Đây là dự án rất thu hút sự chú ý của dư luận, và những ngày qua, bạn đọc tiếp tục tranh luận sôi nổi về việc nên chọn đường sắt cao tốc nào?
Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án đường sắt cao tốc bắc - nam có tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; tổng mức đầu tư 58,7 tỉ USD.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đề xuất tổng vốn đầu tư chỉ 26 tỉ USD, tốc độ 200 km/giờ.
200 km/giờ, 26 tỉ USD…
Rất nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ đề xuất của Bộ KH-ĐT, vì nó tiết kiệm, phù hợp với điều kiện, kinh tế của nước ta. BĐ Mạnh Đức (Ninh Thuận) cho rằng đường sắt tốc độ 350 km/giờ thì chi phí đầu tư và vận hành rất lớn khiến giá cước rất cao, và chỉ chở được khách lữ hành, không thể cạnh tranh với giá cước hàng không. Còn đường sắt tốc độ 200 - 250 km/giờ (là đường sắt truyền thống được nâng đường ray lên khổ 143 cm) cho phép chở hành khách và hàng hóa như xi măng, sắt thép, nông sản... giữa 2 vùng kinh tế phía nam và phía bắc. Đồng tình với quan điểm trên, BĐ Lý Minh Tài (Trà Vinh) nhận định việc xây đường sắt vận chuyển cả hành khách lẫn hàng hóa sẽ giúp giảm bớt áp lực vận tải cho đường bộ cũng như hạn chế lượng xe container lưu thông trên QL1A.
Trong khi đó, BĐ P.A.Minh (TP.HCM) nóng ruột: Nên làm ngay đường sắt đôi khổ 1,4 m cho tốc độ 150 - 200 km/giờ để vận chuyển hành khách và hàng hóa là hiệu quả nhất rồi. Làm luôn đi. Khi nào đất nước phát triển hoặc sau năm 2050 thì mới tính có nên làm đường sắt cao tốc hay không. BĐ Lufy Phan (Hà Nội) cho biết “200 km/giờ là phù hợp vì 350 km/giờ cũng không cạnh tranh được với máy bay giá rẻ mà cực kỳ tốn kém trong xây dựng, vận hành”.
...Hay 350 km/giờ, 58,7 tỉ USD ?
Ngược lại, số BĐ ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT cũng không ít, lý do là cần phải có tầm nhìn xa, tránh tụt hậu... BĐ Hồ Xuân Vẻ (Hà Nội) cho rằng sau 30 năm nữa công nghệ đã thay đổi, lúc đó tốc độ 350 km/giờ có khi cũng đã lạc hậu rồi. Không nên tính toán kiểu nông dân xây nhà, có đến đâu làm đến đó, có chỗ ở là tốt lắm rồi, đến khi có điều kiện lại phá hết để xây mới, còn tốn kém hơn. Theo BĐ này, đa số sẽ lựa chọn đường sắt làm phương tiện đi lại và sẽ tạo sự cạnh tranh tốt đối với các phương tiện khác. Chúng ta nên có tầm nhìn xa và cơ bản chính xác để sau này không phải bổ sung, nâng cấp.
BĐ Lê Huy Cần (Hà Nội) lưu ý: Rất cần đường sắt cao tốc nhưng chất lượng phải như Nhật Bản. Cho dù ngang giá máy bay người ta vẫn đi. Trong khi đó, BĐ Nam (Hà Nội) thì chỉ quan tâm “không chậm tiến độ và đội vốn, vì đó mới là điều đáng sợ”.
Cuộc tranh luận về 2 đề xuất đường sắt cao tốc bắc - nam vẫn còn tiếp tục sôi nổi trong BĐ.
“Hiện nay đã cần tốc độ tàu chạy 350 km/giờ chưa? Xin thưa, chưa. Vậy phương án tốc độ 200 km/giờ là hợp lý, ưu việt và phù hợp với nước ta. Ở nước ta mà nghĩ làm đường sắt cạnh tranh với hàng không là không tưởng”. Đỗ Hữu Diên (Hà Nội)
“Ủng hộ quan điểm của Bộ GTVT. Nên nhớ đây là tuyến đường sắt cho năm 2050, vì vậy tầm nhìn cũng phải xa hơn. Vận chuyển hàng hóa thì đã có tuyến đường cao tốc bắc - nam và tuyến đường sắt hiện hữu, chỉ cần thay khổ đường lên 1,4 m thôi”. Thanh Quang (Thừa Thiên-Huế)
|
Bình luận (0)