Sờ mông, sờ đùi nhiều học sinh không phải dâm ô?

10/03/2019 07:53 GMT+7

Câu chuyện một thầy giáo bị tố dâm ô nhiều học sinh tiểu học, trong khi cơ quan điều tra cho rằng hành vi sờ mông, sờ đùi... một số học sinh chưa đủ căn cứ kết luận thầy giáo dâm ô, khiến dư luận dậy sóng với những ý kiến trái chiều.

 
Chuyện xảy ra ở Trường tiểu học Tiên Sơn (H.Việt Yên, Bắc Giang). Thầy giáo D.V.M bị tố cáo có những hành vi không chuẩn mực đối với nhiều nữ sinh lớp 5, gây bức xúc dư luận và buộc cơ quan điều tra phải vào cuộc.
Sáng 6.3, UBND H.Việt Yên tổ chức họp báo thông tin về vụ việc. Tại buổi họp, lãnh đạo UBND H.Việt Yên cho hay cơ quan điều tra (CQĐT) đã tiến hành làm việc với thầy giáo M., 14 em học sinh được cho là liên quan vụ việc… Kết quả bước đầu cho thấy thầy M. chỉ véo tai, véo mũi, sờ mông, sờ đùi một số học sinh nữ. “CQĐT Công an H.Việt Yên đã phối hợp với bệnh viện đa khoa huyện, cùng đại diện gia đình và nhà trường tổ chức kiểm tra dấu vết trên thân thể của 14 cháu học sinh, kết quả không thấy dấu vết gì nghi vấn. Do đó, CQĐT kết luận chưa đủ căn cứ chứng minh thầy giáo M. có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, đại diện UBND huyện nói.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện CQĐT Công an H.Việt Yên cho hay vẫn đang tiếp tục xác minh thêm, nhưng tạm thời dựa vào chứng cứ hiện có thì xử lý theo hướng không khởi tố.
Thông tin về vụ việc lập tức gây ra cuộc tranh luận xoay quanh khái niệm “dâm ô”, đặc biệt là dâm ô với trẻ em, với hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng hành vi của giáo viên M. chưa đủ để kết luận “dâm ô” như CQĐT khẳng định, do luật pháp quy định hành vi này chưa rõ ràng. Phía ngược lại cho rằng hành vi giáo viên nam sờ đùi, sờ mông… nữ sinh tiểu học, lặp lại với nhiều trẻ trong một thời gian thì không thể hiểu khác là “dâm ô”…

Khó xử lý hình sự vì “chưa sờ vào bộ phận sinh dục”

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng dâm ô với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có hành vi giao cấu với nạn nhân. Hay nói cách khác, hành vi dâm ô là hành vi tình dục nhưng không phải là hành vi giao cấu, chỉ nhằm thỏa mãn hoặc khêu gợi, kích thích nhu cầu dục vọng. “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo điều 146 bộ luật Hình sự (BLHS 2015) quy định người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù”, LS Hoan phân tích.
Cũng theo LS Hoan, trước đây Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV từng nêu dâm ô là hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó. “Đây là văn bản duy nhất có hướng dẫn về hành vi dâm ô nhưng đã hết hiệu lực. Và chết ở chỗ giáo viên này chỉ mới có hành vi sờ mông, đùi, véo má, véo tai, véo mũi…, chưa sờ vào bộ phận sinh dục nên khó để truy cứu trách nhiệm hình sự người này”, LS Hoan nhấn mạnh và cho rằng với trường hợp này, đối chiếu pháp luật hiện hành chỉ có thể xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” theo điều 5 Nghị định 167/2013.

“Không phải một, hai mà là hơn chục nạn nhân…”

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB-XH, đánh giá cao tinh thần xử lý nhanh, kịp thời tin báo tố giác của Công an H.Việt Yên. Tuy nhiên, ông cho rằng “kết luận không khởi tố vụ án của CQĐT là vội vã, chưa phản ánh đúng tích chất, bản chất sự việc”.
Ông Nam nhìn nhận, về pháp luật hiện nay thực tế chưa có văn bản nào định nghĩa thế nào là dâm ô, ngoài Thông tư liên tịch số 01/1998 nhưng đã hết hiệu lực. “Nhưng thông tư liên tịch này cũng chỉ nói chung chung dâm ô là hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em... Vậy bộ phận kích thích tình dục không phải là vùng mông, vùng đùi thì là đâu? Nếu CQĐT không khởi tố thì phải nêu rõ căn cứ theo quy định pháp luật nào để không khởi tố, rằng văn bản nào thể hiện dâm ô là phải sờ vào vùng kín. Nếu không, CQĐT phải thực hiện triệt để các biện pháp nghiệp vụ điều tra để bảo vệ thực trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em. Đây không phải là một hay hai nạn nhân mà là hơn mười cháu bé”, ông Nam phân tích.
Ngoài ra, ông Nam nêu vấn đề: “Điều tra tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, đặc biệt là dâm ô thì rất phức tạp. Điều tra viên phải tiếp xúc với tất cả nạn nhân, tiếp xúc không chỉ một lần, bởi thông thường đối với trẻ em không phải tiếp xúc một lần là các bé chịu trả lời với người lạ. Ngoài ra, theo luật Trẻ em năm 2016, để bảo vệ trẻ em trong tố tụng hình sự, thì những người tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với trẻ em; sử dụng ngôn ngữ thân thiện, dễ hiểu với trẻ em. Vậy cán bộ điều tra cấp huyện đã được tập huấn, thông qua những lớp đào tạo này hay chưa”.
LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội LS thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng chính quy định pháp luật chưa chặt chẽ khiến không thể bảo vệ được quyền trẻ em, đối tượng cần được bảo vệ nhất. “Cơ thể của trẻ em rất nhạy cảm, cần được bảo vệ, không bất cứ ai có thể đụng vào, trừ cha mẹ. Luật không nên rập khuôn, rằng phải sờ vào vùng kín mới truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi dâm ô. Nên quy định một người nào đó sờ vào bất kỳ bộ phận nào của một đứa trẻ dưới 16 tuổi, với mục đích khơi dậy, lôi cuốn hoặc thỏa mãn dục vọng, đam mê hoặc ham muốn tình dục của mình thì sẽ bị phạm tội. Có hành lang pháp lý đủ mạnh thì trẻ em mới được bảo vệ”, LS Nữ nói.
Theo LS Phạm Văn Hiến Minh, Đoàn LS TP.HCM, ở Mỹ và một số nước phát triển, nếu không phải là bố mẹ của trẻ và không được sự đồng ý của phụ huynh mà người lớn có những cử chỉ tác động vào cơ thể trẻ như nựng má, sờ, vuốt ve, ôm hôn… là phạm pháp. Các trường hợp có lời lẽ khiếm nhã, không tốt với trẻ cũng được xem là trái pháp luật.
“Với các đối tượng yêu râu xanh ở Mỹ, pháp luật chia ra 4 cấp độ vi phạm. Tội "dâm ô đối với trẻ em" nằm trong mức độ 2. Dâm ô trẻ em dưới 13 tuổi, hoặc từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Bên cạnh đó, kẻ phạm tội cũng phải đeo thiết bị giám sát GPS. Pháp luật Mỹ còn nhận dạng biểu hiện "dâm ô đối với trẻ em" là "sự đụng chạm có chủ ý vào bộ phận nhạy cảm hoặc vùng vải vóc che phủ bộ phận nhạy cảm của người khác". Trường hợp thủ phạm là người thân của trẻ bị xâm hại, thì có thể bị tước quyền giám hộ hoặc quyền làm cha mẹ”, LS Minh chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.