Tăng biên chế là một dạng tham nhũng

31/10/2017 07:57 GMT+7

Hôm qua, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

“Nồi Thạch Sanh” cũng không đủ nuôi bộ máy cồng kềnh
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng biên chế cứ phình ra, báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện đề án tinh giản biên chế cho biết giai đoạn 2005 - 2010 tăng 13,7%, đến năm 2015 tăng 12,2% và đang tiếp diễn. Theo ĐB Phương, đó là do còn hiện tượng tùy tiện trong bổ nhiệm, đề bạt, thành lập vụ, viện; hình thành một số chức danh không đúng quy định như hàm vụ trưởng, hàm vụ phó; quy định mỗi bộ có tối đa 4 thứ trưởng nhưng có bộ có tới 9 thứ trưởng... “Việc làm này dẫn đến tình trạng T.Ư làm được thì tỉnh làm được, bộ làm được thì các sở, ngành làm được”, ĐB Phương nói.
Trong ngày 30.10, QH nghe báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày. Theo báo cáo, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn. Đến nay, ngoài Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT không tổ chức phòng trong vụ, vẫn có 16 bộ, cơ quan ngang bộ duy trì phòng trong vụ, tổng số phòng là 320, trong đó có những vụ có rất nhiều phòng (như Bộ KH-ĐT, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN-PTNT có từ 5 - 7 phòng/vụ). Cũng theo đoàn giám sát, biên chế công chức được quản lý chặt hơn và có xu hướng giảm, trong những năm 2014 - 2016, bình quân mỗi năm giảm 4.000 người. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Đáng chú ý, nhóm viên chức làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cung cấp các dịch vụ công lại tăng nhanh (năm 2016 là 2.093.313 người, tăng so với năm 2011 là 121.736 người).

Trong khi đó, dẫn lại báo cáo của Chính phủ về việc hiện nay 20/22 bộ đều có tổ chức phòng trong vụ, ĐB Phùng Thị Mai Hoa (Nam Định) nói: “Chúng ta đã biến cái cá biệt, cái đặc thù trở thành cái phổ biến”.
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) lo ngại: “Cái bánh ngân sách dù cho có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”.
Quan tâm đến chất lượng cán bộ
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), nguyên nhân khiến cán bộ công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch là do từ tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương đều không phụ thuộc vào dân mà chỉ phụ thuộc vào cấp trên. Từ đó bà đề xuất quan chức chính trị cần được dân trực tiếp bầu hoặc phải được giới thiệu từ cơ sở. Cùng với đó, nhà nước cần xây dựng phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân.
“Cử tri cho rằng, nếu không khéo, chúng ta sẽ đưa những người làm được việc ra khỏi bộ máy, không thu hút được người giỏi vào bộ máy của chúng ta”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu.
Nhiều ĐB cũng đề xuất các biện pháp mạnh mẽ hơn, như ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (QH), kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về đổi mới hệ thống chính trị do Tổng bí thư đứng đầu. ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu: “Tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này”.
Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ năm 2015 đến nay đã giảm 29.945 biên chế, phần lớn là nghỉ hưu trước tuổi. Còn tinh giản biên chế nghỉ ngay chỉ 12,6%. Theo ông Tân, Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu ý kiến thảo luận của các ĐB và tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát lại những vướng mắc, chồng chéo trong cơ cấu tổ chức, bộ máy… Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang tích cực thực hiện bằng được mục tiêu giảm 10% biên chế tới năm 2021. Từ năm 2018, mỗi năm phải giảm 2,5% trong cả hệ thống chính trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.