Sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19

25/02/2021 06:04 GMT+7

Với vấn đề nhập khẩu và tiêm vắc xin Covid-19 , Thủ tướng cho biết các đối tượng được tiêm sẽ được quy định rõ tại một nghị quyết của Chính phủ.

Sớm có nghị quyết về đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra hôm qua 24.2, đối với vấn đề nhập khẩu và tiêm vắc xin, Thủ tướng khen ngợi Bộ Y tế đã nhập thành công hơn 117.000 liều vắc xin phòng Covid-19, để sớm đưa vào tiêm chủng cho người dân. Thủ tướng cho rằng tuy vắc xin đã về đến sân bay, nhưng tinh thần của ngành y tế phải là thần tốc với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn, để tiêm cho các đối tượng sẽ được quy định rõ tại một nghị quyết của Chính phủ.

Thủ tướng chỉ đạo: Không vì có vắc xin Covid-19 mà chủ quan

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình dự thảo nghị quyết về vấn đề tiêm vắc xin với những đối tượng được ưu tiên, bởi không thể ngay một lúc tiêm được cho tất cả 100 triệu người dân. “Một là ưu tiên cho nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu. Hai là lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly. Ba là lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ trên nguyên tắc quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý thêm: “Tinh thần là bao phủ vắc xin cho người dân Việt Nam, nhưng do những điều kiện cụ thể, không thể tiêm ngay được cho 100 triệu dân nên cần có thứ tự ưu tiên”. Cùng với đó, theo Thủ tướng, chúng ta tiếp tục kiên trì chiến lược “vắc xin + 5K” và “không vì vắc xin mà chủ quan”.

Huy động tiêm chủng lưu động

Đại diện Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC) cho biết việc tiếp nhận đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 từ người dân tiêm dịch vụ đã tạm dừng, chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế.
Theo kế hoạch triển khai tiêm vắc xin Covid-19 của Bộ Y tế, những lô vắc xin đầu tiên sẽ được ưu tiên tiêm cho nhân viên y tế, cán bộ tham gia phòng chống dịch, trong  11 nhóm ưu tiên được tiếp cận vắc xin trong năm nay.
“Vắc xin Covid-19 sẽ được sử dụng trên phạm vi cả nước, nhưng mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp hơn, dựa trên khả năng tiếp cận vắc xin, căn cứ các tiêu chí: các khu vực/tỉnh/huyện ghi nhận trường hợp mắc và/hoặc tử vong do Covid-19 trong cộng đồng; các đô thị lớn, có mật độ dân số cao; các tỉnh có đầu mối giao thông quan trọng”, một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.

Lô vắc xin Covid-19 vừa về Việt Nam trị giá bao nhiêu tiền?

Theo Bộ Y tế, vắc xin được tiêm trong đợt đầu tiên cho các nhóm ưu tiên do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất, sử dụng 2 liều cho các đối tượng trên 18 tuổi, cách nhau 21 ngày, tiêm bắp, đóng gói 8 - 10 liều/lọ. Ngành y tế sẽ tổ chức theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất; và sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có. Trong trường hợp cần thiết, sẽ huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước và tư nhân tham gia tổ chức buổi tiêm. Theo đó, bệnh viện tuyến T.Ư, tỉnh, thành phố đến tuyến huyện sẽ thực hiện tiêm cho các đối tượng là các cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Căn cứ nguồn cung ứng vắc xin hiện nay, trong giai đoạn 2021 - 2022 bảo đảm tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên và người dân theo tình hình dịch; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19.
Ước tính, nếu tiêm cho 20% dân số, cần hơn 6.000 tỉ đồng cho triển khai, bao gồm kinh phí cho mua kim tiêm, vắc xin, hộp an toàn, vận chuyển, tập huấn, giám sát, rà soát đối tượng tiêm, mua trang thiết bị.
Liên Châu
Trạm y tế cấp xã sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại trạm và điểm tiêm lưu động, thực hiện tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch, lực lượng quốc phòng, công an, giáo viên trên địa bàn, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, những người già trên 65 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và các trường hợp mắc bệnh mãn tính không điều trị nội trú theo kế hoạch của địa phương.
Sau khi kết thúc chiến dịch, phải tiến hành tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm tại bệnh viện. Các cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành thực hiện tiêm cho các đối tượng thuộc ngành mình và hỗ trợ cho ngành y tế để triển khai cho các đối tượng khác (trong trường hợp cần thiết). Tất cả các điểm tiêm đều có đội sơ cấp cứu, sẵn sàng trong các tình huống có phản ứng sau tiêm.

Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 24.2: Đã có vắc xin nhưng các ổ dịch vẫn nóng

Theo Bộ Y tế, trong năm nay, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vắc xin Covid-19 tiêm cho người dân và các đối tượng ưu tiên. Trong đó, riêng 11 nhóm ưu tiên là 18,4 triệu người, và mỗi người cần tiêm 2 mũi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.