Sở Y tế TP.HCM: Nghiêm cấm chia dự án, dự toán thành 3 gói thầu mua sắm thiết bị y tế

12/04/2021 16:10 GMT+7

Đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm do mỗi nơi mua một giá dù thiết thị cùng chủng loại.

Ngày 12.4, Sở Y tế TP.HCM đã có thông báo kết luận, chỉ đạo của PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở y tế TP.HCM, về công tác khám, chữa bệnh quý I/2021 của TP.HCM. Bên cạnh vấn đề phòng chống Covid-19, thông tuyến tỉnh nội trú có thể dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế, lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh về công tác mua sắm trang thiết bị y tế, hàng hóa, dịch vụ (gọi chung là hàng hóa).
PGS.TS Tăng Chí Thượng đề nghị thủ trưởng đơn vị phải rà soát và xây dựng quy trình đấu thầu hàng hóa, phân công rõ trách nhiệm của từng bộ phận, phòng ban có liên quan.

7 vấn đề cần lưu ý trong đấu thầu trang thiết bị y tế

Trong vấn đề mua sắm hàng hóa, PGS.TS Tăng Chí Thượng đặc biệt nhấn mạnh 7 vấn đề mà các đơn vị cần lưu ý.

Thứ nhất, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa (đặc biệt là các trang thiết bị y tế) phải chi tiết, cụ thể đúng quy định và phù hợp với nhu cầu thực tế. Cần xác định đúng nhu cầu sử dụng, giá thu theo quy định, hiệu quả sử dụng và khả năng chi trả của người bệnh đối với hàng hóa mua sắm.

Thứ hai, xây dựng dự toán của gói thầu dựa vào các văn bản quy định, trong đó căn cứ các tài liệu tham khảo theo quy định tại Khoản 2 Điều 11, Thông tư 58 của Bộ Tài chính; Điều 8, Thông tư 14 của Bộ Y tế (đối với mua sắm trang thiết bị y tế). Ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế cũng như tính chất của các gói thầu, cần tham khảo thêm các tài liệu: giá đang mua sắm, chỉ số CPI, hệ số lương cơ sở, giá bán từ nhà sản xuất, giá trên tờ khai hải quan... để đảm bảo dự toán mua sắm có giá hàng hóa phù hợp với giá hàng hóa đó trên thị trường.
Thứ ba, ưu tiên áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là “đấu thầu rộng rãi”. Trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn khác thì trong văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do áp dụng hình thức lựa chọn khác (theo Điều 36, luật Đấu thầu). Nghiêm cấm chia dự án, dự toán mua sắm thành 3 các gói thầu trái với quy định của luật Đấu thầu nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu (Điều 89, luật Đấu thầu - các hành vi bị cấm trong luật Đấu thầu).
Thứ tư, xác định hồ sơ mua sắm/ hồ sơ yêu cầu là căn cứ pháp lý quan trọng để tổ chức, lựa chọn nhà thầu, hàng hóa trúng thầu. Hồ sơ mua sắm/hồ sơ yêu cầu phải được lập theo nội dung của từng loại hồ sơ mẫu, tính chất của hàng hóa, quy mô của gói thầu và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành với các tiêu chí đánh giá đầy đủ, rõ ràng.
Thứ năm, tổ chức, thực hiện đánh giá và thẩm định trong đấu thầu phải chặt chẽ và tuân thủ nghiêm các quy định của luật: nhân sự tham gia các tổ đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định (trường hợp, thuê đơn vị tư vấn đấu thầu thì phải đánh giá năng lực để lựa chọn đơn vị tư vấn tốt); phải có quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm rõ ràng, phù hợp với chuyên môn, trình độ của các thành viên trong các tổ đấu thầu; các cuộc họp, làm việc của các tổ đấu thầu phải được lập thành văn bản (phiếu đánh giá phiếu thẩm định; biên bản; báo cáo);
Thứ sáu, thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng theo Thông tư 11/2020 của Bộ KHĐT: Toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỉ đồng và lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỉ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù. Phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.
Thứ bảy, rà soát và xây dựng quy trình đấu thầu trang thiết bị y tế, hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị theo đúng quy định pháp luật, cần phân công rõ trách nhiệm của từng bộ phận, phòng ban có liên quan. Quy trình đấu thầu phải cụ thể hóa, chi tiết hóa, đặc biệt cần lưu ý các nội dung về xác định giá dự toán, hình thức lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu phải chi tiết, rõ ràng, thể hiện chuyên biệt theo cấu tinh của hàng hóa cần mua sắm, chú trọng khâu thẩm định sau cùng. Nâng cao năng lực công tác đấu thầu tại đơn vị đảm bảo tính chuyên nghiệp hóa trong công tác tổ chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.