Tăng giờ làm việc, nhân văn hay bất bình đẳng?

24/10/2019 04:59 GMT+7

Vấn đề giảm thời giờ làm việc bình thường và tăng khung giờ làm thêm trở thành tâm điểm của các tranh luận trên nghị trường khi Quốc hội thảo luận về dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi ngày 23.10.

Không nước nào công chức làm ít, công nhân lại làm nhiều

Mặc dù Quốc hội (QH) đã dành hẳn 1 ngày để thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi, song cho tới cuối ngày, các ý kiến vẫn chưa có sự thống nhất. Một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất là đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay. Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị giữ nguyên quy định 48 giờ/tuần hiện hành vì đây là quy định phù hợp với thực tiễn và “rất nhân văn”. Ông Lộc cũng cho rằng nếu giảm thời giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần như đề xuất sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, nguy cơ lớn đối với tương lai nền kinh tế, đồng thời làm giảm tiền lương và chậm các kế hoạch tăng lương cho người lao động (NLĐ). “Giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho NLĐ. Mặt khác, chi phí lao động của doanh nghiệp (DN) tăng lên, năng lực cạnh tranh của DN giảm sút, nhiều DN sẽ phải thu hẹp sản xuất và NLĐ sẽ mất việc làm”, ông Lộc nêu.
Tuy vậy, nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu (ĐB) QH cho rằng, việc giảm thời giờ làm việc bình thường là cần thiết. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc ở VN hiện nay tồn tại 2 nhóm người, nhóm người làm cho nhà nước thì làm 40 giờ/tuần, còn công nhân trong DN thì làm 48 giờ/tuần là “không bình đẳng”. “Ở các nước không có luật lao động nào tách riêng, công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ”, ông Nhân nói, đồng thời cho rằng các nghiên cứu và thống kê cũng cho thấy, NLĐ làm trên 40 giờ mỗi tuần thì năng suất cũng không tăng. Từ đó, ông Nhân đề nghị VN cần sớm có lộ trình chuyển từ làm việc 48 giờ/tuần xuống 40 giờ trong vòng 10 năm tới.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo dự án luật, cho biết theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, nếu giảm giờ làm xuống 44 giờ thì tổng chi phí cho lao động sẽ tăng 17%, giá trị xuất khẩu giảm 20 tỉ USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,5%. “Đây là vấn đề lớn, hệ trọng, cần đánh giá thực tế và kỹ lưỡng. Do đó, đề nghị QH giao cho Chính phủ nghiên cứu, đến thời điểm thích hợp sẽ giảm thời giờ làm việc”, ông Dung nói.

Công nhân muốn làm thêm chỉ vì thu nhập quá thấp

Vấn đề tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm thay vì 300 giờ cũng nhận được những ý kiến tranh luận sôi nổi tại nghị trường. Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý cho biết Ủy ban Thường vụ QH không tán thành đề xuất này dù thực tế người sử dụng lao động và NLĐ có nhu cầu. Tuy nhiên, do Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình QH phương án tăng thời giờ làm thêm nên Ủy ban Thường vụ QH vẫn để 2 phương án trình QH.
Ủng hộ việc tăng giờ làm, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng làm thêm giờ là “cực chẳng đã” đối với các DN, nhưng cũng là nhu cầu tự nguyện của NLĐ. “Tăng giờ làm thêm nhiều hơn 300 giờ là yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với lợi ích của cả NLĐ và người sử dụng lao động. Xuất phát từ thực tiễn này, Chính phủ đề xuất về việc tăng giờ làm thêm là phù hợp”, ông Lộc nói.
Tranh luận với Chủ tịch VCCI tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nghẹn ngào nói: “Tôi không biết ĐB Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu QH thông qua sẽ nhân văn và tự nguyện? Không biết khi ĐB phát biểu có nghĩ đến những quy định của Hiến pháp quy định quyền con người thế nào không? Hãy nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, không chỉ trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn tình người với NLĐ nữa”.
Theo bà Quyết Tâm, công nhân không muốn làm thêm giờ, nhưng vẫn cần làm thêm giờ thực tế là vì tiền lương, thu nhập hiện nay của công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống chứ không phải tự nguyện. “Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của chúng phải gửi về quê. Có người cha người mẹ nào muốn xa con mình hay không? Thậm chí 1 năm, 2 năm chưa về thăm được con. Có người ông, người bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm việc”, bà Tâm gần như bật khóc và nói rằng vai trò của QH là cần phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc gia đình.

Đề xuất nghỉ lễ ngày Gia đình VN thay ngày Thương binh - Liệt sĩ 

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi của Ủy ban Thường vụ QH cho biết, sau khi QH thảo luận tại hội trường tại kỳ họp 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Trưởng ban soạn thảo dự án luật, xin rút đề xuất tăng thêm 1 ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27.7 hằng năm, đồng thời đề nghị giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với NLĐ và chọn ngày Gia đình VN (28.6). Do đó, Ủy ban Thường vụ QH quyết định tiếp tục đưa phương án bổ sung thêm 1 ngày NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và chọn ngày Gia đình VN là ngày nghỉ. Trong phần thảo luận sau đó, nhiều ĐB tán thành với đề nghị này vì cho rằng đây là lựa chọn phù hợp hơn so với ngày Thương binh - Liệt sĩ được Chính phủ đề xuất trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.