'Sóng thần người Nhật vẫn xếp hàng mà ta dự lễ hội cứ nhoi lên trước?'

16/03/2019 14:21 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở về những hành xử thiếu văn hóa của người Việt mà theo ông không cần phải nghiên cứu, tranh luận gì nhiều cũng nhận ra.

Ngày 16.3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo "Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử".

Những ứng xử thiếu văn hóa không phải bản chất của người Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bên cạnh các quy định trong pháp luật, các bộ quy tắc ứng xử thì các chuẩn mực văn hóa ứng xử được hình thành từ những tập quán truyền thống mà không cần lý giải gì nhiều nhưng ai cũng biết.
Theo Phó thủ tướng, có rất nhiều hành vi thiếu văn hóa mà không cần tranh luận gì nhiều, ai cũng thấy rất rõ, đặc biệt là khi báo chí hay người nước ngoài nhận xét về người Việt Nam.
“Đó là chen lấn. Người Việt Nam đi đâu cũng chen lấn, từ tham gia giao thông hay dự chỗ này chỗ kia đều chen lấn. Đó là một biểu hiện chưa thật văn hóa của người Việt Nam”, ông Đam nói.
“Đó còn là lãng phí. Chúng ta còn nghèo lắm nhưng lại lãng phí. Có nhiều bài viết rất đau lòng về việc người Việt Nam ra nước ngoài lãng phí đến mức các nhà hàng phải viết thông báo về việc tiết kiệm đồ ăn chỉ bằng tiếng Việt”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, biểu hiện đó còn là không ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, đi đến đâu là xả rác đến đó rồi nói to, ồn ào chỗ công cộng hay trễ giờ và sử dụng những thứ không phải của mình mà không xin phép…
Ông Đam lý giải, có nhiều hành vi, thói quen xấu, thiếu văn hóa hiện nay không phải là bản chất của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời.
“Dân tộc Việt Nam tự hào có truyền thống văn hiến. Nếu không có nền văn hóa, văn hiến rực rỡ chúng ta đã bị thuần hóa rồi và không thắng nổi thiên tai, địch họa để có một đất nước, cơ đồ như hôm nay”, ông Đam nhấn mạnh.
Theo Phó thủ tướng, có nhiều thói quen, hành xử không chuẩn về văn hóa được hình thành gần đây, nhất là trong quá trình chúng ta chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã không chú ý đúng mức tới văn hóa xã hội.
“Đây là căn bệnh chung của những nền kinh tế mới phát triển do thời gian đầu quá chú trọng phát triển kinh tế mà không chú ý tới vấn đề môi trường, văn hóa - xã hội”, ông Đam nói và cho biết, sau một thời gian, nhận ra vấn đề môi trường thì phải mất hàng chục năm, nhiều phần trăm GDP để khắc phục.
Và muộn hơn nữa, khi nhận ra những hệ quả việc không chú ý tới vấn đề văn hóa xã hội thì sẽ mất nhiều thế hệ, nhiều lần mức tăng trưởng mới giải quyết được.
“Hiện nay chúng ta đã làm rồi và phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này”, ông Đam nói thêm.

Phải làm cho những ứng xử có văn hóa dần quen với mọi người

Từ đó, ông Đam cho rằng, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các chuẩn mực về văn hóa thì có những việc có thể làm ngay và phải tập trung làm để tạo ra chuyển biến.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho rằng cần sớm xây dựng các chuẩn mực văn hóa cụ thể chứ không thể nói chung chung và phê phán lệch chuẩn văn hóa trong khi không ai biết cái chuẩn văn hóa đó là gì Ảnh Lê Hiệp
Phó thủ tướng dẫn ra 2 thói quen “thiếu văn hóa” của người Việt Nam cần tập trung sửa đổi là văn hóa xếp hàng và xả rác nơi công cộng.
“Nếu người dân có văn hóa xếp hàng thì giao thông sẽ khác. Tại sao người Nhật khi sóng thần mà người ta còn tuần tự xếp hàng mà chúng ta đi lễ, đi dự sự kiện chính thống mà cứ nhoi lên trước?”, ông Đam đặt câu hỏi.
“Thứ hai là xả rác. Chúng ta đi ra ngoài đường là xả rác. Còn ở nhà cũng vứt rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, làm khổ những anh chị em công nhân vệ sinh”, Phó thủ tướng trăn trở và cho rằng, nếu sửa đổi được 2 thói quen thiếu văn hóa này thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Đề cập vai trò của báo chí, ông Đam cho rằng, báo chí cần tích cực tuyên truyền để định hướng dư luận, thay đổi hành vi bằng cách nêu gương tốt, phê phán cái xấu.
“Phải làm sao để văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân như Bác Hồ nói. Muốn vậy, báo chí không chỉ đưa tin mà cần phân tích hành vi xét trên góc độ văn hóa và đưa ra các khuyến nghị”, ông Đam nói và đề nghị các nhà báo phải nghiên cứ về văn hóa và các nhà văn hóa phải tích cực hỗ trợ, phối hợp với báo chí để có những tác phẩm báo chí tốt.
“Phải làm cho những tấm gương tốt, những hành vi ứng xử có văn hóa dần dần quen với mọi người và ai nhìn vào hành vi thiếu văn hóa, chưa phù hợp với văn hóa phải nhận thức được và tránh không làm nó”, ông Đam đúc kết và khẳng định có như vậy thì công cuộc xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam mới đạt được kết quả tốt, sự phát triển đất nước mới thực sự bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.