Sống sót sau gần 40 giờ trôi dạt trên biển

10/09/2019 06:00 GMT+7

Dù đã trở về trong vòng tay của người thân tại quê nhà, nhưng trong ký ức của 41 ngư dân vụ chìm tàu câu mực ở Quảng Nam vẫn chưa thể tin rằng mình đã thoát chết.

Bảy ngày sau vụ chìm tàu câu mực QNa 91928 TS, 41 thuyền viên may mắn thoát nạn đã được tàu kiểm ngư KN 420 (thuộc Chi đội kiểm ngư số 4) đưa về cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Sáng 9.9, tất cả ngư dân được đưa về tại quê nhà H.Núi Thành (Quảng Nam).

Chia nhau ngụm nước để sống sót, 41 ngư dân chìm tàu trở về trong nước mắt

Đánh đu mạng sống trên biển cả

Gặp lại người thân, nhiều ngư dân chỉ biết ôm chặt lấy vợ, mẹ và con rồi khóc. Họ khóc cho cuộc hành trình dài lênh đênh trên biển. Khóc cho những con người may mắn sống sót trở về. Và khóc cho những ngư dân không may mắn nằm lại giữa biển cả...

Sau 1 đêm 2 ngày trôi vô định trên biển cũng là lúc tất cả đã hết hy vọng sống. Khi thấy tàu cá Quảng Ngãi, tất cả nhìn nhau như ngầm hiểu “sống rồi”. Như thể chúng tôi đã đi từ cõi chết trở về...

Ngư dân Huỳnh Văn Hải

Ngày 20.8, tàu QNa 91928 TS, do ông Bùi Văn Quốc (42 tuổi, ở thôn Tân Lập, xã Đảo Tam Hải, H.Núi Thành) làm thuyền trưởng cùng 43 ngư dân xuất bến tại Trạm kiểm soát An Hòa (H.Núi Thành) hành nghề câu mực khơi. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, lúc 8 giờ ngày 2.9, tàu QNa 91928 TS trên đường vào bãi Thuyền Chài (thuộc quần đảo Trường Sa) để tránh gió thì bị một cơn lốc xoáy đánh lật úp.
Các ngư dân không thể ngờ đây là chuyến biển cuối cùng của con tàu này và cũng là chuyến biển cuối cùng của 3 ngư dân là ông Nguyễn Tấn Vân (56 tuổi), Lê Văn Phường (46 tuổi), Trần Văn Cảm (55 tuổi, cả 3 đều trú xã Đảo Tam Hải).
Sống sót sau gần 40 giờ trôi dạt trên biển

Lê Thị Tiểu Nhi cùng bà nội khóc nức nở khi hay tin bố Nhi là ngư dân Lê Văn Phường mất tích

Ảnh: Mạnh Cường

Ngư dân Huỳnh Văn Hải (37 tuổi, ở thôn Long Thành Đông, xã Tam Hải, H.Núi Thành) kể, sáng 2.9, khi thấy biển động, mọi người trên thuyền chủ động di chuyển vào đảo Thuyền Chài để tránh trú. Khi tàu đang trên đường vào đảo, bất ngờ một cơn lốc xoáy ập tới chỉ chưa đầy 1 phút “nuốt chửng” cả con tàu dài hơn 20 m.
Các ngư dân trên tàu bị hất văng xuống biển. Riêng hai ngư dân Phường và Cảm khi ấy đang ngủ trong cabin nên không kịp thoát thân.

Ngày trở về của 41 ngư dân trên tàu cá bị lật ở Trường Sa

Khi ngoi được lên mặt nước, vớ được cái gì thì ngư dân vội vàng bám vào đó. Rất may, khi tàu chìm, nhiều can nhựa trên tàu trôi ra, các ngư dân vớ lấy làm phao cứu sinh. Sau đó, 41 ngư dân còn lại bơi lại gần nhau, kết các thân tre, can nhựa thành bè. Tất cả ngồi lên thả trôi tự do, phó thác tính mạng cho sóng biển gần 40 tiếng đồng hồ.
Đói, khát, và tuyệt vọng... Chính vào lúc đó, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi xuất hiện và cứu họ lên thuyền. Tàu KN 420 cũng có mặt và các ngư dân được đưa sang tàu để chăm sóc y tế, ăn uống; cùng tàu kiểm ngư tìm kiếm 3 ngư dân mất tích. Tuy nhiên, sau hơn 2 ngày tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy người mất tích, tàu kiểm ngư đã chở 41 ngư dân về đất liền.
Sống sót sau gần 40 giờ trôi dạt trên biển

