Sốt ruột với dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn

16/08/2019 05:57 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội nói “sốt ruột”, “lo lắng” đối với các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch nhưng 10 năm vẫn “nằm trên giấy”, đội vốn hàng chục ngàn tỉ đồng.

Ngày 15.8, tại phiên chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết giám sát, kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đặt ra với các bộ trưởng, trưởng ngành hàng loạt vấn đề về tiến độ, chất lượng của các dự án cơ sở hạ tầng.

“Xây đi, xây lại, xây hoài... không xong”

ĐB Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày giải pháp đảm bảo tiến độ thi công dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, khi các dự án này vẫn đang gặp khó khăn về vay vốn ngân hàng. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đọc hai câu thơ về sự chậm trễ của các dự án này “Ví dầu cao tốc miền Tây/Xây đi, xây lại, xây hoài... không xong” để nói rằng, ông vẫn rất lo với tiến độ của các dự án dù thấy Bộ trưởng quyết tâm. Trong khi đó, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn về việc sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA) cho 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM đều chậm tiến độ và đội vốn, dự kiến lên đến trên 80.000 tỉ đồng.
Trả lời nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất của ĐBSCL, song từ khi triển khai tới nay đã 10 năm, tiến độ vẫn chậm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể nói, các dự án này đều đã được bổ sung vốn: dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 2.186 tỉ đồng, cầu Mỹ Thuận 2 là 5.100 tỉ đồng, dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ là 932 tỉ đồng. Đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Thể cho biết theo dự kiến tới 2020 sẽ cơ bản thông xe và hoàn thành toàn bộ dự án này trong năm 2021.
Trả lời sau đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định vấn đề hiện nay là công tác tổ chức thực hiện của Bộ GTVT, các địa phương, Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại bố trí vốn vay tín dụng để đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch. “Chúng tôi sẽ bám sát vấn đề này”, Phó thủ tướng cam kết.
Liên quan tới các dự án đội vốn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó là trách nhiệm các bộ ngành trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng lại khẳng định nguyên nhân chính là “không lường hết được các quy mô cũng như các hạng mục của dự án”, từ đó “buộc phải điều chỉnh”. “Đây là những dự án rất lớn, phức tạp nên trong quá trình, từ lúc phê duyệt cho đến khi triển khai thực hiện, đã điều chỉnh lại và đã làm tăng vốn rất lớn. Ví dụ tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã tăng từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng. Dự án số 2 (Tuyến đường sắt đô thị số 2 - PV) cũng tăng từ 26.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng. Dự án của Hà Nội cũng tăng khoảng 40.000 - 50.000 tỉ đồng”, ông Dũng cho hay.

Chưa phát hiện công an “bảo kê tín dụng đen”

Quan tâm tới vấn đề tội phạm tín dụng đen, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho rằng vấn nạn này vẫn diễn biến rất phức tạp và đề nghị Chính phủ cho biết trách nhiệm, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói “tín dụng đen” là vấn đề bức xúc của toàn xã hội và Bộ Công an đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Theo ông Lâm, trong 6 tháng đầu năm, công an cả nước đã khởi tố 436 vụ với 766 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê; khởi tố 214 vụ với 947 bị can về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch nhân sự; triệt phá 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi, có hoạt động liên quan tới “tín dụng đen”. “Chúng tôi đánh giá do trấn áp mạnh nên tội phạm liên quan tới “tín dụng đen” đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây”, ông Lâm nói song cũng nhìn nhận tình hình bảo kê, “tín dụng đen”, đòi nợ thuê vẫn còn rất phức tạp.
Trả lời câu hỏi có hay không việc bảo kê của lực lượng chức năng đối với “tín dụng đen”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định chưa phát hiện trường hợp nào lực lượng chức năng, kể cả công an, bao che, bảo kê cho “tín dụng đen”. “Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê hoặc có liên quan tới bảo kê, không có vùng cấm nào. Nếu nhân dân và ĐB Quốc hội chỉ ra được có những hoạt động vi phạm, thì thông tin cho chúng tôi”, ông Lâm nói.

Tham nhũng "vặt" gây bức xúc, nhức nhối

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về giải pháp chống tham nhũng “vặt” khi tình trạng này chưa có nhiều chuyển biến, người dân vẫn rất bức xúc thời gian qua. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, đây là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối.
“Tuy gọi là tham nhũng vặt nhưng tác dụng của nó không vặt, ví như con đê cao to hùng vĩ nhưng có thể vỡ bất cứ lúc nào vì tổ mối rất nhỏ. Tác hại của nó là phá hoại đạo đức công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp”, ông Huệ nói, đồng thời cho biết Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế, để không xảy ra tình trạng chồng chéo, tùy tiện trong quá trình thực thi công vụ.
“Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22.4.2019 đồng thời tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này để chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Tới đây sẽ có một số chuyển biến”, ông Huệ nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.