Tăng cường hơn nữa trang thiết bị phòng chống dịch

16/05/2021 06:23 GMT+7

Ngày 15.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, nhất là trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Địa phương ngại mua sắm thiết bị y tế vì sợ kỷ luật

Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, phấn đấu tới năm 2030 đưa y tế Việt Nam vào top 30 thế giới. Về tổ chức bộ máy, ông Long cũng cho biết sẽ hình thành cơ quan kiểm soát bệnh tật 2 miền. Ngành y tế sẽ ưu tiên nâng cao năng lực y tế dự phòng để ứng phó các tình huống khẩn cấp, tiếp tục phòng chống hiệu quả các dịch bệnh, không để “dịch chồng dịch”. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, để “mỗi người dân mỗi năm được khám sức khỏe sàng lọc ít nhất 1 lần”. Tuy nhiên, một số khó khăn cũng được đại diện Bộ Y tế nêu lên.

Sáng 16.5: Lại thêm 127 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang, một trong những “nghịch lý” của ngành y tế hiện nay là tình trạng ách tắc trong mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật cao tại nhiều cơ sở y tế. Một số địa phương có tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật. Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành các hướng dẫn, cơ chế mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19 để các địa phương sớm triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiến nghị Chính phủ ưu tiên, tăng đầu tư cho y tế trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định 16/2015 và ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19...

Huy động nguồn lực bằng cơ chế công - tư hợp tác

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tăng cường hơn nữa vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất để chủ động cho công tác phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm, có nguy cơ cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, những ngày qua, lãnh đạo Bộ liên tục làm việc để nâng cao năng lực xét nghiệm. Trong đó, quan trọng nhất là xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR. Hiện cả nước có 175 phòng xét nghiệm với công suất gần 66.000 mẫu/ngày, trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất tối đa lên 290.000 mẫu/ngày. Nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, năng lực xét nghiệm Covid-19 của các địa phương chưa đồng đều, còn 12 tỉnh chưa đủ năng lực xét nghiệm khẳng định chắc chắn các ca bệnh.
“Cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, nhất là cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực để phát triển ngành. Cơ sở vật chất chưa thực sự xứng tầm với yêu cầu và nhiệm vụ. Yêu cầu và mong muốn chăm lo sức khỏe cho 100 triệu người dân rất lớn, rất cao cả nhưng việc đầu tư và cơ sở vật chất cho công tác này vẫn hạn hẹp, không thể khắc phục một sớm, một chiều”, Thủ tướng bày tỏ.
Do đó, về nhiệm vụ đột phá của ngành y tế, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện thực tiễn và tổ chức thực thi hiệu quả. Cùng với đó là xây dựng ngành y tế công khai, minh bạch, hiệu quả, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà đối với người dân.

Chợ cá lớn nhất miền Trung đêm không ngủ để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển ngành, đặc biệt là mô hình hợp tác công - tư. Thủ tướng gợi ý mô hình nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà nước đưa nguồn lực con người vào để khai thác trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước. Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương và thiết lập công cụ để giám sát, kiểm tra, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.