Các ngư dân gặp nạn trở về quê nhà trong vòng tay người thân vào sáng 9.9

Ảnh: Mạnh Cường

Từ cõi chết trở về

Gần 40 giờ lênh đênh trên biển thực sự là thời khắc kinh hoàng của 41 con người đã dày dạn kinh nghiệm biển cả. Giữa lằn ranh sinh - tử, đã có lúc họ tuyệt vọng cùng cực. Nhưng rồi vẫn nắm tay nhau, hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến.
“Trôi trên biển ban ngày đã khủng khiếp rồi nhưng trôi vào ban đêm thì nỗi sợ hãi lại tăng lên gấp bội. Hoảng loạn, đói, rét… Chưa bao giờ chúng tôi thấy sợ biển cả đến thế. Chừng ấy tuổi là chừng ấy năm gắn bó với biển. Nhưng sợ, thì đây là lần đầu tiên. Lúc đó, chỉ ước là được gặp lại gia đình lần cuối thôi, ngoài ra không nghĩ được gì nữa…”, ngư dân Trần Văn Yến (42 tuổi, ở thôn Long Thành Đông) nói.
Ngoài cái lạnh thấu xương, điều ám ảnh 41 con người trôi trên biển cả là khát và đói. Theo lời kể của ngư dân Đinh Văn Trúc (50 tuổi, ở thôn Tân Lập, xã Đảo Tam Hải), 41 người phải chia nhau một chai nước (dung tích 500 ml) để duy trì sự sống trong gần 40 giờ lênh đênh trên biển. Dù khát, đói nhưng không ai dám uống nhiều vì sợ người sau không có cái uống.
“Sau 1 đêm 2 ngày trôi vô định trên biển cũng là lúc tất cả đã hết hy vọng sống. Khi thấy tàu cá Quảng Ngãi, tất cả nhìn nhau như ngầm hiểu “sống rồi”. Cảm giác lúc đó mừng lắm! Như thể chúng tôi đã đi từ cõi chết trở về... Chúng tôi đã trở về nhưng còn ba anh em nữa mãi mãi nằm sâu dưới biển cả...”, anh Hải nghẹn lại.

Chuyến đi biển cuối cùng của bố

Những ngư dân may mắn sống sót trở về sau chuyến biển đầy “bão táp”, đã lên phà vượt sông Trường Giang về xã đảo Tam Hải. Họ cùng nhau quyên góp một ít tiền, đến từng gia đình 3 người còn mất tích để động viên, chia sẻ sự mất mát với người thân. Từ khi nghe tin chồng mất tích, bà Phan Thị Cường (42 tuổi, vợ ngư dân Phường) khóc cạn nước mắt. “Sao anh không về cùng các anh em khác. Anh cùng đi chung chuyến tàu ấy mà. Sao anh lại bỏ mẹ con em mà đi?”, tiếng khóc của bà Cường như xé toạc không gian vốn yên tĩnh của xã đảo.
“Bố hứa sau chuyến biển này về sẽ cho tiền để con dẫn em mua quần áo mới đi học mà. Sao bố nói không giữ lời vậy? Bố ơi, về đi mà! Cô chú ơi, tìm bố về cho chị em cháu với. Đây là chuyến đi biển cuối cùng của bố cháu mất rồi”, em Lê Thị Tiểu Nhi (20 tuổi, con ngư dân Phường) ôm bà nội khóc nức nở.
Dẫu biết nghề đi biển vất vả và đầy rẫy sự nguy hiểm, tuy nhiên không thể đánh bại ý chí và sự quyết tâm vươn ra biển khơi của những ngư dân vừa trở về từ “cõi chết”. “Nghỉ ngơi một thời gian, chúng tôi sẽ tiếp tục vươn khơi, bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo VN”, ngư dân Đinh Văn Trúc khẳng định chắc nịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.