Mộ chung
Tảng đá nơi máy bay An-26 đâm vào, ghi tháng 3.1991
|
Ông Mạo cho biết, thời điểm xảy ra vụ
rơi An-26, ông là Phó chủ nhiệm chính trị nhưng đang học ở Hà Nội nên việc tìm kiếm, quy tập tháng 4-6.1988 do đại tá Bùi Minh Hớn, Phó chỉ huy trưởng kiêm tham mưu trưởng BCHQS tỉnh Lâm Đồng đảm trách. Đầu tháng 5.1991, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, BCHQS tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai việc thu dọn, quy tập hài cốt xung quanh khu vực máy bay An-26 số hiệu 285 gặp nạn và ông Mạo trực tiếp chỉ huy lực lượng tìm kiếm.
Số hài cốt và CMND của các nạn nhân được tìm thấy vào tháng 3.1991
|
Ông Mạo nhớ lại: “Từ mờ sáng đoàn tìm kiếm đã tập kết quân ở bờ suối và đi bộ vào tới hiện trường máy bay rơi lúc 10 giờ. Nhiệm vụ của cả đoàn là tập trung tìm các di vật và hài cốt rơi xuống khe sâu, dưới tảng đá mà máy bay đâm vào. Sau 2 ngày, việc tìm kiếm kết thúc. Phần lớn quân phục, quần áo, giày dép tìm thấy được gom lại đốt tại hiện trường. Số hài cốt thu nhặt chừng 3 - 4 bao tải được gùi ra ngoài, đưa về BCHQS TX.Bảo Lộc để sáng hôm sau mai táng tập thể ở vị trí gần
nghĩa trang liệt sĩ. “Lý do không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ là trong thành phần tử nạn có cả dân thường, người thân của các quân nhân. Ngoài ra, trong 2 lần tìm kiếm trước (lần 1 do đoàn tìm kiếm cứu nạn của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Không quân thực hiện đầu tháng 4.1988; lần 2 do BCHQS tỉnh Lâm Đồng thực hiện trong 2 tháng 5 và 6.1988), phần lớn hài cốt đã được tìm kiếm và chuyển cho các gia đình thân nhân, làm lễ truy điệu, đưa vào nghĩa trang chôn cất ”, ông Mạo nói.
Động cơ của máy bay An-26 số hiệu 285 tại hiện trường (3.1991)
|
Ít người biết
Ngôi mộ tập thể trong vụ tai nạn máy bay An-26 khoảng 15 m2, nằm trong khu đất của người dân, phía sau Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) TP.Bảo Lộc (ở xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc), ngay cạnh QL20. Mộ có hàng rào thấp làm bằng sắt, phía trong có đặt 4 chiếc ghế đá ghi dòng chữ “Cựu chiến binh Không quân kính tặng”. Phía sau nơi thắp hương có tấm bia khắc dòng chữ “Mộ tưởng niệm những nạn nhân trong vụ máy bay An-26 rơi ngày 16.9.1987” và ở phần bia mộ đề tên danh sách 62 nạn nhân tử nạn.
Trẻ em địa phương thắp hương lên mộ các nạn nhân
|
Ông Trần Đình Long (52 tuổi), chủ của miếng đất có phần mộ, cho biết: Năm 1954 gia đình ông từ Bắc vào Bảo Lộc lập nghiệp. Những năm cuối 80, khu vực này rất vắng vẻ, đất lại xấu không phù hợp cho trồng trọt nên gia đình ông chuyển ra sống gần QL20. Mãi 20 năm gần đây gia đình ông Long mới chuyển về chỗ cũ. “Khi chúng tôi chuyển nhà về thì đã có ngôi mộ tập thể. Đây là mộ chôn hài cốt của đợt tìm kiếm lần thứ 2. Trước đây chỉ là ngôi mộ nhỏ bị cỏ cây che khuất nên chẳng ai nhìn thấy. Mấy năm gần đây, ngôi mộ mới được ông Nguyễn Thanh Lâm (nguyên Giám đốc nhà máy A41, Quân chủng Phòng không - Không quân) và các cựu binh tu sửa khang trang hơn, có làm bia đá khắc tên người tử nạn, làm hàng rào, trồng cây… Ngày 16.9 hằng năm, một số thân nhân cũng báo nhau tìm đến thắp hương cho người đã khuất”, ông Long nói.(Còn tiếp)
Bình luận (0)