Lời tòa soạn: Cách đây 32 năm (ngày 16.9.1987), chiếc máy bay vận tải quân sự An-26 số hiệu 285 gặp tai nạn tại vùng rừng núi Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành chức năng đã khẩn trương cứu hộ cứu nạn, giải quyết hậu quả vụ việc. 32 năm sau vụ tai nạn, ngôi mộ tập thể của 62 nạn nhân vụ tai nạn máy bay đã được đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Bặt vô âm tín
Sáng sớm ngày 16.9.1987, đại úy Vương Hữu Quý (lúc ấy 40 tuổi), Phó phi đội trưởng An-26 thuộc Trung đoàn Không quân vận tải 918, Quân chủng Không quân, nay là Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không không quân (QC PKKQ) dậy sớm, tạm biệt vợ là Nguyễn Thị Hiển (lúc đó 34 tuổi, giáo viên trường cấp 2; nay là trường THCS) TT.Yên Viên, H.Gia Lâm, TP.Hà Nội để vào đơn vị ở sân bay Gia Lâm, thực hiện nhiệm vụ lái chính - cơ trưởng chuyến bay vận tải trên máy bay An-26 số hiệu 285, chặng bay Gia Lâm - Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất.
|
Ngồi với tôi, bà Nguyễn Thị Hiển (năm nay 66 tuổi) nghẹn ngào kể: “Ông ấy nhường đồ ăn sáng cho 3 đứa con lít nhít, để vào ăn trong đơn vị” và thẫn thờ: “Buổi trưa hôm ấy, ruột gan tôi nóng như lửa. Đến tối thì biết tin máy bay mất tích”....
|
Trưa 16.9.1987, chị Võ Lan Phương khi đó 16 tuổi, đạp xe chở ba mình là đại tá Võ Xuân Phong (Phó tham mưu trưởng mặt trận 579) ra sân bay quân sự Đà Nẵng để đi máy bay vận tải quân sự vào TP.HCM họp tổng kết chiến dịch mùa khô.
Đại tá Phong mới từ chiến trường Campuchia về nước và tranh thủ ghé thăm gia đình, trước khi dự họp. Mãi gần trưa, chiếc máy bay An-26 số hiệu 285 cất cánh từ sân bay Gia Lâm, mới hạ xuống sân bay Đà Nẵng nhiều mây mù, đón đại tá Phong và vài cán bộ quân đội, bay vào TP.HCM. Từ lúc máy bay cất cánh, chị Phương cứ bồn chồn không yên. Buổi chiều tối, cả khu gia binh Quân khu 5 sững sờ khi nghe tin: “Máy bay 285 mất tích. Trong số những người trên máy bay, có 3 cán bộ thuộc Quân khu 5 mới lên từ Đà Nẵng lúc trưa 16.9. Đó là đại tá Võ Xuân Phong, trung tá Ngô Tấn Phước và thiếu tá Phùng Tấn Vạn”.
|
“Chiều 16.9.1987, ruột gan tôi cũng cồn cào như lửa đốt. Buổi tối nghe mấy người trong đơn vị nói máy bay quân sự mất tích, không ngờ trên đó có chồng tôi”, bà Phạm Thị Chỉnh (64 tuổi, hiện đang ở P.9, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) kể vậy khi chúng tôi tìm đến hỏi về chồng bà - thiếu tá Nguyễn Công Toàn, trợ lý chính sách của Học viện lục quân Đà Lạt đi trên chuyến bay An-26 số hiệu 285 bay ngày 16.9.1987. Bà Chỉnh kể: Năm 1977, thiếu tá Nguyễn Công Toàn chuyển công tác từ Lữ đoàn đặc công 198 sang Học viện Lục quân Đà Lạt và đưa vợ từ Hoa Lư (Ninh Bình) vào làm việc ở Đoàn an điều dưỡng 198.
