Sống trên đảo đá khổng lồ ở Biển Đông

04/01/2016 08:44 GMT+7

Những công nhân Trạm Hải đăng Hòn Hải (Phú Quý, Bình Thuận) xa đất liền từ 4-5 tháng và chỉ có 5 người sống trên đảo đá khổng lồ, khắc nghiệt, thiếu thốn giữa biển khơi.

Những công nhân Trạm Hải đăng Hòn Hải (Phú Quý, Bình Thuận) xa đất liền từ 4-5 tháng và chỉ có 5 người sống trên đảo đá khổng lồ, khắc nghiệt, thiếu thốn giữa biển khơi.

Năm 2004, Trạm Hải đăng Hòn Hải được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) nam Trung bộ, thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam.
Từ đó đến nay, các cán bộ công nhân của công ty thay ca nhau (4 tháng/ca) ra Hòn Hải làm nhiệm vụ quản lý, vận hành ngọn hải đăng.
Do điều kiện sóng to giớ lớn liên tục, độ mặn cao và bề mặt đảo chỉ có đá, nên việc nuôi trồng, đảm bảo lương thực thực phẩm rất khó khăn, thậm chí cả nước ngọt cũng phải tiếp tế từ đất liền.
Cuối tháng 12.2015, PV Báo Thanh Niên đã theo tàu 735 của Công ty BĐATHH nam Trung bộ ra làm nhiệm vụ thay ca công nhân, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho Trạm Hải đăng Hòn Hải và chứng kiến cuộc sống, làm việc của các nhân viên trên đảo Hòn Hải.
Tàu 735 cập vào đảo tiếp tế lương thực, thực phẩm và cấp hàng Tết cho các công nhân hải đăng trên đảo
Trên bến cập tàu là khối bê tông kiên cố nửa nhà nửa lô cốt do bộ đội công binh xây dựng trong suốt 5 năm trời (1999-2004). Đây là nơi sinh hoạt, ăn ở và làm việc hằng ngày của các công nhân hải đăng
Những ngày biển động, sóng lớn trùm ngang đảo, phủ lên toàn bộ khối nhà bê tông
Khi ấy, các công nhân phải mang tài liệu, dụng cụ làm việc và các vật dụng thiết yếu, chui vào đường hầm bê tông tránh sóng và ăn ở sinh hoạt trong hầm. Đường hầm này cũng là con đường độc đạo dẫn lên bề mặt đảo, do là đảo đá, không thể xây dựng được đường từ chân đảo lên và có chiều dài 170m với 4 cửa thông ra ngoài trời
Lên đến của chính thông với bề mặt đảo, phải leo tiếp đường bê tông dài 107m mới tới ngọn hải đăng đảo Hòn Hải. Bề mặt đảo chỉ cỏ tranh và muống biển sống được, nhưng mùa gió to như thời điểm này, đều cháy khô bởi hơi mặn theo gió
Bên cạnh hải đăng là trạm tiếp sóng của Viettel mới xây dựng từ năm 2012 (bìa trái). Các thiết bị của hải đăng và Viettel đều chạy chủ yếu bằng giàn pin năng lượng mặt trời
Toàn bộ bề mặt đảo, nhìn từ đỉnh hải đăng. Dịp tháng 6-7 hằng năm, chim biển từ khắp nơi tìm về sinh sản và đậu kín đảo, anh em công nhân hải đăng lên kiểm tra đèn, phải đuổi chim mới thấy đường đi
Cuộc sống của những công nhân hải đăng Hòn Hải bó hẹp trong 5 phòng ở chật chội. Địa danh đảo Hòn Hải đã có từ rất nhiều năm nay nhưng ít ai biết đến
Trong suốt 5 năm ròng rã khảo sát, xây dựng các công trình trên đảo Hòn Hải, đã có 2 cán bộ chiến sĩ quân đội hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đó là Thiếu tá Nguyễn Văn Mộc (Đoàn Đo đạc biên vẽ bản đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân) và anh Nguyễn Văn Nhắng (Công ty Lũng Lô, Bộ Tư lệnh Công binh). Các công nhân khi ra đảo công tác, hết thời gian công tác về bờ và các đoàn công tác ra làm việc với đảo, đều qua thắp hương tưởng nhớ các anh
Nước ngọt trên đảo cực quý hiếm nên công nhân phải tận dụng đường bê tông trên bề mặt đảo làm nơi hứng và tích trữ nước khi mưa. Tuy nhiên, nước hứng này lẫn phân chim, rất độc hại và mất vệ sinh
Vườn rau trên đảo phải che chắn bằng đá, tránh gió và hơi nước mặn. Đất trồng rau cũng phải mang từng bao từ đất liền ra, cùng với hạt giống
Tuy có trạm tiếp sóng Viettel trên đỉnh, nhưng do ở điểm thấp, lại khuất núi nên sóng điện thoại rất tậm tịt, công nhân phải cố định điện thoại vào 1 điểm để... hứng sóng
Hàng Tết chuyển sớm cho đảo. Theo kế hoạch, phải đến tháng 4.2016 mới có chuyến tàu tiếp theo ra thay người, tiếp tế lương thực, thực phẩm và cả nước ngọt. Như vậy, Hòn Hải là đảo đón Tết âm lịch sớm nhất trong các đảo của nước ta, sớm hơn cả khu vực Trường Sa
Công nhân Bùi Thanh Nam (sinh năm 1979, quê Quảng Ngãi) xung phong ở lại thêm 1 ca nữa, nâng thời gian liên tục ở đảo lên ít nhất là 9 tháng và sẽ đón Tết ở Hòn Hải. Nam cũng là 1 trong số những người có thâm niên công tác nhiều nhất ở Trạm Hải đăng Hòn Hải
Phút chia tay giữa Trạm trưởng mới Nguyễn Ngọc Anh (bìa trái) và Trạm trưởng vừa kết thúc nhiệm vụ Đinh Công Tuấn (bìa phải)
Tàu rời bến, tân Trạm trưởng Nguyễn Ngọc Anh thẫn thờ ra lan can cầu tàu nhìn theo
Trên tàu, người về Đinh Công Tuấn cũng hướng mắt vào đảo cho đến khi đi xa tít

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.