Bất ngờ, tiếng con voi đầu đàn rống ngay phía sau vườn nhà ông Phan Văn Đại, phá vỡ không gian tĩnh mịch.
Ông Đại bật dậy, xách đèn pin chạy ra sân, hoảng hốt khi thấy 6 con voi rừng đang thản nhiên phá phách ở khu vườn ngay sát nhà ông. Đêm đó, hàng chục người đàn ông ở thôn Bãi Đá phải thức trắng, đốt đuốc, khua kẻng, hò hét xua đuổi đàn voi…
tin liên quan
Voi nhà đầu tiên mang thai trong 30 năm qua đã sinh nhưng voi con tử vongÁm ảnh những “chuyến thăm”
Chúng tôi đến thôn Bãi Đá sau chừng 20 ngày đàn voi rừng từ Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) mò ra phá phách vườn tược, cây cối, gây bất an cho người dân nơi đây. Dấu tích của 6 con voi vẫn còn để lại rõ nét trên khu vườn nhà ông Đại: đám cỏ bị giày nát, vườn keo bị phá tả tơi. Ông Đại dẫn tôi ra khu chuồng heo nằm cách nhà chừng vài chục mét, “tố”: “Đêm đó, chúng kéo về, cả 6 con quần ở đây mấy tiếng đồng hồ, phá mất của tui vườn chuối và vườn keo trên kia. Phát hiện đàn voi, mấy chục người trong thôn phải đốt đuốc, hò hét xua đuổi. Hơn 3 giờ sáng, sau khi quần nát mọi thứ, chúng mới chịu bỏ đi”.
Đây không phải lần đầu tiên voi rừng mò về khu dân cư này. Với người dân sống trong vùng đệm rừng quốc gia Pù Mát, gần như năm nào đàn voi cũng “về thăm”. Đàn voi rừng này đã nhiều lần về làng với thái độ hung dữ và đã từng “gây án”, quật chết 2 người, làm 4 người bị thương. “Lần này, chúng không tỏ ra hung dữ, nhưng lì lắm. Bọn tui tẩm dầu làm đuốc thắp sáng trưng, hàng chục người hò hét, gây tiếng động mạnh nhưng chúng vẫn cứ nhởn nhơ tỏ ra không sợ. Cả thôn Bãi Đá luôn sống trong cảm giác phập phồng vì đàn voi có thể quay lại bất cứ lúc nào”, ông Đại kể.
Cũng theo ông Đại, sau khi rời khỏi thôn Bãi Đá, đàn voi không quay lại rừng mà cứ đi lòng vòng ven rừng, giáp khu dân cư để tìm kiếm thức ăn. Ông Lô Văn Bình, ngụ ở bản Vều 3, cách thôn Bãi Đá chừng 4 km, cho hay ở bản Vều 3, voi về như cơm bữa. Nhưng “ấn tượng” nhất với dân bản có lẽ chuyến “viếng thăm” hơn 2 năm trước của đàn voi. Một đêm tháng 3.2015, đàn voi kéo về Bãi Gon - một vùng đất phẳng rộng gần chục héc ta, nằm lọt giữa những dãy núi, vốn là những ruộng mía đang độ thu hoạch của người dân bản Vều 3. Sau hơn 2 ngày đêm quần nát gần cả đồng mía, ăn một phá mười, đàn voi mới chịu rời đi.
Đêm mùng 2 tết năm đó, đàn voi cũng kéo về bản Vều 1 kiếm ăn, giày nát hoa màu trong vườn và mò vào tận bếp của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyển, hất tung chái bếp, lôi cả xoong chảo ném tứ tung. May đêm đó vợ chồng anh Tuyển không ở nhà. Năm 2011, đàn voi này mò vào lán trồng rừng ở bản Vều 1, đuổi công nhân chạy tán loạn và quật chết 1 người. Vào năm 2013, chính đàn voi này đã quật, giày chết 1 người ở bản Vều 1.
|
Xây hào cũng không thể ngăn
Ông Vi Văn Mùng (ngụ bản Vều 2) dẫn chúng tôi đi xem tường hào ngăn voi nằm cách bản một con suối. Đó là tuyến hào vừa được xây chạy dọc sườn núi. Dưới chân hào là một rãnh sâu khoảng 50 cm, được đổ bê tông, phía ngoài là bức tường xây bằng đá, cao khoảng 2,5 m. Tường hào này được xây dựng từ năm 2016, dài gần 5 km, kéo từ bản Vều 1 sang bản Vều 2 với kinh phí hơn 10 tỉ đồng do Ban Quản lý Vườn quốc gia Pù Mát làm chủ đầu tư. Mục tiêu là ngăn đàn voi rừng không xuống được khu vực dân cư sinh sống. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, tường hào không ngăn được bước chân của đàn voi rừng...
