Tạm dừng phiên xét xử để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp

18/03/2021 06:31 GMT+7

Phiên tòa xét xử sai phạm vụ hoán đổi nhà đất tại TP.HCM, phải tạm dừng 5 ngày để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.

Sáng 17.3, phiên tòa liên quan đến bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2005 - 2011) và 8 bị cáo đồng phạm, phải tạm dừng 5 ngày do phát sinh tình huống pháp lý “bị cáo Diệp la lối”, ảnh hưởng đến sức khỏe của bị cáo.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp gây rối, đập phá, la hét tại tòa

Bị cáo Diệp phản đối lời khai tại cơ quan điều tra

Cụ thể, trước khi vào phần tranh luận, chủ tọa Phạm Lương Toản công bố một số lời khai của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương) về việc có hay không thế chấp tài sản 57 Cao Thắng. Trong đó, có bút lục không có sự chứng kiến của luật sư (LS), nhưng có bút lục thể hiện lời khai này được ghi nhận lại trong bản cung khác và có sự tham gia của một số LS của bị cáo Diệp.
Lời khai tại cơ quan điều tra (CQĐT) của bà Diệp có nội dung: Nhà 57 Cao Thắng được Công ty Diệp Bạch Dương mua bằng nguồn tiền vốn tự có và vay của Ngân hàng Agribank TP.HCM. Sau khi mua, Công ty Diệp Bạch Dương đã đứng tên sở hữu nhà 57 Cao Thắng. Sau khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và đất 57 Cao Thắng, Công ty Diệp Bạch Dương do tôi làm giám đốc và đại diện, ký hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay với Agribank TP.HCM theo hợp đồng thế chấp tài sản để đảm bảo cho khoản vay 67.000 lượng vàng SJC…
Trong lúc chủ tọa đang công bố lại lời khai của bà Diệp, bị cáo này lập tức đứng lên phản đối và la lớn: “Tôi không đồng ý…” và cho rằng lời khai này “không có thật”.
Chủ tọa nhắc nhở bị cáo Diệp ngồi xuống, nhưng bị cáo Diệp tiếp tục đứng lên la hét, tiến về bục khai báo đập tay lên bục. Chủ tọa yêu cầu cảnh sát dẫn giải đưa bị cáo Diệp ra ngoài, đồng thời yêu cầu thư ký phiên tòa ghi lại tình huống pháp lý bị cáo không tuân theo sự điều hành của HĐXX, có hành vi gây rối tại phiên tòa.
“Tài liệu này HĐXX chưa có bất cứ một đánh giá nào và chỉ công bố để HĐXX, đại diện VKS và các LS trong vụ án biết, có cái nhìn toàn diện về vụ án”, chủ tọa Phạm Lương Toản nói, sau đó HĐXX tiếp tục công bố lời khai của bà Diệp tại CQĐT.

Chủ tọa cương quyết nói về vụ bà Dương Thị Bạch Diệp la hét tại tòa

Luật sư không ký biên bản lập việc bà Diệp “la lối tại tòa”

Dù được cảnh sát hỗ trợ tư pháp áp giải ra ngoài, bà Diệp vẫn tiếp tục la hét ngoài phòng xử. HĐXX tiếp tục đề nghị bộ phận giữ ổn định trật tự phiên tòa. Trong trường hợp bị cáo vi phạm trật tự phiên tòa thì xử lý theo quy định. “Đây không phải là nơi để bị cáo khi không đúng ý thì thực hiện hành vi gây rối tại tòa”, chủ tọa nêu.
Hành vi trên của bị cáo Diệp sau đó được HĐXX lập biên bản riêng để ghi nhận sự kiện pháp lý này. Biên bản đã có chữ ký của HĐXX, đại diện VKS, cơ quan giam giữ, cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Nhưng để ghi nhận một cách khách quan diễn biến sự kiện pháp lý này, HĐXX cho rằng cần có chữ ký của LS bà Diệp, một số LS khác và bị cáo tại phiên tòa...
Tuy nhiên LS Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Diệp) từ chối ký vào biên bản. Theo LS Hoài, vì các thành phần trong biên bản đã ký, và là LS của bà Diệp, ông tôn trọng HĐXX nhưng mong HĐXX “hết sức thông cảm” bởi ông đang bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Diệp.
Ngoài ra, 2 LS Trương Trọng Nghĩa và Trần Văn Tạo khi được HĐXX yêu cầu ký vào biên bản cũng từ chối. LS Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc ký vào biên bản có thể phát sinh quan hệ khác ngoài việc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài nên mong HĐXX thông cảm. LS Trần Văn Tạo đánh giá, nội dung biên bản không ghi rõ lý do vì sao bị cáo Diệp la lối nên ông không ký; riêng bị cáo Nguyễn Thành Tài xin ghi nhận nội dung được phản ánh trong biên bản hoàn toàn đúng sự thật.
Ngoài ra, do bà Diệp ngất xỉu sau khi được đưa ra khỏi phòng xử, một số LS đề nghị tạm dừng phiên tòa. HĐXX yêu cầu các bác sĩ kiểm tra nhanh tình trạng sức khỏe bà Diệp. Sau đó, các bác sĩ thông báo tình trạng của bà Diệp tạm thời ổn định, tuy nhiên do đã lớn tuổi, nhiều bệnh nền, nếu phiên tòa tiếp tục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bị cáo Diệp.
HĐXX thông báo tạm dừng phiên xét xử và sẽ mở lại vào ngày 22.3 tới.

Nguyễn Thành Tài và đại gia Dương Thị Bạch Diệp “phù phép” đất công ra sao?

Sáng 17.3, đại diện Viện KSND TP.HCM thẩm vấn bổ sung đại diện Sở TN-MT rằng “thông báo Trung tâm thông tin và đăng ký nhà đất (Sở TN-MT) gửi Phòng TN-MT Q.3 và đơn vị liên quan về thông tin thế chấp tài sản 57 Cao Thắng được gửi đi ngày 31.12.2000 hay 31.12.2008?”.
Đại diện Sở TN-MT trả lời theo hồ sơ lưu trữ là ngày 31.12.2008. Qua đó, VKS nêu: “Quá trình sao chụp hồ sơ, có thể chữ số không rõ, do vậy các LS xác định là năm 2000, có thể mượn lại hồ sơ chính tại tòa để xem xét, tại bút lục 1131”.
Trước đó, bà Diệp cho rằng có sự mâu thuẫn thời gian về việc thế chấp và đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản 57 Cao Thắng. Bởi, tài liệu điều tra thể hiện ngày 31.12.2000, Trung tâm thông tin và đăng ký nhà đất có thông báo Phòng TN-MT Q.3 và đơn vị liên quan về thông tin thế chấp tài sản 57 Cao Thắng; nhưng cũng trong hồ sơ vụ án, việc đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp 57 Cao Thắng lại là ngày 31.12.2008.
Theo cáo trạng, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp có hành vi đưa tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp tại Agribank TP.HCM để hoán đổi tài sản nhà nước 185 Hai Bà Trưng (Q.3). Hậu quả, nhà nước bị mất tài sản 185 Hai Bà Trưng, đồng thời cũng không thể xác lập chủ quyền đối với tài sản 57 Cao Thắng, dẫn đến thiệt hại hơn 186 tỉ đồng.
Tuy nhiên, qua lời khai tại tòa, bị cáo Diệp trình bày không đưa tài sản 57 Cao Thắng thế chấp mà bị Agribank TP.HCM lừa đưa tài sản này vào làm tài sản thế chấp cho khoản vay 8.700 lượng vàng SJC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.