Chiều 25.10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác của Thành ủy và UBND TP.HCM khảo sát thực địa một số điểm ngập nước trên địa bàn Q.Thủ Đức như tuyến đường số 16 (P.Linh Đông), tuyến kênh dọc đường sắt Bắc - Nam, khu vực rạch Cầu Ngang.
Gặp gỡ một số hộ dân ở khu vực ngập nước do mưa, ông Nên chia sẻ với những khó khăn mà người dân gặp phải, đồng thời cho biết sắp tới TP.HCM sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ngập nước, trong đó tập trung xử lý các điểm ngập ở Q.Thủ Đức.
Tại buổi làm việc về công tác giảm ngập sau đó, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết đầu năm 2008 có 126 tuyến đường trục chính bị ngập do mưa, đến năm 2016 còn 40 tuyến đường; với các dự án đang thực hiện thì đến hết năm 2020 sẽ giải quyết được thêm 25 tuyến đường hết ngập.
Về các điểm ngập do triều, TP.HCM có 9 tuyến đường trục chính, trong đó ngập nặng nhất là đường Lương Định Của và Huỳnh Tấn Phát, 7 tuyến đường bị ngập nhẹ là đường Nguyễn Văn Hưởng, xa lộ Hà Nội, QL50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, tỉnh lộ 10...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận công tác phòng, chống ngập, giảm ngập nước là công việc thường xuyên; công việc này vừa cấp bách nhưng cũng mang tính lâu dài và đòi hỏi phải tập trung nhiều nguồn lực để giải quyết hiệu quả. Ông Nên đánh giá công tác chống ngập thời gian qua đã đem lại một số kết quả, giúp giảm ngập nước ở một số nơi, dù vậy nhiều điểm ngập mới xuất hiện, thậm chí nơi có địa hình cao như Q.Thủ Đức cũng bị ngập. Do đó, TP.HCM cần tính toán kỹ hơn nguyên nhân ngập nước ở từng khu vực. Đặc biệt, các giải pháp xử lý tình trạng ngập nước phải làm đồng bộ chứ không chỉ đơn thuần xử lý cục bộ.
“Hôm nay, tôi muốn mọi người cùng đi đến những địa điểm thực tế để tận mắt thấy được, chia sẻ với bà con và đặt ra trách nhiệm của mình để xử lý càng sớm càng tốt. Bởi vì theo dự báo thì tình hình mưa lũ, bão đang diễn biến phức tạp. Nếu chúng ta không tập trung lo trước thì khi sự việc đến sẽ trở tay không kịp”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Bình luận (0)