Nằm ở địa hình có độ dốc cao nên tường hào ngăn voi như một con đập chắn các khe núi, khiến nước bị ứ lại mỗi khi có mưa lớn. Đầu hào ngăn voi thuộc bản Vều 1 vừa rồi bị nước lũ xô sập một đoạn dài khoảng 300 m. “Năm nào cũng đến dịp cuối năm là voi về, luẩn quẩn ở đây cả tháng. Chúng đi khắp nơi, ít khi xuống khu vực khe suối này vì dưới đó không có thức ăn. Xây hào ngăn ở đây thì nó đi vòng qua các bản Vều 3, Vều 4 để xuống nhà dân, khó cản lắm”, ông Mùng nói.
tin liên quan
Đàn voi rừng khoảng 7 con ra bìa rừng kiếm ănNgồi bên bờ suối, nhìn về phía bên kia là bức tường hào, ông Lương Văn Hiệu (ngụ bản Vều 2), cũng không kỳ vọng hiệu quả từ tường hào này. “Voi rất khôn, khi chúng muốn xuống bản thì khó mà ngăn được. Không xuống được chỗ này, chúng tìm chỗ khác để xuống. Xây tường hào không khả thi, vì tiền đâu mà ngăn hết núi rừng bao la này. Về lâu dài, cần nghiên cứu giải pháp khác hiệu quả”, ông Hiệu lo lắng.
Tiếp tục sống chung với voi
Vườn quốc gia Pù Mát được Bộ NN-PTNT xác định là 1 trong 3 khu vực trung tâm bảo tồn voi của cả nước. Tại đây, các nhà khoa học ghi nhận hiện có khoảng 13 - 15 cá thể voi sinh sống, chia thành 2 đàn. Một đàn sống ở vùng lõi vườn, đàn còn lại có 6 con thường ra khu vực dân cư ở xã Phúc Sơn (H.Anh Sơn) và Thanh Đức (H.Thanh Chương) kiếm ăn. Xung đột giữa đàn voi rừng và cư dân sinh sống quanh khu vực này vẫn thường xảy ra và ngày càng có xu hướng căng thẳng do diện tích rừng bị thu hẹp nhanh, nguồn thức ăn trong rừng cạn, voi ra khỏi rừng tìm đến khu vực dân cư, đe dọa cuộc sống của người dân.
Đàn voi đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa, nhất là voi đực trưởng thành có thể bị giết hại để lấy ngà. Năm 2011, một voi đực trưởng thành đã bị sát hại tại khu vực giáp ranh giữa H.Thanh Chương và H.Anh Sơn để lấy ngà.
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, cho rằng trước đây, diện tích rừng tre nứa làm thức ăn cho voi khoảng 1.500 ha, nhưng nay đã bị chặt phá để trồng cao su, khu vực cung cấp thức ăn bị thu hẹp nên voi phải đi xa hơn hoặc xuống khu vực dân cư để tìm thức ăn. Ông Cường cũng thừa nhận, không tường hào nào có thể hoàn toàn ngăn được chân voi.
Cũng theo ông Cường, dự án bảo tồn voi được phê duyệt từ 4 năm nay nhưng thực tế, do nguồn vốn rót về nhỏ giọt, nên đến nay chỉ có hạng mục xây hào ngăn voi được bố trí vốn nhưng vẫn trong tình trạng dở dang. Các hạng mục khác như điều tra nghiên cứu, tuyên truyền bảo vệ rừng và nâng cao ý thức bảo tồn đàn voi cho người dân, khôi phục vùng sinh cảnh cho voi sinh sống rộng 250 ha... vẫn nằm trên giấy. Vì vậy, hàng ngàn người dân trong vùng “viếng thăm” của đàn voi rừng vẫn tiếp tục phải sống chung bất an với voi.
Bình luận (0)