Ngày 14.8.1987, thiếu tá Toàn từ TP.Đà Lạt xuống TP.HCM ra công tác Hà Nội dài ngày bằng máy bay vận tải quân sự và khi vào cũng vẫn đi máy bay. Mãi không thấy chồng về, bà Chỉnh lên đơn vị hỏi nhưng mọi người đều lắc đầu. Vài tháng sau, chỉ huy đơn vị mới nói thật: “Chưa biết sống chết ra sao vì chưa tìm thấy máy bay vận tải”. “Hồi ấy, có lời dị nghị máy bay trốn ra nước ngoài. Tôi vừa ngóng tin chồng vừa phải chống chọi với tin đồn ông ấy vượt biên cùng máy bay. Đêm nào cũng nằm ôm 3 đứa con và khóc thầm gọi chồng trở về”, bà Phạm Thị Chỉnh kể.
|
Tìm kiếm suốt ngày đêm
Đại tá Nguyễn Thế Cường, nguyên Phi đội trưởng phi đội, Lữ đoàn 918 rành rọt: “Thời điểm ấy, hàng không dân dụng không có nhiều máy bay nên việc chuyên chở Bắc - Nam chủ yếu do máy bay An-26 đảm nhiệm. Mỗi ngày, đều đặn có 3 - 5 chuyến từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và ngược lại. Sáng 16.9.1987, chuyến bay số hiệu 285 là chuyến bay đầu tiên từ Bắc vào Nam. Dự định sẽ hạ cánh Tân Sơn Nhất lúc 13 giờ, nhưng chờ mãi, khi chuyến thứ 3 đã hạ cánh, liên lạc với 285 không được, sở chỉ huy quân chủng báo động “285 mất tích”. Căn cứ vào thời điểm hạ độ cao, đơn vị tổ chức cho các máy bay An-26 bay đi tìm, nhiều nhất là khu vực An Lộc (Long Khánh, Đồng Nai). Trực thăng của trung đoàn 917 cũng bay tìm kiếm, nhưng bặt vô âm tín”.
|
“Những ngày sau đó, chúng tôi sống trong tâm trạng rất nặng nề vì không thấy tin tức của An-26 số 285. Dư luận xã hội thì đồn thổi tổ bay điều khiển máy bay trốn đi nước ngoài. Cơ quan chức năng thì liên tục xuống làm việc. Mãi 6 tháng sau, cuối tháng 3.1989 khi người dân ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) phát hiện và bộ đội tìm đến hiện trường, mới chắc chắn tổ bay không vượt biên, không phản bội Tổ quốc”, đại tá Cường kể lại. (Còn tiếp)
Toàn bộ 62 người đi trên chuyến bay An-26 số hiệu 285 đều tử nạn. 6/62 người là dân sự, con em quân đội. 56 người là quân nhân, gồm: 7 sĩ quan mang cấp hàm đại tá (Bùi Ủy, Phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân; Võ Xuân Phong, Phó tham mưu trưởng mặt trận 579; Nguyễn Thanh Phan, Thanh tra quân đội; Nguyễn Anh Dũng, BCHQS tỉnh Thuận Hải (nay được tách thành tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận - PV); Nguyễn Đình Lợi, Tổng cục Hậu cần; Phan Quốc Tâm, Tổng cục Kỹ thuật; Vũ Chu Mộng, Học viện quân sự cấp cao). Số quân nhân còn lại mang hàm từ trung tá trở xuống đến thượng sĩ và 7 cán sự - công nhân viên quốc phòng. Trong 62 nạn nhân, có 15 nữ chủ yếu công tác tại các bệnh viện quân y. Thương tâm hơn, đại tá Nguyễn Thanh Phan (thanh tra quân đội) và vợ là bà Hoàng Thị Lương đi cùng chuyến bay 285 cùng tử nạn. Cũng trong chuyến bay này có chị Hoàng Thị Minh Hải (công nhân viên Quân chủng Hải quân) là con gái của chuẩn đô đốc Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Hải quân (giữ chức Phó đô đốc - tư lệnh Hải quân giai đoạn 1990 - 1994)…
