Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra cuối chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay Chính phủ đánh giá mặc dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại nhưng kinh tế - xã hội 5 tháng và tháng 5 tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt hơn 50% dự toán năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt hơn 262 tỉ USD, tăng tới 33,5% so với thời gian này năm ngoái. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi, đạt 14 tỉ USD. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 tháng đạt 55.800 doanh nghiệp, cao nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận những hạn chế là đầu tư công vẫn chậm, chưa đạt mục tiêu về mặt tiến độ. Nhập siêu trở lại do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu nhập khẩu tăng cao để phục vụ sản xuất, trong khi đầu ra cho sản phẩm bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, đây là dấu hiệu cần chú ý để tìm giải pháp. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư nước ngoài.
Một bộ phận người dân, người lao động mất việc làm, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Chiến lược vắc xin triển khai còn chậm. Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu đặt ra là phải kiên trì kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội... Thủ tướng cho hay Chính phủ sẽ xem xét ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng Việt Nam là quốc gia tiếp cận sớm với các nhà sản xuất để đặt mua vắc xin phòng Covid-19 và số liệu đã đàm phán được 170 triệu liều, “cơ bản đủ cho 70% số người từ 18 tuổi trở lên để miễn dịch cộng đồng”.
Tuy nhiên, ông Cường cho biết tất cả đối tác đều không cam kết nếu giao hàng không đúng tiến độ vì nguyên tắc là vắc xin sẽ được ưu tiên các điểm nóng về dịch, trong khi Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch tốt theo đánh giá của quốc tế. “Vài ngày trước, có trường hợp khi hàng đang trên đường về thì họ lại điều sang Lào, Campuchia. Cho nên tiến độ chúng ta hoàn toàn phụ thuộc nhà cung ứng, trong bối cảnh cung chưa đủ cầu và tình hình dịch ở các nước khác đang là điểm nóng”, ông Cường nói.
Ngoài ra, vì đang trong bối cảnh khẩn cấp nên việc kiểm soát chất lượng vắc xin không thể theo như cách thông thường mà “phải chấp nhận một số điều kiện không thể kiểm định được, thay vào đó là đành chấp nhận những loại vắc xin đã được cấp phép của một số quốc gia khác”. “Thế nên chúng ta phải trực tiếp mua của nhà sản xuất, không được qua trung gian vì không thể kiểm soát chất lượng, điều kiện bảo quản. Nếu có trung gian thì đó phải là đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền bằng văn bản”, ông Cường nói.
Thủ tướng ký quyết định cho 3 Thứ trưởng Bộ Công an nghỉ hưuThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định cho 3 Thứ trưởng Bộ Công an gồm các ông Lê Quý Vương, Bùi Văn Nam, Nguyễn Văn Thành thôi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an kể từ 1.6.2021. Theo quy định, các ông Lê Quý Vương (65 tuổi), Bùi Văn Nam (66 tuổi) và Nguyễn Văn Thành (64 tuổi) đều đến tuổi nghỉ hưu. Cả ba ông đều mang cấp hàm thượng tướng và đều là Ủy viên T.Ư Đảng 2 khóa XI, XII.
Sau khi các ông Lê Quý Vương, Bùi Văn Nam, Nguyễn Văn Thành nghỉ hưu, Bộ Công an còn 6 thứ trưởng gồm: trung tướng Trần Quốc Tỏ; thượng tướng Nguyễn Văn Sơn; trung tướng Lương Tam Quang; trung tướng Nguyễn Duy Ngọc; thiếu tướng Lê Quốc Hùng và thiếu tướng Lê Tấn Tới.
Lê Hiệp
|
Bình luận (0)