóa XII về công tác cán bộ… Ngoài ra, ngành đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc về công tác cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai minh bạch, góp phần chống tiêu cực, chống chạy chức chạy quyền.
“Trong năm qua, chúng ta đã kiện toàn hơn 600 cán bộ và bổ sung, hoàn thiện quy hoạch trên 1.300 cán bộ diện T.Ư quản lý; kiện toàn hàng chục ngàn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... Việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay cơ bản đúng người, đúng việc”, ông Vượng khẳng định.
Khẳng định năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII, khối lượng công việc về công tác cán bộ sẽ nhiều và phức tạp hơn, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, ngành tổ chức xây dựng Đảng phải bám sát các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII đề ra về công tác cán bộ; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó trọng tâm là kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái trong Đảng, bằng những giải pháp mạnh mẽ, kịp thời, phù hợp.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị ngành tổ chức xây dựng Đảng phải khắc phục khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy. “Việc sắp xếp phải thận trọng, chắc chắn, tránh cầu toàn nhưng cũng tránh nôn nóng vì công tác tổ chức mà sai thì khó khắc phục, sai một ly, đi một dặm”, ông Vượng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị ngành tổ chức xây dựng Đảng làm tốt công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và chính xác để xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý nhằm chuẩn bị một bước quan trọng về nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
“Nếu người đứng đầu, người làm công tác tổ chức công tâm, khách quan, minh bạch trong đánh giá bổ nhiệm cán bộ; cán bộ được bổ nhiệm có lòng tự trọng, thấy mình có đủ hay không đủ năng lực để sẵn sàng đảm nhận hoặc từ chối chức vụ được giao. Nếu làm được như vậy thì chúng ta sớm khắc phục chạy chức, chạy quyền”, ông Vượng nói.

Tiết kiệm 11.000 tỉ đồng từ sắp xếp bộ máy

Báo cáo kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018 trước đó, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Bình cho hay từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, toàn ngành đã hoàn thành 54/58 đề án, nhiệm vụ quan trọng, đạt 93% kế hoạch. Về thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, ông Bình thông tin sau 1 năm thực hiện nghị quyết, đến cuối tháng 10.2018 toàn hệ thống chính trị đã giảm 3 ban chỉ đạo, 9 tổng cục và tương đương, 201 cục, vụ và tương đương, 65 ban, sở, ngành cấp tỉnh, 6.954 phòng và tương đương; giảm hơn 50 lãnh đạo cấp tổng cục, trên 300 lãnh đạo cấp cục, vụ; 172 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương, 9.332 lãnh đạo phòng; giảm 60.659 biên chế.
Về thực hiện tinh giản biên chế, ông Bình cho biết sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 39, nhất là năm 2018, cả hệ thống chính trị đã giảm 132.924 người (giảm 3,54%); trong đó, công chức, viên chức ở T.Ư và địa phương là 81.000 (giảm 3,3%), người hưởng lương và phụ cấp ở xã là hơn 51.000 (giảm khoảng 4,02%).
Thảo luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết theo thông báo của Bộ Tài chính, việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an đã tiết kiệm 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Ông Lâm cũng nhấn mạnh, mặc dù còn một số khó khăn trong cơ sở pháp lý, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy và thực hiện chế độ cho cán bộ trong những đơn vị giải thể, song bộ máy mới của Bộ Công an đã đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, không gây gián đoạn, xáo trộn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của công an các cấp, không để một ngày, một giờ nào nhân dân không được phục vụ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ giảm được hàng trăm ngàn người mà còn góp phần tiết kiệm được hơn 10.000 tỉ đồng, chưa kể khoảng 1.000 tỉ đồng tiết kiệm được từ việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục thực hiện cải cách bộ máy, tinh giản biên chế.

Xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2019

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2019, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Bình cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tham mưu chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, ngành sẽ thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đặc biệt, tham mưu xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.