7 quân nhân trong tổ bay An-26 của Lữ đoàn 918 gặp tai nạn ngày 16.9.1987, gồm: trung tá Đào Hữu Ngoan (SN 1936, trung đoàn trưởng, quê Tiên Lữ, Hưng Yên); đại úy Vương Hữu Quý (SN 1947, Phó phi đội trưởng An-26, quê Bích Sơn, Việt Yên, Bắc Giang); thượng úy Ngô Khắc Sự (SN 1962, lái phụ máy bay An-26, quê Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội); thượng úy Nguyễn Quốc Hòe (SN 1959, dẫn đường trên không An-26, quê Minh Đạo, Tiên Du, Bắc Ninh); thượng úy Nguyễn Ngọc Vân (SN 1959, dẫn đường trên không An-26, quê Trung Lương, TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh); thượng úy Triệu Minh Sơn (SN 1960, Cơ giới trên không An-26, quê Phú Xuyên, Đại Từ, Thái Nguyên); trung úy Nguyễn Xuân Loan (SN 1959, Thông tin trên không An-26, quê ở Nguyệt Đức, Yên Lạc, Vĩnh Phúc)…
|
Máy bay An-26 số hiệu 285 gặp nạn ngày 16.9.1987 tại Lộc Châu (Bảo Lộc, Lâm Đồng), được sản xuất tại Liên Xô (cũ) với số xuất xưởng 11707, tháng 12.1981. Vào Việt Nam tháng 7.1982. Giờ hoạt động: 980/4.000 giờ. Số lần cất hạ cánh: 820 lần. (Đại tá Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Giám đốc nhà máy A41, QC PKKQ)
|
Máy bay An-26 số hiệu 285 nằm trong lô cuối của loạt An-26 viện trợ cho Việt NamNăm 1979, theo thỏa thuận giữa 2 nhà nước Liên Xô (cũ) và Việt Nam, Chính phủ Liên Xô viện trợ cho Quân chủng Không quân 1 trung đoàn máy bay vận tải quân sự An-26. Đây là loại máy bay vận tải tầm trung, chở được khoảng 50 hành khách, tốc độ bay 400 - 500 km/giờ, tầm bay khoảng 2.000 km; phù hợp với địa hình Việt Nam.
Đầu năm 1981, loạt máy bay An-26 đầu tiên do Liên Xô viện trợ đã về đến Việt Nam để lắp ráp, đưa vào sử dụng. Tháng 7.1981, Trung đoàn 918 tiếp nhận phi đội máy bay An-26 thứ 2, nâng tổng số lên 20 chiếc.
Trong năm 1982, thêm một số máy bay An-26 được chuyển từ Liên Xô sang Việt Nam và máy bay số 285 nằm trong số này. Ngay sau khi được đưa vào biên chế, 285 đã tham gia nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của trung đoàn bằng máy bay An-26 và sau đó là các chuyến bay tại tại chiến trường Campuchia, vận tải quân sự Bắc - Trung - Nam…
Máy bay An-26 số hiệu 285 nằm trong lô cuối của loạt An-26 viện trợ cho Việt Nam nên còn rất mới, thường được dùng làm “chuyên cơ” chở các lãnh đạo, đoàn khách quan trọng. Hai lái chính đều chuyển từ tiêm kích sang bay cánh quạt từ lâu, tích lũy rất nhiều giờ bay và kinh nghiệm. Chỉ có 2 nhân viên dẫn đường là đang kèm cặp nhau. (Đại tá Nguyễn Duy Lê, nguyên Trung đoàn trưởng 918)
|
Ngày 16.9.1987, trong khi thực hiện chuyến bay nhiệm vụ đường dài Gia Lâm - Tân Sơn Nhất, máy bay An-26 số 285 của tổ bay Vương Hữu Quý (lái chính), Đào Hữu Ngoan, quyền Trung đoàn trưởng (lái phụ) gặp tai nạn ở khu vực rừng núi tỉnh Lâm Đồng. Tổ bay và toàn bộ hành khách đi trên chuyến bay đều tử nạn. Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng tới sức chiến đấu của quân chủng Không quân và của trung đoàn, gây chấn động trong dư luận xã hội và không khí trong đơn vị. Do không sớm xác định được nguyên nhân tai nạn và vị trí máy bay rơi nên vụ tai nạn đã gây hậu quả về nhiều mặt và kéo dài nhiều tháng… (Nguồn: Lịch sử Lữ đoàn không quân 918)
|
Bình luận (0)